Giới khoa học tranh cãi về mũi tiêm Covid-19 nhắc lại mỗi năm
(Dân trí) - Các nhà khoa học đang đặt ra một câu hỏi là liệu có cần tiêm vắc xin Covid-19 nhắc lại mỗi năm hay không, giữa lúc nhiều biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành khắp thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới, các nước nỗ lực chạy đua sản xuất và tiêm vắc xin cho người dân. Một số quốc gia, như Mỹ, Israel có tỷ lệ tiêm vắc xin cao đã phần nào "thở phào nhẹ nhõm".
Tuy nhiên, có các ý kiến cho rằng thế giới có thể phải cần đợt tiêm nhắc lại mỗi năm hoặc có những loại vắc xin mới để chống lại các biến thể mới của virus SARS -CoV-2. Nhưng một số nhà khoa học đặt câu hỏi, liệu có thật sự cần đến những mũi tiêm như vậy hay không và khi nào thì nên tiêm nhắc lại.
Bà Kate O'Brien, Giám đốc bộ phận tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận: "Chúng tôi vẫn đang băn khoăn có cần tiêm liều nhắc lại hay không". Theo bà O'Brien, WHO đã thành lập một hội đồng chuyên gia để đánh giá tất cả dữ liệu về biến thể, hiệu quả của các loại vắc xin hiện nay, đồng thời sẽ sớm khuyến cáo thay đổi các chương trình tiêm chủng nếu cần.
Giám đốc điều hành của Tập đoàn Pfizer (Mỹ) Albert Bourla cho rằng, mọi người có thể cần tiêm thêm liều vắc xin nhắc lại mỗi năm 1 lần - tương tự tiêm phòng cúm hàng năm - để duy trì mức độ miễn dịch cao chống SARS-CoV- 2 và các biến thể.
Trong khi đó, Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhấn mạnh: "Không có con số nào, bằng chứng nào cho thấy cần phải tiêm nhắc lại như vậy".
Pfizer cho rằng có khả năng cao là cần phải tiêm nhắc lại bởi virus vẫn đang lây lan khắp nơi. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của tập đoàn Moderna Stephane Bancel cũng đang đặt mục tiêu sản xuất một loại vắc xin mới vào mùa thu tới để chống lại biến thể lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và nhấn mạnh loại vắc xin này sẽ cần phải tiêm nhắc lại thường xuyên.
Giữa lúc có nhiều tranh cãi, Mỹ đang chuẩn bị sẵn những liều tiêm nhắc lại cho người dân, trong khi Liên minh châu Âu (EU), Anh và Israel đã đặt hàng nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 mới. Một số chuyên gia y tế, gồm cả Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo chuẩn bị sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett, cho rằng các nhà sản xuất vắc xin đã đúng khi lên kế hoạch sẵn sàng như vậy và các chính phủ có thể tự quyết xem có nên mua hay không.
Pfizer và đối tác BioNTech của Đức mới đây cho biết, vắc xin của họ có hiệu quả 91% chống lại Covid-19 trong ít nhất 6 tháng sau liều thứ hai. Tiến sĩ William Gruber của Pfizer nói rằng, kế hoạch tiêm nhắc lại được đưa ra dựa trên "ít bằng chứng" về khả năng suy giảm miễn dịch trong 6 tháng đó. Còn Chủ tịch Tập đoàn Moderna Stephen Hoge cho rằng cần phải tiêm nhắc lại để duy trì mức độ miễn dịch cao trong bối cảnh nhiều người vẫn còn do dự.
Cuối năm ngoái, các nhà khoa học lạc quan nhận định, vắc xin có hiệu quả cao sẽ nhanh giúp kiềm chế đại dịch toàn cầu đang tàn phá khắp thế giới. Tuy nhiên, những hy vọng đó đã mờ dần vào tháng 2 năm nay khi các bằng chứng cho thấy các biến thể của virus có thể trốn tránh các kháng thể được tạo ra để chống lại dạng ban đầu của virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu này thúc đẩy các công ty dược phẩm bắt đầu thử nghiệm liều vắc xin nhắc lại cũng như phát triển loại vắc xin nhắm vào từng biến thể.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) và là cố vấn hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng cho biết, những nghiên cứu gần đây cho thấy vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech tạo ra lượng kháng thể cao nhằm tạo "hiệu ứng đệm" chống lại các biến thể. Tiến sĩ Fauci nhấn mạnh, "rất có thể" là hoàn toàn không cần tiêm nhắc lại.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia nghèo vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung cấp vắc xin đợt đầu, các cơ quan y tế của các nước như Mỹ, Anh và châu Âu vẫn nhấn mạnh rằng có thể có một đợt tiêm phòng mới nếu cần. Việc các quốc gia giàu có chạy đua cho đợt tiêm chủng nhắc lại vào mỗi năm sẽ càng làm gia tăng áp lực về vắc xin đối với các quốc gia nghèo.