1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải pháp cho vấn đề Triều Tiên: Trừng phạt hay đàm phán?

(Dân trí) - Trong khi Hội đồng Bảo an LHQ cần thêm thời gian để hoàn tất một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, các bên liên quan rõ ràng vẫn đang “đong đếm” thiệt hơn giữa hai phương cách giải quyết bế tắc: thắt chặt các biện pháp trừng phạt và thúc đẩy đàm phán sáu bên.

Giải pháp cho vấn đề Triều Tiên: Trừng phạt hay đàm phán?  - 1
Binh sỹ Hàn Quốc theo dõi các động thái của Triều Tiên từ biên giới.
“Phải trả giá”

 

Nhiều cường quốc chủ chốt, trong đó có một số bên tham gia đàm phán 6 bên, đã tính tới những hành động trừng phạt mới với Triều Tiên. 

 

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ Mỹ Susan Rice tuyên bố Triều Tiên "sẽ phải trả giá" nếu muốn tiếp tục thử và khiêu khích cộng đồng quốc tế. Theo đại diện của Mỹ, “quan điểm của cộng đồng quốc tế là rõ ràng: hành động đó không thể chấp nhận được”. Bà này khẳng định các nước thành viên đã nhất trí sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an ra một nghị quyết mới với những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và hiệu quả, "có thể được áp đặt dưới nhiều hình thức khác nhau và có thể gồm cả các đòn bẩy kinh tế".

 

Cùng lúc, Hạ viện Nhật Bản đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu Chính phủ Nhật Bản có lập trường kiên quyết và cứng rắn hơn đối với Triều Tiên như thắt chặt các biện pháp cấm vận kinh tế đối với nước này. Nhật Bản hôm 26/5 đã quyết định ngừng hoàn toàn các hoạt động xuất khẩu sang Triều Tiên, một động thái dường như đang muốn làm nổi bật quan điểm "cứng rắn" của Tokyo trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

 

Ở Hàn Quốc cũng có luồng dư luận hối thúc Chính phủ Hàn Quốc theo đuổi "các biện pháp quân sự mạnh mẽ" và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên. 

 

Nhiều nước trong Hội đồng Bảo an, trong đó có Pháp, có quan điểm ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. 

 

Giới phân tích cho rằng ở “góc độ trừng phạt”, các cuộc tấn công quân sự phải được loại trừ vì khả năng Bình Nhưỡng phản ứng với Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí cả bằng vũ khí hạt nhân. Những biện pháp trừng phạt kinh tế cũng chỉ có tác dụng hạn chế khi Triều Tiên đang bị cô lập về tài chính. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng sẽ chỉ khiến căng thẳng leo thang.

 

“Cánh cửa thương lượng vẫn để ngỏ”

 

Trong khi có nhiều đồn đoán rằng Mỹ sẽ thúc đẩy một biện pháp mạnh đối với Triều Tiên thông qua Hội đồng Bảo an, có thể là lệnh trừng phạt mới, trước sự thôi thúc của các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, thì từ Washington, Nhà Trắng tuyên bố cánh cửa cho các cuộc đàm phán sáu bên về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn để ngỏ. 

 

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen cũng nhấn mạnh đến vai trò của biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết những căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên 

 

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan nói rằng Xơun sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn thương lượng bất chấp việc nước này vừa thử hạt nhân thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Bình Nhưỡng. “Chúng ta cần để ngỏ cửa đối thoại với Triều Tiên", ông nói.

 

Trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ sử dụng vị thể của mình để phản đối bất cứ hành động nào có thể làm mất ổn định hơn nữa trên bán đảo Triều Tiên, thì Nga, nước thành viên nữa trên bàn đàm phán sáu bên, cũng cho rằng các vòng đàm phán 6 bên là giải pháp duy nhất cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

 

Nhiều nước lớn trong Hội đồng Bảo an, như Anh, nhấn mạnh cần phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên, đề nghị họ sớm quay trở lại vòng đàm phán 6 bên. Bên cạnh đó, dù đã có những hành động cứng rắn cụ thể, Nhật Bản cũng thúc giục chính phủ tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bế tắc về chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng. 

 

Như vậy, rõ ràng là một giải pháp thông qua thương lượng cũng đang được các bên liên quan cân nhắc.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp