Giao dịch vũ khí toàn cầu tăng cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh
(Dân trí) - Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm hôm qua công bố báo cáo nghiên cứu cho thấy, hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu trong 5 năm qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Trong giai đoạn 2012-2016, lượng vũ khí nhập khẩu của các nước châu Á và châu Đại Dương chiếm 43% mức nhập khẩu toàn cầu, tăng 7,7% so với giai đoạn 2007-2011. Trong khi đó, hoạt động này ở các nước Trung Đông và châu Phi đã tăng từ 17% lên 29%, trong khi tỷ lệ này của châu Âu đã giảm 7 điểm còn 11%, châu Mỹ giảm 2,4 điểm còn 8,6% và châu Phi giảm 1,3 điểm còn 8,1%.
Trong báo cáo, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết hoạt động xuất nhập khẩu vũ khí trên thế giới trong 5 năm qua đã đạt mức kỷ lục từ năm 1950. Báo cáo nêu rõ: “Các hoạt động mua bán vũ khí trong giai đoạn 2012-2016 đã đạt mức cáo nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh”.
Theo báo cáo, Ả-rập Xê-út là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ. Trong khi đó, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới khi chiếm 33% thị phần, tăng 3% so với giai đoạn 2007 - 2011, còn Nga đứng thứ 2 với 23% thị phần, Trung Quốc đứng thứ 3 với 6,2% thị phần, Pháp đứng thứ 4 với 6% và Đức đứng thứ 5 với 5,6%.
Ông Pieter Wezeman, nghiên cứu viên cấp cao tại Chương trình Mua bán Vũ khí quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, cho hay: “Trong 5 năm qua, hầu hết các nước Trung Đông đều ưu tiên mua vũ khí từ Mỹ và châu Âu để đẩy nhanh quá trình nâng cao các khả năng quân sự. Bất chấp giá dầu thấp, nhiều nước trong khu vực này tiếp tục đặt mua thêm vũ khí trong năm 2016, coi đây là các biện pháp quan trọng để đối phó với những cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực”.
Trong khi đó, ông Aude Fleurant, quan chức phụ trách chương trình vũ khí của Viện Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholmm, cho biết “đang có sự ganh đua quyết liệt giữa Đức, Pháp và Anh”.
Theo báo cáo, Mỹ và Pháp là những nhà cung cấp vũ khí chính cho Trung Đông, trong khi Nga và Trung Quốc và những nước xuất khẩu chính đối với châu Á. Hoạt động xuất khẩu vũ khí của Pháp đã đạt được những bước tiến nhờ các hợp đồng quan trọng với Ai Cập, như tàu chiến lớp Mistral và máy bay chiến đấu Rafale.
Ngọc Anh
Theo AFP