1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giành quyền bá chủ: Cuộc đấu Mỹ - Trung sẽ đến đâu?

Mỹ và Trung Quốc (TQ) phải chia sẻ, chuyển giao hay cạnh tranh một mất một còn để giành lấy vị trí bá chủ?

Đây là bài toán cuối cùng mà lãnh đạo cấp cao hai nước sớm muộn cũng phải giải quyết.

Từ ẩn mình chờ thời…

Khái niệm “cổ đông có trách nhiệm” được đưa ra năm 2005, khi giới chức cấp cao Mỹ kỳ vọng đưa một TQ đang lên vào trật tự hiện có. Giai đoạn sau khủng hoảng tài chính 2008, một khái niệm khác được đưa ra: “G2” (tập đoàn hai quốc gia) và “Chimerica”.

Khái niệm này có nhiều hàm nghĩa, trong đó bao gồm hình dung về mô hình lãnh đạo tập thể giữa hai cường quốc. Bắc Kinh có lợi ích xuyên các châu lục, tham gia mọi lĩnh vực của thế giới và những quyết định hay không quyết định đều có tác động chính sách toàn cầu. Vì thế họ cần đứng ra gánh vác thêm trách nhiệm quốc tế và giữ vai trò tương xứng với sức mạnh đang lên.

G2 và Chimerica bị Thủ tướng TQ lúc đó là Ôn Gia Bảo chính thức từ chối. Lý do đưa ra là TQ vẫn chưa sẵn sàng cho một vị trí lãnh đạo toàn cầu như vậy. Các học giả TQ đưa ra các lý giải đa chiều hơn. Một số cho rằng đây là cái bẫy của Mỹ và phương Tây, đòi hỏi TQ phải có nghĩa vụ đóng góp, qua đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Một số khác đề cập sự thật là, dù tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong gần 35 năm, đất nước Tử Cấm Thành vẫn là quốc gia đang phát triển, năng lực nào thì vị thế đó, đừng nên làm quá sức.

Một nhóm ý kiến khác thực tiễn hơn cho rằng là một quốc gia trỗi dậy, TQ có quyền khẳng định và thiết kế mô hình lãnh đạo của mình, mang “đặc sắc TQ” chứ không phải do Mỹ và các nước Phương Tây ban phát. Theo đó, TQ cần tự tìm ra một con đường lãnh đạo thế giới bằng phương cách “vương đạo” (thay vì “bá đạo” như Mỹ đã tiến hành).

Lãnh đạo bằng con đường riêng đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng. Một là, mô hình lãnh đạo đó dựa trên nền tảng nào? Hai là ứng phó thế nào với Mỹ, cường quốc lãnh đạo hiện tại. Nguyên tắc không thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ được chính phủ TQ theo đuổi một thời gian dài. Nguyên tắc này một mặt dựa trên định hướng ngoại giao từ thời Đặng Tiểu Bình thông qua bốn chữ “ẩn mình chờ thời” được diễn dịch chi tiết hơn: “Bình tĩnh quan sát; Lập trường vững chắc; Bình tĩnh đối phó; Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế; Duy trì ẩn mình, và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu”.

Mặt khác Bắc Kinh hiểu sức mạnh của mình vẫn còn khoảng cách so với Mỹ. Những thành tựu kinh tế là ấn tượng, tuy nhiên giới hoạch định chính sách TQ vẫn kiểm soát chính sách ngoại giao theo nguyên tắc ẩn mình và từ chối tranh chấp vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Giành quyền bá chủ: Cuộc đấu Mỹ - Trung sẽ đến đâu? - 1

Ông Tập Cận Bình và ông Obama trong lần gặp tháng 11/2014 tại Bắc Kinh. (Ảnh: New York Times)

…đến “điểm nhấn” Tập Cận Bình

Gió đã đổi chiều. Sau khủng hoảng tài chính 2008, TQ xuất hiện với những động thái xác quyết và hung hăng hơn trong nhiều mặt trận (tranh chấp tỷ giá với Mỹ, ngoại giao đa phương tại Liên hiệp quốc, tranh chấp lãnh thổ; lãnh hải với các nước láng giềng…). Các nhà phân tích đánh giá đây là thời điểm kết thúc chính sách từ thời Đặng Tiểu Bình. Nhìn nhận phổ biến cho rằng, với sức mạnh đang lên làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu, với khủng hoảng diễn ra ngay tại các nước phương Tây, châu Âu và Mỹ, thời TQ trở thành một cường quốc bá chủ toàn cầu đã tới.

Nhận định trên phần nào được “chứng minh” sau đó trong một số nội dung các cuộc tranh luận từ giới chiến lược, cơ quan nghiên cứu và quân đội Bắc Kinh được công bố. Sự chuyển dịch cơ cấu sức mạnh này, tuy vậy, chưa tạo ra sự thống nhất về lựa chọn chính sách. Giai đoạn 2009-2012, cuộc tranh luận có nên bỏ chính sách “thao quang dưỡng hối” diễn ra sôi nổi.

Khi Tập Cận Bình đảm nhận chức vụ lãnh đạo cao nhất năm 2012, tranh luận đã ngã ngũ. Nhiều ý kiến tán đồng khái niệm do một học giả đại học Thanh Hoa đưa ra: Từ “ẩn mình chờ thời” sang “phấn đấu để thành công”. Để định hình một môi trường quốc tế thân thiện cho sự trỗi dậy, theo học giả này, Bắc Kinh cần phát triển những mối quan hệ ngoại giao và quân sự chất lượng hơn Washington. Không cường quốc hàng đầu nào có quan hệ thân thiện với mọi quốc gia, nên cốt lõi của cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là quốc gia nào có nhiều “bạn chất lượng cao” hơn.

Hiện tại, Hoa Kỳ là quốc gia hưởng lợi nhiều hơn từ mạng lưới và quan hệ đồng minh. Washington có khoảng 50 đồng minh hiệp ước. Và điều này tạo nên sức mạnh.

Khác với Mỹ, TQ không có các đối tác liên minh chính thức để chia sẻ gánh nặng an ninh. Những “người bạn” mà TQ lựa chọn, bao gồm các quốc gia như Pakistan, Iran, Myanmar, và Sudan…, có vai trò đối tác cung cấp tài nguyên thiên nhiên hoặc đối tác thương mại. Nhưng những nước này thực sự là gánh nặng an ninh hay tạo ra vấn đề hơn là một lực lượng hỗ trợ Bắc Kinh giải quyết một vấn đề xung đột nào đó. Việc TQ thúc đẩy mối quan hệ an ninh với các đối tác này còn gây phản ứng ngược từ các nước láng giềng.

Ứng xử với một TQ hung hăng, vũ lực và đơn phương trong hành động là khó, vì nó buộc các nước láng giếng lớn bé đều phải xây dựng những phương án phòng ngừa. Nhưng một TQ hợp tác và đứng ra chủ động tạo những gắn kết khu vực sẽ đẩy các quốc gia láng giềng vào một lựa chọn khó khăn hơn, do tính đa diện trong sự trỗi dậy luôn được gắn mệnh đề “hòa bình”, với một bên là các dự án hợp tác kinh tế mang tính đầu tư chào gọi, bên kia là sự tăng tốc về hiện đại hóa quốc phòng, cùng với tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ chưa được giải quyết. Hệ quả là sự không rõ ràng về “ý định chiến lược” của một cường quốc trỗi dậy.

Từ góc nhìn của các chiến lược gia TQ, khi môi trường an ninh chiến lược xung quanh TQ ngày càng xấu đi, thì các giải pháp đều sẽ quy về vai trò của Washington. “Quan hệ siêu cường kiểu mới” giữa hai nước được phía TQ đề xuất năm 2014 với nhiều nội dung, mà trên thực tế, cho tới giờ vẫn chỉ duy trì ở mức “thân thiện bề ngoài”, còn các vấn đề cốt lõi thì không thay đổi. Thậm chí các bất đồng về gián điệp mạng, thương mại, ứng xử với các láng giềng Đông Á trong chủ đề lãnh hải – lãnh thổ còn có xu hướng diễn biến tiêu cực.

Vai trò của chủ tịch Tập Cận Bình là một điểm nhấn cho sự bùng nổ các mâu thuẫn này. Ông Tập sở hữu sự tự tin có thể đưa TQ đi xa hơn hai nhà lãnh đạo trước. Quá trình tập trung quyền lực trong nước của ông đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Dù đã bắt đầu có những lực cản, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập Cận Bình đang dừng lại. Như vậy, việc nhiều người đánh giá Tập Cận Bình là lãnh đạo TQ có quyền uy tập trung nhất sau Đặng Tiểu Bình, hay thậm chí chỉ sau Mao Trạch Đông sẽ càng có cở sở.

Nhưng, ông Tập cũng là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn những người tiền nhiệm. Cùng với sức mạnh đang lên, sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc tại TQ chính là nỗi lo lắng thường trực của Mỹ và các nước xung quanh. Đặt trên nền tảng một quyền lực tập trung và xuyên suốt, vị nguyên thủ này có cách tiếp cận các vấn đề quốc tế đôi lúc khác biệt với lợi ích của người Mỹ.

Đa số các chiến lược gia TQ đang nói về những xung đột mang tính sự vụ giữa hai quốc gia. Chỉ có một số ít ám chỉ trực tiếp rằng phải đặt mọi vấn đề liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh cạnh tranh vai trò lãnh đạo toàn cầu. Họ quan ngại những vấn đề khác biệt giữa hai quốc gia bị cường điệu hóa, dẫn đến mâu thuẫn hoặc đối đầu trực diện, trong khi TQ vẫn chưa phải là nước mạnh nhất.

Mỹ và TQ phải chia sẻ, chuyển giao hay cạnh tranh một mất một còn để giành lấy vị trí bá chủ? Đây là bài toán cuối cùng mà lãnh đạo cấp cao hai nước sớm muộn cũng phải giải quyết, dẫu đó là tầm nhìn hay một lộ trình cụ thể.

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV TP.HCM)

Vietnamnet

Đây là lần gặp chính thức thứ ba giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama, và gần như là lần cuối cùng trong vai trò tổng thống của Obama. Lần đầu tiên là vào tháng 6/2013, cuộc gặp gỡ “thân mật” diễn ra tại Sunnylands, California. Hai nhà lãnh đạo thảo luận việc xây dựng “quan hệ siêu cường kiểu mới”, và cùng với sự phát triển những mối quan hệ cá nhân, cung cấp động lực để xây dựng lòng tin giữa các bên và thiết lập định hướng chiến lược rõ ràng cho quan hệ Mỹ - Trung.

Lần gặp gỡ thứ hai diễn ra vào tháng 11/2014 tại Hội nghị APEC ở Bắc Kinh, khi Tổng thống Obama có chuyến thăm cấp nhà nước đến TQ. Thành công của cuộc gặp gỡ này bao gồm “Tuyên bố chung Mỹ - Trung về biến đổi khí hậu”, một thời khắc mang tính bước ngoặt sau nhiều năm đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, mang lại một viễn cảnh tươi sáng cho Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Paris vào cuối năm 2015.

Đối với các họp thứ ba giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, cả hai quốc gia và cộng đồng quốc tế đều có lý do chính đáng để đặt những kỳ vọng.

 

Giành quyền bá chủ: Cuộc đấu Mỹ - Trung sẽ đến đâu? - 2