1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giới doanh nhân Trung Quốc và Mỹ hoang mang sau vụ bắt sếp Huawei

(Dân trí) - Sau sự việc Canada bắt giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của tập đoàn viễn thông Huawei theo yêu cầu từ Mỹ, giới doanh nhân Mỹ và Trung Quốc dường như đang hoang mang và lo ngại về những rủi ro có thể phải đối mặt khi ra nước ngoài.

Bà Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Shutterstock)
Bà Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Shutterstock)

Ngày 1/12, Canada đã bắt bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “âm mưu lừa đảo nhiều định chế tài chính”, cố tình “lách” lệnh trừng phạt Mỹ áp lên Iran.

Theo Bloomberg, vụ bắt giữ đã làm dấy lên nỗi lo ngại với các doanh nhân cấp cao Trung Quốc, rằng họ có thể trở thành đối tượng kế tiếp bị bắt khi đang ra nước ngoài trong khi các doanh nhân Mỹ lo ngại họ có thể bị bắt do động thái nhằm đáp trả Washington của Bắc Kinh.

“Tôi hoàn toàn hiểu được vì sao các doanh nhân lại lo lắng sau vụ việc bà Mạnh bị bắt. Một số doanh nhân đi tới Trung Quốc có thể quan ngại rằng Bắc Kinh có thể viện dẫn một quy định nào đó và bắt họ để trả đũa”, ông William Zarit, chủ tịch Ủy ban Thương mại Mỹ ở Trung Quốc và chuyên gia tại công ty tư vấn Cohen Group (Mỹ), nhận định.

Vụ bà Mạnh bị bắt khi đang chờ máy bay ở Vancouver cũng khiến các doanh nhân Trung Quốc cân nhắc lại kế hoạch công tác tới Mỹ. Ông Zhang Ruimin, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn đồ gia dụng Haier, nói rằng công ty của ông vẫn đang hoang mang vì Mỹ và Canada vẫn chưa cung cấp lý do chi tiết khi bắt bà Mạnh.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc được cho là tìm cách tách bạch vụ việc Huawei với cuộc đàm phán thương mại. Họ vẫn tiếp tục điện đàm và bàn bạc về vấn đề này sau vụ bắt giữ.

Mặc dù vậy, các công ty đa quốc gia cảm thấy căng thẳng trong việc điều các nhân viên cấp cao tới Bắc Kinh công tác, theo một công ty tư vấn rủi ro ở Hong Kong. Công ty này xin được ẩn danh do lo ngại vấn đề chính trị nhạy cảm.

Chính quyền bang British Columbia ngày 9/12 nói rằng họ sẽ điều chỉnh lại lịch làm việc của một đoàn công tác tới Trung Quốc.

Theo Bloomberg, các doanh nghiệp Mỹ hoàn toàn có cơ sở để lo lắng. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 9/12 cảnh báo rằng Canada sẽ “trả cái giá đắt hơn nhiều” nếu họ không thả bà Mạnh ngay lập tức. Sau đó, Trung Quốc đã triệu tập các đại sứ Mỹ và Canada để thể hiện quan điểm phản đối.

Giới chức Canada ngày 11/12 xác nhận, một trong các nhà cựu ngoại giao của họ đã bị Trung Quốc bắt giữ nhưng chưa rõ vì lý do gì. Giới quan sát cho rằng sự việc xảy ra ngay trong thời điểm nhạy cảm có thể là động thái đáp trả của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chưa có thông tin chắc chắn để xác nhận đồn đoán trên.

Thêm vào đó, giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng quan ngại rằng, Mỹ ở thời điểm hiện tại không chỉ để tâm tới các hành động “lách” lệnh trừng phạt Iran, mà Washington còn đang hướng sự chú ý vào các vụ việc gián điệp kinh tế, chiếm đoạt công nghệ… Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng trước cho biết họ sẽ điều tra thêm về các vụ việc pháp nhân Trung Quốc bị cáo buộc ăn trộm bí mật thương mại. Vì vậy, các công ty Trung Quốc dường như đang lo ngại rằng liệu họ có nằm trong danh sách nghi vấn của Mỹ hay không, và nếu có thì liệu người của họ có bị bắt như bà Mạnh hay không.

Theo Bloomberg, những doanh nghiệp về công nghệ được cho là đang nằm trên “tiền tuyến” của cuộc chiến thương mại. Các công ty như Cisco, Apple của Mỹ thường sản xuất và nhập bộ phận kỹ thuật từ các đối tác Trung Quốc, vì vậy nhân viên và lãnh đạo của họ di chuyển thường xuyên qua lại giữa 2 nước. Trung Quốc từng thực hiện những vụ bắt giữ lãnh đạo của các tập đoàn đa quốc gia, như vụ bắt doanh nhân Stern Hu của tập đoàn Rio Tinto (Anh) năm 2010, nên sự quan ngại của các doanh nhân và doanh nghiệp Mỹ là điều dễ hiểu.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg