1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giáng đòn cấm vận Huawei, Mỹ có thể gánh tổn thất lớn

(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ nhằm mở đường cấm cửa Huawei có thể sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận và “nạn nhân” đầu tiên chính là các công ty công nghệ Mỹ.

Giáng đòn cấm vận Huawei, Mỹ có thể gánh tổn thất lớn - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/5 tuyên bố sẽ đưa Huawei và 70 chi nhánh vào danh sách những đối tượng bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Không lâu sau đó, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ, cảnh báo các thiết bị viễn thông có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nằm trong nhóm bị Bộ Thương mại coi là có nguy cơ rủi ro với an ninh quốc gia Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump đang mở đường cho việc cấm các công ty Mỹ hợp tác làm ăn với Huawei.

Trước đó, Huawei đã nhiều lần bị cáo buộc vì hành vi gián điệp và vi phạm luật pháp Mỹ. Washington từ lâu đã hoài nghi về nguy cơ an ninh từ việc sử dụng các thiết bị của Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Huawei đã bác bỏ những cáo buộc này, trong khi chính quyền Trung Quốc chỉ trích các cáo buộc của Mỹ là không công bằng.

“Động thái này rõ ràng nhắm mục tiêu tới hoạt động gián điệp của Trung Quốc thông qua (việc cấm vận Huawei), mặc dù vẫn chưa được chứng minh cụ thể”, nhà phân tích Tim Bajarin tại hãng nghiên cứu Creative Strategies Inc nói với Business Insider.

“Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách cấm các sản phẩm Mỹ tại thị trường Trung Quốc, cũng với lý do tương tự. Một cuộc chiến đáp trả lẫn nhau có thể trở thành thảm họa với bất kỳ công ty (Mỹ) nào đang bán nhiều sản phẩm tại Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ, nếu họ bị cấm vận vì bất kỳ lý do gì theo động thái trả đũa của Trung Quốc”, ông Tim nhận định.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng trăm triệu USD hàng hóa của nhau gần đây, một lệnh cấm vận của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.

Nhà phân tích Dan Ives tại hãng tư vấn Wedbush cho rằng lời đe dọa của Tổng thống Trump là phát súng cảnh báo với Trung Quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tháng tới.

“Chúng ta vẫn nghĩ rằng đó chỉ là một lời hăm dọa, tuy nhiên động thái này cũng góp phần gia tăng căng thẳng khi các nhà đầu tư công nghệ vốn vẫn luôn lo lắng. Đây là một lời cảnh báo dằn mặt. Họ tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa, đặc biệt với Huawei do tầm quan trọng chiến lược của Huawei tại Trung Quốc”, Dan Ives nhận định.

Căng thẳng leo thang

Giáng đòn cấm vận Huawei, Mỹ có thể gánh tổn thất lớn - 2

Huawei là tập đoàn viễn thông khổng lồ và được xem là niềm tự hào của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters

Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ và nhắm mục tiêu tới các hãng công nghệ hàng đầu như các nhà sản xuất chip Nvidia, Qualcomm và Intel.

Sau khi Mỹ truy tố giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hồi tháng 12 năm ngoái, nhà phân tích Stacy Rasgon từng nói Huawei “là bên mua chất bán dẫn khổng lồ” từ Mỹ. Tuy vậy, tác động đối với các nhà sản xuất chip lớn của Mỹ được cho là không lớn ngay cả khi Huawei bị đưa vào danh sách đen.

Theo nhà phân tích Rasgon, “chuỗi cung ứng có thể tự điều chỉnh” để giúp giảm thiểu tác động từ lệnh cấm Huawei đối với các công ty chip của Mỹ.

“Nếu các công ty bán dẫn (Mỹ) không thể bán cho Huawei, từ đó khiến Huawei không thể bán thiết bị của họ, các công ty khác có thể sẽ thế chỗ của Huawei và (Mỹ) có thể bán cho các công ty này. Nói cách khác, các công ty thiết bị Trung Quốc có thể mất thị phần vào tay các công ty ngoài Trung Quốc trong việc cung cấp các sản phẩm tương tự, khi nhu cầu về các sản phẩm này vẫn rất lớn”, ông Rasgon nhận định.

Tuy vậy, theo nhà phân tích Rasgon, quá trình chuyển giao có thể sẽ diễn ra lộn xộn. Nhà phân tích Tim Bajarin cho rằng tình huống xấu nhất là Trung Quốc sẽ tấn công ngược lại Mỹ và giáng đòn trừng phạt một số công ty lớn của Mỹ, vốn bán rất nhiều sản phẩm tại thị trường Trung Quốc.

“Đó có thể là các công ty bán máy vi tính hay các thiết bị viễn thông. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thực sự đáp trả, họ có thể nhắm tới một công ty lớn của Mỹ với thương hiệu nổi tiếng”, Bajarin phỏng đoán.

Nhà phân tích Dan Ives cho rằng mục tiêu dễ bị tấn công nhất là Apple, hãng công nghệ nổi tiếng nhất của Mỹ.

Crawford Del Prete, chủ tịch hãng nghiên cứu IDC, nhận định đòn đáp trả của Trung Quốc có thể sẽ không tác động tới các lĩnh vực khác về công nghệ ngay lập tức. Trong khi đó, Huawei thực sự sẽ phải đối mặt với bối cảnh khó khăn khi bị cấm hơp tác kinh doanh với các công ty Mỹ.

“Đối với Huawei, họ cần tập trung và gửi đi thông điệp rằng, họ không phải là mối đe dọa về an ninh, vì thế họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Mỹ”, ông Prete nói.

Trong thông báo phát đi sau sắc lệnh của Tổng thống Trump, Huawei cho biết: “Nếu Mỹ ngăn cấm Huawei, điều đó sẽ không khiến cho Mỹ an toàn hơn và cũng không làm cho Mỹ mạnh hơn. Điều đó sẽ buộc Mỹ phải sử dụng các thiết bị thay thế đắt đỏ và kém chất lượng, tụt hậu so với các nước khác và cuối cùng gây thiệt hại cho chính các công ty và người tiêu dùng Mỹ”.

Thành Đạt

Tổng hợp