1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Giới khoa học hoài nghi sự cần thiết của mũi vắc xin Covid-19 tăng cường

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, hiện chưa đủ bằng chứng cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 vắc xin ngừa Covid-19 là cần thiết.

Giới khoa học hoài nghi sự cần thiết của mũi vắc xin Covid-19 tăng cường - 1

Một phụ nữ tiêm vắc xin Covid-19 tại Mỹ (Ảnh: Reuters).

Giới chức Mỹ dự kiến triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 mũi thứ 3 tăng cường từ ngày 20/9 tới do lo ngại hiệu quả của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian. Theo đó, tất cả người dân Mỹ trong độ tuổi được khuyến cáo tiêm chủng và đã tiêm mũi đầu tiên cách đó ít nhất 8 tháng sẽ được tiêm liều thứ 3 tăng cường từ tháng tới.

Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy nói với các phóng viên rằng: "Các dữ liệu gần đây cho thấy mức độ bảo vệ của vắc xin trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhẹ và trung bình giảm dần theo thời gian. Điều này có thể là do cả miễn dịch giảm và biến chủng Delta mạnh hơn. Chúng tôi lo ngại đà suy giảm này sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới, dẫn đến giảm mức độ bảo vệ nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19".

Các cố vấn Cục Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dự kiến sẽ họp vào ngày 24/8 tới để thảo luận về kế hoạch tiêm chủng bổ sung.

Một số nước đã quyết định triển khai tiêm chủng bổ sung cho người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch. Giới chức châu Âu hôm 18/8 nói rằng, họ thấy chưa cần thiết tiêm chủng tăng cường cho toàn dân.

Tuy vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia cho rằng chưa cần thiết tiêm chủng vắc xin liều bổ sung bởi chưa có đủ bằng chứng khoa học. Họ cho rằng, các vắc xin hiện thời vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

"Tôi cho rằng, thời điểm này, điều quan trọng hơn tiêm liều bổ sung đó là đảm bảo tiêm chủng cho những người chưa được tiêm mũi nào nhanh nhất có thể", Tiến sĩ Dan McQuillen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bình luận.

Tất cả chuyên gia trả lời phỏng vấn Reuters đều đồng tình rằng, điều quan trọng là mở rộng độ phủ vắc xin trên thế giới.

"Chúng ta có thể rơi vào tình trạng theo đuổi không có hồi kết khi Mỹ và các nước Tây Âu triển khai tiêm bổ sung, trong khi các biến chủng nguy hiểm hơn vẫn xuất hiện ở những nơi khác. Thực tế, chúng ta nên tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới để tránh nguy cơ biến chủng mới xuất hiện", Tiến sĩ Isaac Weisfuse của Đại học Cornell cảnh báo.