Giải pháp nào cho tình hình bất ổn ở Iraq?
(Dân trí) - Tại thời điểm một tháng trước khi thành lập chính phủ mới, người Iraq dường như đã quên hẳn niềm vui “được giải phóng” khỏi chế độ độc tài Saddam 3 năm trước. Giờ họ đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: không việc làm, thiếu thốn đủ thứ và đáng sợ hơn là cái chết luôn rình rập...
Người Iraq đang sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ, họ không còn biết tin tưởng vào ai nữa: quân đội Mỹ, cảnh sát Iraq, các đội quân cảm tử hay các nhóm du kích được vũ trang và mặc trang phục giống hệt như các lực lượng chính qui....tất cả đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và nằm ngoài tầm kiểm soát. Những người Sunni thậm chí xem cảnh sát là những kẻ xâm lược người Shiite. Chẳng có ai đại diện cho một lực lượng an ninh quốc gia mang tính trung lập bảo vệ quyền lợi công dân của họ cả.
Trong bối cảnh ấy, ngày 22/4, bộ ba cơ quan quyền lực cao nhất của Iraq đã xác định được người đứng đầu. Ở một khía cạnh nào đó, đây là sự phân chia công bằng: Thủ tướng Malaki là người Hồi giáo dòng Shiite (chiếm đa số dân cũng như đa số phiếu trong quốc hội), hai phó thủ tướng một là người Hồi giáo dòng Sunni, một là người Kurd. Tổng thống Talabani là người Sunni, hai phó tổng thống một là người Shiite mội là người Kurd. Chủ tịch quốc hội, ông Mashhadani là người Kurd, hai vị trí phó chủ tịch quốc hội do người Sunni và Shiite nắm. Nó phản ánh cơ cấu xã hội Iraq hiện nay. Thêm vào đó, sự ra đi của ông Jaafari, người vốn không có được uy tín và sự ủng hộ của các phe đối lập dường như cũng thổi một luồng gió mới vào bầu không khí chính trị tại Iraq.
Thế nhưng trên thực tế, giữa Malaki và Jaafari không có sự khác biệt nào quá lớn, cả hai cùng nằm trong ban lãnh đạo đảng Tiếng gọi (Daawa), một đảng Hồi giáo của người Shiite, dù không tập hợp quanh mình các nhóm vũ trang riêng như các đảng phái khác xong lại có mối liên hệ mật thiết với đội quân Hiến Tử do giáo sĩ trẻ dòng Shiite Moqtada Sadr cầm đầu. Đội quân này hiện đang bị buộc tội là gây ra các vụ tấn công trả thù nhằm vào người Sunni. Liệu có nhà lãnh đạo nào lập lại được hoà bình và hàn gắn mâu thuẫn giữa người Sunni và Shiite hay không, câu trả lời vẫn còn đang bị bỏ lửng.
Mặt khác, sự cân bằng về mặt quyền lực giữa những người đứng đầu hiện nay chưa hẳn đã làm cho mâu thuẫn giảm xuống. Việc cộng đồng người Sunni vốn bị chèn ép sau sự sụp đổ của Saddam có được tiếng nói và quyền lợi trong chính phủ vô hình chung lại làm cho những phần tử Hồi giáo cực đoan dù không hề tin tưởng vào một nền dân chủ cho rằng bạo lực là một phương pháp có hiệu quả!
Chính phủ mới,những người dưới sự điều hành của Malaki sẽ dẫn dắt đất nước ra sao? Tất cả còn chưa được trả lời thế nhưng dường như các ứng viên mới cho chức vụ bộ trưởng đang tập hợp những người trung thành với mình để giao phó các chức vụ chủ chốt, tạo vây cánh và xây dựng các lực lượng bảo vệ độc lập với mục đích duy trì quyền lực và lợi ích tài chính của mình. Chính trường Iraq thời gian sắp tới hẳn sẽ sôi động với những vụ tranh chấp quyền lực và nạn tham nhũng không thể kiểm soát nổi. Đó sẽ là thách thức không dễ vượt qua của ông Malaki!
Còn đối với người dân thì xét cho cùng, điều họ quan tâm không phải là ai làm thủ tướng mà là cuộc sống của họ sau sự sụp đổ của Saddam liệu có được cải thiện hay không, nền an ninh, kinh tế, các dịch vụ xã hội có được khôi phục lại hay không; hay họ vẫn phải sống trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ, không có điện và đường phố thì bốc mùi tanh tưởi vì không có ai dọn dẹp?
Cũng cần nhắc thêm là việc hàn gắn những mối hận thù giữa những người Sunni và Shiite tại Iraq là điều hoàn toàn không đơn giản. Trong văn hoá của người Ảrập, một khi đã xảy ra nợ máu giữa hai gia đình, hai dòng họ thì cho dù đến nhiều đời sau không có ai lãng quên nó cả, nợ máu vẫn phải trả bằng máu. Xung đột giữa người Sunni và Shiite không phải chỉ là chuyện giữa hai nhóm người nhỏ lẻ, nó là cả hai cộng đồng lớn. Cho đến nay ai có thể tính được đã có bao nhiêu người Sunni bị chết bởi những người thuộc dòng Shiite và ngược lại? Nợ máu sẽ trả đến khi nào mới hết được đây? Ông Malaki, những thành viên trong chính phủ mới và cả quân đội Mỹ liệu có khi nào tự đặt ra câu hỏi ấy?
TSTY