1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giám đốc FBI công khai "ngáng đường" Hillary Clinton như thế nào?

(Dân trí) - Giám đốc FBI James Comey khiến ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton và ekip chao đảo khi bất ngờ thông báo FBI mở lại điều tra bê bối thư điện tử của bà Clinton. Vụ việc này được cho là ảnh hưởng không nhỏ tới cơ hội giành chiến thắng của cựu Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.


Bà Hillary Clinton và ông James Comey (Ảnh: Breitbart)

Bà Hillary Clinton và ông James Comey (Ảnh: Breitbart)

Những “đòn” dồn dập

Đầu tháng 7, Cục Điều tra Liên bang (FBI) khiến cục diện tranh cử ở Mỹ có diễn biến bất ngờ, khi chất vấn bà Clinton về việc sử dụng thư điện tử cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Thời điểm đó, bà gần như chắc chắn trở thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ.

Kết luận do Giám đốc FBI James Comey công bố sau đó nói bà Clinton vô tội, nhưng nhấn mạnh chuyện “vô cùng bất cẩn” khi gửi các thông tin được xếp loại mật qua hòm thư cá nhân. Kết luận này được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đua tranh, nhưng vụ việc sau đó tưởng chừng đã lắng xuống.

Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng 10, đúng lúc còn vài ngày nữa là đến thời khắc quyết định, Comey lại khơi lại tranh cãi khi tuyên bố FBI sẽ "có các biện pháp điều tra thích hợp để xem liệu các thư điện tử có lưu tin mật hay không”.

Đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa lập tức hoan nghênh và tuyên bố bà Clinton không đủ tư cách tranh cử. Cuộc thăm dò dư luận tiến hành ngay sau đó cho thấy ông Trump đã vượt lên dẫn trước bà Clinton, lần đầu tiên kể từ tháng 5.

Phe Dân chủ thì đang giận dữ tìm động cơ của ông Comey và đáp trả bằng cách đòi FBI công bố điều tra mối liên hệ giữa đối thủ Trump cùng các cố vấn của ông này với giới chức Nga.

Nhưng chưa hết, ngày 2/11, FBI bất ngờ công bố hồ sơ điều tra vụ việc chồng của bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã ân xá cho một nhân vật trốn thuế vào 20/1/2001, ngày cuối cùng ông tại nhiệm.

Chỉ một ngày trước đó, 1/11, FBI tuyên bố không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa ông Trump hay các cố vấn của ông này với giới chức Nga.

Vậy là trong chặng đua nước rút, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ sẽ phải đối mặt với hàng loạt chất vấn nảy sinh từ FBI và chắc chắn đây sẽ là cơ hội mà Donald Trump không đời nào bỏ lỡ để tấn công đối thủ của mình.

Ý đồ của James Comey

Ian Prior, người phát ngôn của một quỹ trong ban lãnh đạo Thượng viện, cho rằng cuộc bầu cử đang ở giai đoạn mà “bất kỳ cơn gió nhẹ nào, dù thổi theo hướng nào, cũng có thể khiến cuộc đua chao đảo”. Theo ông, cho dù nội dung thực sự của những bức thư điện tử có là gì, thì động thái của Comey có thể đe dọa cả kết quả thăm dò mà hiện bà Clinton đang dẫn trước, lẫn cơ hội phe Dân chủ giành lại ưu thế tại Thượng viện.

Sau tuyên bố của Comey, những câu chuyện khác lại nổi lên từ FBI và Bộ Tư pháp. Một số quan chức giấu tên tiết lộ Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho rằng đáng lẽ Comey nên giữ im lặng về các thư điện tử.

"Theo tôi thì tin tức của FBI có hại cho đất nước", Brian Rosenwald, nhà sử học chính trị tại Đại học Pennsylvania nói. "Rõ ràng FBI từ từ cho rò rỉ thông tin, khi các nhân vật trong cơ quan này đang tiết lộ tin tức các hãng tin ưa thích."

Vụ việc có thể nguy hiểm, vì lịch sử của FBI ghi nhận trường hợp như đã xảy ra trong nhiệm kỳ của giám đốc J. Edgar Hoover. FBI khi đó mang tiếng là can thiệp thô bạo vào vấn đề chính trị trong nước. Ông Hoover đã sử dụng các tập tin của FBI để cố bịt miệng các nhà hoạt động chống chiến tranh, đòi quyền công dân và thậm chí gây áp lực cho các tổng thống.

Hành động của ông Comey có thể không đến mức như vậy. Khả năng nhiều hơn là ông tin rằng việc công bố thông tin là nhiệm vụ của ông - như ông đã tuyên bố, và đã không lường được phản ứng đối với hành động của mình.

Tại buổi điều trần hôm 7/7, Comey từng bảo vệ mạnh mẽ quyết định của ông về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự bà Hillary Clinton “dù bà Hillary Clinton và nhân viên không cẩn thận”.

Nhà Trắng gần đây cũng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama tin tưởng rằng Giám đốc FBI James Comey là người chính trực và không có ý định gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Nhưng không thể phủ nhận là quyết định của Comey có thể được hiểu như nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Và trước mắt, các thông báo công khai có thể gây tổn hại đến hình ảnh của FBI.

Cựu Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Đảng Dân chủ Mỹ Howard Dean tố cáo Comey “làm xói mòn niềm tin” đối với cơ quan này: "Ông ta đã cố làm những gì cá nhân ông ta cho là đúng, nhưng đã làm hỏng hoàn toàn hình ảnh và có lẽ là làm tiêu tan sự tin cậy đối với FBI".

Tương lai gập ghềnh

Nhiệm kỳ của một giám đốc FBI kéo dài 10 năm và ông Comey nắm giữ cương vị này từ tháng 9/2013. Ông Jamie Gorelick, cựu Thứ trưởng Tư pháp dưới thời chính quyền Bill Clinton, đã đề cập đến một khía cạnh khác, khi Mỹ có tổng thống mới lúc ông Comey vẫn tại nhiệm: “Giữa Tổng thống và Giám đốc FBI cần có lòng tin, đặc biệt là vì tầm quan trọng của vị trí này”.

Nếu các email được điều tra là không có vấn đề gì và bà Clinton thắng cử, ông Comey cũng có thể được xem là tránh những cáo buộc rằng đã giấu giếm bằng chứng trước bầu cử. Nhưng nếu các email không có gì và Trump chiến thắng, thì đảng Dân chủ có thể nhạo báng ông là người đã khiến bà Clinton phải ra khỏi phòng Bầu dục vì “Sự cố Tháng 10” này.

Trong trường hợp nào thì mối quan hệ của người đứng đầu FBI với tổng thống tiếp theo cũng có thể gay go. Tổng thống Clinton có thể bực bội, xem ông là người cản trở con đường của bà. Ông Trump có thể xem ông như đồng minh và việc này sẽ gây ra những vấn đề chính trị cho Comey và FBI do ông điều hành.

Một khía cạnh của sự xáo trộn mà cho đến nay vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý của dư luận - là liệu vụ việc này có khiến Comey phải từ chức trong tháng 11 hay không?

Tuệ An

Tổng hợp