1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giàu như khủng bố (?!)

Nếu như tạp chí Forbes của Mỹ hằng năm công bố danh sách những tỉ phú đôla thì họ cũng vừa nêu tên những nhóm khủng bố giàu nhất thế giới, đứng đầu là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ cầm đầu tổ chức IS giàu có nhất thế giới
Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ cầm đầu tổ chức IS giàu có nhất thế giới

Theo tạp chí Forbes (phiên bản tiếng Israel), với thu nhập hàng năm khoảng 2 tỷ USD, nhóm IS đã bỏ rất xa đằng sau tất cả “đối thủ cạnh tranh” của mình.

Nguồn thu của tổ chức này chủ yếu từ việc bán dầu cho thị trường chợ đen. IS đang kiểm soát ít nhất khoảng 20 giếng dầu tại Iraq và Syria. Với nguồn dầu hỏa, các chiến binh IS đang nắm trong tay một vũ khí mà chưa một phong trào thánh chiến nào trước đó có được. Vàng đen đóng một vai trò chiến lược quan trọng đối với IS. Đó là nguồn tài chính giúp tổ chức này vận hành.

Đường dây buôn lậu dầu mỏ của IS hoạt động dựa vào một mạng lưới trung gian và những đường vòng dẫn đến những nhà máy chế xuất lậu ở vùng Kurdistan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Địa bàn này đã ra đời từ rất lâu, từ những năm 1990, khi Iraq bị cấm vận, thị trường chợ đen đã nở rộ. Tùy thuộc vào số lượng trung gian tham gia, giá của một thùng dầu thô từ khu vực do IS kiểm soát chỉ bán ra với giá dao động từ 20 đến 60USD, thấp hơn giá thị trường có khi tới 30%, vì vậy dầu của IS "hút lên đến đâu, bán hết đến đấy". Vào tháng 7/2014, Đài quan sát nhân quyền Syria đặt tại Luân Đôn cho hay, IS chỉ bán một thùng dầu với giá dưới 18 USD cho dân chúng đang chịu sự kiểm soát của chúng nhằm đánh bóng hình ảnh của tổ chức này.

Francis Perrin, Chủ tịch Cơ quan Chiến lược và Chính sách năng lượng, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Dầu hỏa và khí đốt Arập nói: “Tổ chức IS sử dụng một phần dầu hỏa cho nhu cầu của mình và bán một phần khác cho phe thân cận và xuất khẩu phần còn lại cho Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo phe đối lập Syria, tổ chức IS đã nhượng lại một số giếng dầu với giá cả phải chăng cho một số bộ tộc địa phương nhằm mua chuộc sự trung thành của họ. Một số xe chở dầu vượt sang biên giới Iraq, tiến về phía Thổ Nhĩ Kỳ thông qua khu vực Kurdistan của Iraq.

Các chuyên gia cho rằng hằng ngày, hoạt động buôn lậu dầu hỏa bơm vào ngân khố của IS từ một đến hai triệu USD. Một nguồn tài chính quan trọng giúp tổ chức này có kinh phí để chi tiêu cho các hoạt động về nhân sự lẫn quân sự.

Ngoài ra, IS còn tiếp tục “khai thác” những di tích khảo cổ đang bị chiếm đóng thuộc di sản của Iraq và Syria và đem bán chúng thông qua trung gian trong các cuộc đấu giá bí mật ở các nước phương Tây. Một nguồn thu lớn khác của IS là việc bắt cóc con tin phương Tây để tống tiền.

Vị trí thứ hai, theo Forbes, thuộc về phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Thu nhập hằng năm của tổ chức này là 1 tỷ USD, chủ yếu hình thành từ những khoản tài trợ của các quốc gia vùng Vịnh cũng như qua các tổ chức và quỹ từ thiện.

Đứng thứ 3 là Al-Qaeda. Ngoài nguồn thu truyền thống là thuốc phiện ở Afghanistan, Al-Qaeda mới đây đã buôn bán những thú hoang dã quý hiếm gây quỹ để hoạt động. Kaziranga - một khu rừng ở Afghanistan rộng khoảng 4.290km2 với những bãi cát và những đồng cỏ rộng lớn, đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Ở đây ước tính có khoảng 480 loại chim, 32 loại động vật có vú và 42 loại cá khác nhau, nhiều loại quý hiếm, đang gặp nguy hiểm và có nguy cơ gần như bị tuyệt chủng.

Thời gian gần đây những loài động vật hoang dã này đang thu hút rất nhiều khách tham quan và cả sự săn bắt. Theo cảnh sát, các nhà điều tra, những người buôn bán địa phương và các nhà chức trách, những dân quân Hồi giáo đã liên kết với tổ chức Al-Qaeda và bảo trợ cho các hoạt động săn bắt thú quý hiếm hoang dã để kiếm lợi nhuận.

Một chuyến hàng động vật quý trị giá 2,8 triệu bảng của tổ chức Al-Qaeda vừa được bắt giữ bởi hải quan Anh cho thấy đây là một món lợi nhuận khổng lồ đáng lo ngại.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm