1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới chuyên gia vạch trần lý do Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

(Dân trí) - Các chuyên gia chỉ ra rằng một trong những lý do Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông là để tạo thành một vòng bảo vệ hạm đội tàu ngầm hạt nhân tiên tiến đồn trú tại căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam.


Tàu ngầm của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Yulin trên đảo Hải Nam (Ảnh: SCMP)

Tàu ngầm của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Yulin trên đảo Hải Nam (Ảnh: SCMP)

Chiến lược tàu ngầm bất ngờ lộ diện sau phán quyết về Biển Đông

Chiến lược tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông, được giữ bí mật trong suốt 2 thập niên qua, bất ngờ lộ diện mới đây sau khi tòa trọng tài tại La Hay, Lan bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào ngày 12/7 - cùng ngày Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ngày 12/7 ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, bức ảnh một tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất của Trung Quốc đã bị “rò rỉ” và được đăng tải trên nhiều trang web quân sự đại lục.

Bức ảnh, chụp một tàu ngầm lớp Jin type 094A được cải tiến, đã dẫn tới những đồn đoán rằng tàu này có khả năng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới JL-3 của Trung Quốc. JL-3 được cho là có tầm xa 12.000km, có khả năng vươn tới Mỹ.

“Tôi tin rằng bức ảnh chụp tàu ngầm type 094A, mà Mỹ luôn giám sát chặt chẽ, đã cố tình bị rò rỉ để dọa Washington”, nhà quan sát quân sự tại Macao Antony Wong Dong, nói với tờ Thời báo Hoa nam Buổi sáng.

Các chuyên gia cho rằng về mặt quân sự, Bắc Kinh có một cái cớ để đưa ra các đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trung Quốc xem Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho hạm đội tàu ngầm, đóng tại căn cứ hải quân Yulin ở đảo Hải Nam, đường tiếp cận không hạn chế với Thái Bình Dương.

Biển Hoa Đông chỉ có một vài tuyến đường di chuyển ngầm hẹp, khiến các tàu ngầm có thể dễ dàng bị theo dõi. Nhưng Biển Đông có các cơ sở tàu ngầm với một đường tiếp cận ngầm, giúp các tàu ngầm Trung Quốc tránh được con mắt theo dõi từ các vệ tinh giám sát của Mỹ.

“Bất chấp phán quyết của tòa trọng tài là gì, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các tham vọng hàng hải ở Biển Đông vì Bắc Kinh xem vùng biển này là một “pháo đài” để hỗ trợ sự bành trướng quân sự”, nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Bắc Kinh nói.

“Biển Đông là lộ trình duy nhất để Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc biển thực sự”, ông Song nói thêm.

Biển Đông có vài eo biển và tuyến đường ngầm, cho phép hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc phá vỡ các vòng phong tỏa chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai của Mỹ, vốn nhằm kiểm soát các lực lượng hàng hải của Trung Quốc ở châu Á.

“Đó là lý do tại sao Trung Quốc lựa chọn kỹ càng để đặt trụ sở của hải quân và tàu ngầm ở tỉnh Hải Nam nhiều năm trước”, ông Song nói.

Mưu mô "vạn lý trường thành dưới nước"

Chuyên gia Song cho hay, trong quá khứ, Mỹ đã cố gắng thiết lập hai lộ trình để kiểm soát Trung Quốc trên biển. Lộ trình thứ nhất có hình móc câu, chạy từ quần đảo Kuril do Nga kiểm soát về phía nam tới Philippines và sau đó hướng lên phía tây qua Brunei và Malaysia trước khi vòng tới Biển Đông. Tuyến thứ 2 là từ bờ biển Trung Quốc, chạy tới phía nam qua Nhật Bản tới quần đảo Indonesia ở cực đông.

Bắc Kinh tin rằng 2 lộ trình này nhằm vào các quốc gia trong khu vực vốn liên minh với Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên xô tan rã năm 1991, quân đội Trung Quốc nghi ngờ Mỹ chuyển hướng chú ý sang Bắc Kinh.

Hồi tháng 6, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s tại Anh đưa tin rằng Công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc đã đề xuất xây dựng một hệ thống giám sát dưới nước, có biệt danh dự án “vạn lý trường thành dưới nước”, bao gồm một mạng lưới các tàu và cảm biến tàu ngầm nổi vốn có thể làm suy yếu đáng kể lợi thế tác chiến dưới biển của tàu ngầm Mỹ để giúp Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông.

Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, chỉ ra rằng các cơ sở và mạng lưới dưới nước phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và các đảo nhân tạo khác là nhằm tăng cường sự kiểm soát của Hải quân Trung Quốc đối với Biển Đông.

Thậm chí các chuyên gia hải quân đại lục cũng thừa nhận rằng các đường băng và các cơ sở quân sự phi pháp khác trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa là một phần trong nỗ lực nhằm mở rộng sức mạnh của căn cứ hải quân Yulin ở Biển Đông.

Đụng chạm với Mỹ

Tuy nhiên, Alexander Neill, một chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế châu Á, cho rằng Biển Đông cũng là tuyến đường quan trọng cho các tàu hải quân Mỹ từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương.

“Các tàu sân bay Mỹ thường xuyên di chuyển trên Biển Đông trên đường tới tham gia các hoạt động ở Trung Đông”, ông Alexander nói. “Vì vậy việc thách thức tự do hàng hải của các sân bay Mỹ và tàu ngầm bảo vệ chúng gây ra một số lo ngại an ninh quốc gia nghiêm trọng đối với Mỹ cũng như các hoạt động của họ”.

Nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho rằng căn cứ tàu ngầm Yulin, cùng các dự án xây dựng khác tại quần đảo Trường Sa, nằm trong chiến lược tổng thể lớn hơn của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn an ninh khu vực “thông qua các biện pháp quân sự truyền thông và phi truyền thống”.

Hải quân Mỹ vận hành 75 tàu ngầm hạt nhân trong năm 2014, trong đó 15 tàu thuộc lớp Seawolf hoặc Virginia hiện đại hơn. Tuy nhiên, Mỹ chỉ triển khai 4 tàu ngầm lớp Los Angeles tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng tại căn cứ hải quân ở đảo Guam.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm, với 16 trong số đó là tàu ngầm hạt nhân, chủ yếu đóng tại Yulin.

“Biển Đông giống như một pháo đài bảo vệ đường tiếp cận của Trung Quốc với tuyến Ấn Độ Dương, cũng là tuyến giao thông dầu mỏ huyết mạch của Bắc Kinh. Đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa được xem là đầu tầu của sáng kiến phát triển “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Đó là lý do tại sao nhiều vũ khí đã được triển khai tới đó”, nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macao nói.

An Bình