1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giám đốc điều hành COVAX: "Cố gắng để không quốc gia nào không được tiếp cận vaccine giữa đại dịch"

Là Giám đốc điều hành Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc, bà Aurélia Nguyễn - người Pháp gốc Việt, đang điều phối việc mua và bàn giao vaccine Covid-19 cho 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia cơ chế COVAX.

Giám đốc điều hành COVAX: Cố gắng để không quốc gia nào không được tiếp cận vaccine giữa đại dịch - 1

Bà Aurélia Nguyen - Giám đốc điều hành chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX (Ảnh: GAVI).

Trước khi làm Giám đốc điều hành COVAX, Aurélia Nguyen từng là Giám đốc điều hành phụ trách vấn đề vaccine của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) với vai trò điều phối và thiết kế các chương trình vaccine.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Trung tâm Truyền thông Khoa học Châu Âu (European Science Media Hub) với Aurélia Nguyen về chương trình COVAX:

GAVI đã mang lại kinh nghiệm gì cho chương trình COVAX từ sứ mệnh tiêm chủng trước đây cho trẻ em trên khắp thế giới? Chương trình COVAX có khác gì so với những gì bà đã làm trước đây?

Vaccine là một trong những câu chuyện thành công nhất về sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ qua. Chúng là vũ khí trong việc chống lại các đại dịch toàn cầu và nhờ chúng mà một số "sát thủ toàn cầu" như bệnh đậu mùa và bại liệt đã bị tiêu diệt.

Kể từ năm 2000, GAVI đã giúp tiêm chủng cho hơn 822 triệu trẻ em ở 77 quốc gia, ngăn ngừa hơn 14 triệu ca tử vong trong tương lai.

Cung cấp vaccine cùng lúc cho nhiều quốc gia là một thách thức lớn, nhưng chúng tôi biết rằng có thể giải quyết thách thức này, với sự hỗ trợ từ tất cả các đối tác và những người ủng hộ.

Chương trình COVAX đang thực hiện rất có thể là chiến dịch triển khai vaccine toàn cầu lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Thông qua đó, chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều trước đây chưa bao giờ làm - đảm bảo để không quốc gia nào không được tiếp cận vaccine giữa đại dịch.

Những thách thức cụ thể của chương trình COVAX là gì?

Một thách thức đang phải đối mặt hiện nay là sự chậm trễ không lường trước được đối với các mốc thời gian cung ứng đã được thỏa thuận ban đầu với các nhà sản xuất vaccine, do một loạt các vấn đề như giảm số lượng, thời gian cần thiết để phê duyệt theo quy định và sự phức tạp của việc phân phối vaccine.

Rất tiếc, COVAX không miễn nhiễm với điều này và chúng tôi không thể hoạt động với mức độ chính xác và khả năng dự đoán như các chương trình tiêm chủng thông thường. Tuy nhiên, chúng tôi đang tích cực theo dõi các diễn biến và sử dụng tất cả giải pháp để đảm bảo rằng nguồn cung cấp vaccine có thể đến tay người tham gia nhanh nhất có thể.

COVAX đang trong quá trình hoàn thành vòng phân bổ đầu tiên cho 142 nền kinh tế tham gia. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm khi chúng tôi tìm cách cung cấp 2 tỷ liều thuốc trong năm nay, bao gồm 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp hơn.

Liệu đây có phải là bài học được rút ra từ khi bắt đầu triển khai chương trình ở Ghana?

COVAX đã xây dựng một danh mục vaccine, cũng như thiết lập một phương pháp hỗ trợ việc phân bổ vaccine được bảo đảm thông qua cơ sở COVAX. Điều này liên quan đến việc hợp nhất thông tin cung cấp để dự báo cho việc phân bổ và xác định những người tham gia và các sản phẩm tiếp nhận.

Một bài học quan trọng mà chúng tôi đã học được từ đại dịch này là không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn vì không có biên giới nào cho các bệnh truyền nhiễm.

Do đó, việc tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine, đặc biệt là bảo vệ nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao nhất là cách duy nhất để giảm bớt tác động của đại dịch đối với cá nhân, cộng đồng và các quốc gia.

Đây là lý do tại sao cơ chế COVAX được thành lập ngay từ đầu. Sự hợp tác quốc tế chưa từng có này trong việc đổi mới công nghệ, tài trợ cho vaccine và các mô hình hợp tác công-tư mới để cho phép triển khai nhanh chóng sẽ là một kinh nghiệm quý báu cho các đại dịch trong tương lai.

Ai là người quyết định nhóm và cá nhân nào được ưu tiên nhận vaccine? Điều này có khác nhau theo quốc gia không?

Chúng tôi tin rằng vaccine sẽ đi đến những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhóm ưu tiên và rủi ro cao ở tất cả các nước tham gia, theo khuôn khổ Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO về Covid-19. Chúng tôi đang làm việc với các nhà chức trách ở khắp mọi nơi để giúp đảm bảo vaccine đến tay những người cần chúng nhất.

Giám đốc điều hành COVAX: Cố gắng để không quốc gia nào không được tiếp cận vaccine giữa đại dịch - 2

COVAX cố gắng đảm bảo không quốc gia nào không được tiếp cận vaccine giữa đại dịch. (Nguồn: Healthpolicy-watch.news)

COVAX đáp ứng điều đó như thế nào?

Việc phân phối COVAX tiếp tục diễn ra với tốc độ ổn định của vaccine AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, COVAX cũng đã tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư ngay từ đầu và trao đổi với các nhà sản xuất vaccine khác về lịch cung ứng.

Chúng tôi cũng sẽ công bố các giao dịch mới cho vaccine và các ứng cử viên vaccine và CEPI (Liên minh đổi mới chuẩn bị sẵn sàng cho dịch bệnh) đang mở rộng danh mục nghiên cứu để ứng phó với sự xuất hiện của các biến thể virus mới.

Ngoài ra, chúng tôi mong muốn các quốc gia có thu nhập cao hơn sẽ quyên góp nguồn cung cấp vaccine dư thừa hoặc chuyển các liều đã được phân bổ của họ cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn thông qua COVAX.

Aurélia Nguyen có bằng thạc sĩ về chính sách y tế, về hoạch định tài chính của Trường Y dược Nhiệt đới và Dịch tễ London và Trường Kinh tế London (Anh).

Bà từng giữ nhiều chức vụ khác nhau trong giai đoạn 1999 - 2010, trong đó có vai trò cấp cao trong GlaxoSmithKline - một hãng dược hàng đầu của nước Anh. Bà từng nghiên cứu các chính sách thuốc generic cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hồi tháng 2 năm nay, bà lọt vào danh sách Time 100 Next theo bình chọn của tạp chí Time nhằm tôn vinh 100 cá nhân được đánh giá có tầm ảnh hưởng đến tương lai của lĩnh vực mà họ đang làm việc và thế hệ tương lai.