1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giáo sư Mỹ lấy ví dụ Việt Nam để gợi ý lối thoát cho tình hình Trung Đông

(Dân trí) - Giáo sư nổi tiếng Noam Chomsky phát biểu, Palestine cần đẩy mạnh sự ủng hộ của dân chúng Mỹ để tạo áp lực thay đổi chính sách của nước này đối với khu vực Trung Đông, giống như phong trào phản chiến của người Mỹ trước đây đã góp phần giúp kết thúc cuộc chiến tại Việt Nam.

Giáo sư Noam Chomsky

Giáo sư Noam Chomsky

Noam Chomsky là nhà hoạt động cũng như nghiên cứu về chính trị rất nổi tiếng tại Mỹ. Ngày 14/10, ông đã có cuộc trao đổi với báo giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, về vấn đề Trung Đông.

GS. Chomsky phát biểu, bên cạnh những hoạt động ngoại giao ở tầm quốc tế để đưa đến một giải pháp cho tình hình Trung Đông, chính quyền Palestine cần tập trung vào việc huy động sự ủng hộ của người dân Mỹ cũng như của các nước Châu Âu, nhằm tạo áp lực để chính quyền các nước này thay đổi chính sách đối với khu vực Trung Đông.

Ông Chomsky nhớ lại, đầu thập niên 1960 khi sống ở Boston, ông đã bắt đầu các cuộc nói chuyện tại các phòng khách, các nhà thờ, nhằm vận động cho việc phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Tới ngày 16/10/1965, thanh niên Boston đã cùng người dân nhiều nước đồng loạt tổ chức “Ngày Biểu tình Quốc tế phản đối cuộc chiến tại Việt Nam”. Cuộc biểu tình trở thành bạo loạn, và chính giới cũng như cả báo chí Mỹ lúc đó đã chỉ trích gay gắt sự kiện này.

Kết quả là tới tháng 3/1966, trong khi nhiều nước tiếp tục tổ chức “Ngày Biểu tình Quốc tế” lần thứ hai, thì tại Boston các nhà hoạt động không thể tổ chức biểu tình công khai được nữa mà chỉ tụ họp các nhóm nhỏ ở các nhà thờ. Tuy nhiên, theo ông Chomsky, chỉ một thời gian ngắn sau đó khi cuộc chiến leo thang, phong trào phản chiến trở nên ngày càng rầm rộ tới mức không lực cản nào chống lại được, và cuối cùng đã góp phần quan trọng khiến Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam.

Ông Chomsky nhấn mạnh, việc vận động người dân hiện nay cần đặc biệt chú trọng vào tăng cường đối thoại, tranh luận lành mạnh, với mục đích cung cấp thông tin để người dân Mỹ hiểu đúng về tình hình Trung Đông, tránh dẫn tới những động thái cực đoan, bạo lực.

“Người Việt Nam, Nicaragua, Timor đều đã hiểu tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự đoàn kết và ủng hộ từ người dân Mỹ tới mức họ có thể tác động tới sự điều chỉnh của chính sách”, ông Chomsky nói.

Theo chuyên gia này, mặc dù hiện nay thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn đang duy trì và tạo ra rất nhiều rào cản cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, nhưng đã bắt đầu có một số tín hiệu tích cực. Trong đó, ông Chomsky đánh giá cao việc ngày 13/10 vừa qua Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua nghị quyết không bắt buộc về việc nước này công nhận Nhà nước Palestine.

Mặc dù nghị quyết không có tính bắt buộc, nhưng báo chí đã chỉ ra rằng nó có tính biểu tượng. Theo ông Chomsky: “Điều này có tác động tới chính sách của Anh. Điều này hàm ý rằng người dân Châu Âu, và ở một mức độ nào đó là cả ở Mỹ, muốn cách biệt mình ra khỏi những hành động của Israel”.

Trước đó, chính quyền Thụy Điển đã tuyên bố họ đang chuẩn bị cho việc công nhận nhà nước Palestine, và như vậy nước này sẽ trở thành quốc gia Tây Âu quan trọng đầu tiên làm việc này. Pháp cũng đã hé lộ rằng họ đang xem xét hành động tương tự, nhưng chưa có dự kiến cụ thể.

Ông Chomsky nhận định: “Việc có nhiều động thái hơn theo hướng này từ phía Châu Âu sẽ củng cố những nỗ lực tại Mỹ nhằm tạo áp lực để chính quyền Mỹ phải thuận theo thế giới trong vấn đề này”.

GS Noam Chomsky hiện công tác tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông sinh năm 1928, được biết đến với nhiều vai trò như nhà khoa học, triết gia, nhà ngôn ngữ học, nhà văn hóa, nhà hoạt động và nghiên cứu chính trị. Ông đã xuất bản hơn 100 cuốn sách, và được đánh giá là một trong những nhân vật kiệt xuất, có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Tuấn Anh (từ New York)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm