1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những kỷ niệm của nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng:

Giám đốc CIA bất ngờ mời tiệc Đại sứ Việt

Khi đang làm Đại sứ tại Mỹ, ông Lê Công Phụng bất ngờ được Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mời dự tiệc Giáng sinh, cho dù theo truyền thống, họ chỉ mời đại sứ các nước đồng minh của Mỹ.

Tổng thống Mỹ George W. Bush tiếp Đại sứ Lê Công Phụng ngày 22/1/2008 tại Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ George W. Bush tiếp Đại sứ Lê Công Phụng ngày 22/1/2008 tại Nhà Trắng

Nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ông Lê Công Phụng, Đại sứ thứ ba của Việt Nam tại Mỹ (nhiệm kỳ 2008-2011), chia sẻ với Tiền Phong những kỷ niệm cá nhân sâu sắc, phản ánh bước chuyển trong cách nhìn của Mỹ đối với Việt Nam.

Việt Nam là điểm gặp của hai đảng Mỹ

Ông Lê Công Phụng nói rằng, Đại sứ đầu tiên Lê Văn Bàng khá vất vả vì sự chống đối Việt Nam, chống đối quan hệ Việt - Mỹ quá lớn. Đại sứ thứ hai Nguyễn Tâm Chiến cũng không “khỏe” lắm. Nhưng khi ông sang nhận nhiệm vụ, thời cơ đã rất thuận lợi. Vì đến năm 2007, sau 12 năm bình thường hóa quan hệ, hai bên đều đã ngấm hậu quả của sự thù địch và thấy cần phải thay đổi. “Tôi sang là thời kỳ thuận lợi nhất. Thủ tướng nước ta thăm Mỹ 2-3 lần, Chủ tịch nước cũng sang 2-3 lần, lãnh đạo cấp cao hai bên gặp gỡ, đưa ra những tuyên bố thuận lợi”, ông Phụng kể.

Cựu Đại sứ cho biết, khi tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ tại Washington, ông đã mời cựu Tổng thống Bill Clinton và nhiều Thượng nghị sĩ, quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ. Điều khiến ông ấn tượng nhất là việc ông Clinton theo lịch chỉ đến phát biểu xong rồi về, nhưng khi thấy không khí vui quá, ông xin phép Đại sứ Việt Nam được ở lại thêm. “Lúc tôi đứng cạnh, ông Clinton nói rằng, ở Mỹ có hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm quyền. Hai đảng đấu tranh nhau quyết liệt trong nhiều vấn đề, nhưng trong quan hệ với Việt Nam thì hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thống nhất với nhau, nhất là các ông John McCain, John Kerry…”, ông Phụng kể. Cựu Đại sứ nói thêm rằng, lúc đó, ông cảm nhận thực sự Mỹ có nhu cầu rất lớn và khá thống nhất trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Ông Phụng nói rằng, nhu cầu đó một phần thể hiện ở việc năm 2010, Mỹ chủ động đề nghị Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ,  yêu cầu các nước để Việt Nam tham gia, cho dù trình độ phát triển của Việt Nam vẫn khiêm tốn.

Ông Phụng cho rằng, trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ từ thời kỳ Tổng thống George Bush đến Tổng thống Barack Obama trong hai nhiệm kỳ, Mỹ cần quan hệ tốt với Việt Nam nếu muốn thành công. “Nếu thiếu Việt Nam, ASEAN không phải chỗ dựa của Mỹ. Việt Nam có bờ biển dài, có những vị trí địa chiến lược hết sức nhạy cảm, quan trọng với khu vực. Cho nên, họ không thể không thúc đẩy quan hệ với Việt Nam”, ông Phụng nhận định.

Những bữa tiệc đặc biệt


Ông Lê Công Phụng kể rằng, một trong những kỷ niệm ở Mỹ mà ông nhớ mãi là vào năm 2010, ông tự dưng được Giám đốc CIA Leon Panetta mời dự tiệc Giáng sinh cùng các Đại sứ Thái Lan, Singapore, Philippines. “Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là họ đã chuyển cách nhìn đối với Việt Nam. Tuy mình không phải là đồng minh, nhưng họ rất cần mình là đồng minh. Điều này cho thấy nhu cầu của họ, bước chuyển của họ trong chính sách với Việt Nam rất rõ và mang tính chiến lược”, cựu Đại sứ chia sẻ. Một điều khác biệt nữa là vào dịp năm mới, trong số Đại sứ các nước ASEAN, có những lúc chỉ Đại sứ Lê Công Phụng được Tổng thống Mỹ mời dự tiệc.

Cựu Đại sứ cho biết, khi còn làm nhiệm vụ tại Mỹ, ông đã đi nhiều bang, gặp đại diện nhiều địa phương và nhận thấy một điều giống như ông Bill Clinton nói. Đó là sự quan tâm đến Việt Nam, sự quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trở thành trào lưu, thành xu thế chung của các địa phương ở Mỹ. Dù mỗi bang đều có luật riêng, nhưng họ đều quan tâm, hỗ trợ làm việc rất nghiêm túc, nhất là trong lĩnh vực quân sự.

Cựu Đại sứ kể, trước khi về nước, ông đến Hawaii và làm việc với Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và được 37 tướng tá tiếp long trọng cả buổi sáng. “Họ thúc giục tôi khi về nước tìm cách đẩy nhanh hợp tác quốc phòng - an ninh. Điều chúng ta thấy mừng là họ đang cố hết sức thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nâng cấp quan hệ”, ông Phụng nói.

Theo Trúc Quỳnh
Tiền phong