1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Giải mã” vũ khí nghi được sử dụng tấn công tàu dầu tại vịnh Oman

(Dân trí) - Mỹ cho rằng Iran đã sử dụng thủy lôi để tấn công các tàu chở dầu tại vịnh Oman và đây không phải là vũ khí mới của lực lượng quân sự các nước.

Mỹ “tung” video Iran gỡ thủy lôi từ tàu dầu trên vịnh Oman
“Giải mã” vũ khí nghi được sử dụng tấn công tàu dầu tại vịnh Oman - 1

Tàu chở dầu bốc cháy sau khi bị tấn công tại vịnh Oman (Ảnh: Dailymail)

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu tại vịnh Oman hôm 13/6, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) công bố những hình ảnh chụp lại thiệt hại của tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản.

Được chụp từ tàu khu trục USS Baibridge do Mỹ triển khai tới vịnh Oman ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, bức ảnh cho thấy một vật thể được cho là thủy lôi từ trường bám vào thân tàu Kokuka Courageous. Ngoài ra, một lỗ hổng được cho là gây ra bởi thiết bị nổ cũng được nhìn thấy trên thân tàu này, cùng phía với thủy lôi.

Ngoài ảnh, CENTCOM cũng công bố một đoạn video được cho là ghi lại cảnh các thủy thủ Iran di chuyển trên tàu tuần tra và tìm cách tháo gỡ thủy lôi chưa phát nổ trên tàu Kokuka Courageous. Phía Mỹ cho rằng Iran đang tìm cách xóa dấu vết chứng cứ sau vụ tấn công.

Iran đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ. Chủ sở hữu tàu Kokuka Courageous cũng tiết lộ thông tin rằng, các thủy thủ đã nhìn thấy “vật thể bay” khi tàu bị tấn công và thông tin nói tàu dầu Nhật Bản bị tấn công bởi ngư lôi là không chính xác.

“Thiệt hại xảy ra trên mặt nước. Nếu đó là ngư lôi, thiệt hại sẽ ở dưới mặt nước. Vì thế tôi nghĩ thông tin này không chính xác”, đại diện công ty sở hữu tàu Kokuka Courageous cho biết.

“Giải mã” vũ khí nghi được sử dụng tấn công tàu dầu tại vịnh Oman - 2

 Vật thể nghi là thủy lôi và lỗ thủng trên tàu Kokuka Courageous sau vụ tấn công (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Các chuyên gia quân sự đã vào cuộc để phân tích về thủy lôi từ trường, loại vũ khí bị Mỹ nghi là được Iran sử dụng để tấn công tàu chở dầu tại vịnh Oman.

Thủy lôi từ trường là một loại mìn hải quân, thường được thợ lặn, thủy thủ hoặc người nhái đặt bên dưới thân tàu. Loại thủy lôi này có hình dáng giống sao biển, được thiết kế để bám rất chắc vào mục tiêu nhờ lực hút nam châm.

Không giống các thủy lôi cỡ lớn hơn được đặt dưới đáy biển hoặc thủy lôi nổi được cố định bởi dây xích hay cáp, thủy lôi từ trường thường không được thiết kế để đánh chìm tàu. Thay vào đó, chúng được sử dụng để thực hiện sứ mệnh làm tê liệt tàu đối phương khiến các tàu này không thể hoạt động được.

Thủy lôi từ trường thường chứa một lượng thuốc nổ bên trong và phát nổ thông qua thiết bị gọi là ngòi nổ. Ngòi nổ này được thiết lập bởi người gắn thủy lôi vào tàu đối phương và hoạt động theo cơ chế hẹn giờ, kích hoạt từ xa.

Một số mẫu thủy lôi từ trường có gắn thêm thiết bị chống tháo gỡ. Thiết bị này sẽ kích hoạt ngòi nổ khi có ai đó tìm cách tháo gỡ thủy lôi ra khỏi thân tàu.

Thủy lôi từ trường đã có từ ít nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và hầu hết lực lượng hải quân trên thế giới đều có loại thủy lôi này trong kho vũ khí.

Thủy lôi được gắn như thế nào?

Các tàu chở dầu dân sự vẫn cho phép các tàu khác tiếp cận trong phạm vi gần trên biển. Tại vịnh Ba Tư gần Iran, các tàu chở dầu có thể cho phép các tàu cỡ nhỏ giống như thuyền buồm tiếp cận tàu chở dầu với tốc độ thấp.

Do vậy, một khả năng xảy ra là các tàu nhỏ đã di chuyển tới sát tàu chở dầu trên vịnh Oman, sau đó người trên tàu nhỏ sẽ gài thủy lôi từ trường vào thân tàu chở dầu mà các thủy thủ trên tàu không hay biết, đặc biệt khi công việc này được thực hiện vào buổi tối.

“Giải mã” vũ khí nghi được sử dụng tấn công tàu dầu tại vịnh Oman - 3

Thủy lôi từ trường được gắn trên thân tàu (Ảnh: Twitter)

Nếu tàu chở dầu đang di chuyển, việc gắn thủy lôi sẽ gặp khó khăn hơn. Điều này có thể giải thích vì sao thủy lôi được tìm thấy ở phía trên vạch mớn nước của tàu, thay vì dưới mặt nước.

Các lực lượng quân sự thường không điều lực lượng đông đảo để thực hiện việc gắn thủy lôi từ trường. Thay vào đó, chỉ cần một nhóm với số lượng người vừa đủ và di chuyển trên tàu nhỏ để thực hiện nhiệm vụ này.

Hình ảnh do Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ công bố cho thấy vật thể được cho là thủy lôi nằm ở ngay phía trên mặt nước.

Nếu một thủy lôi từ trường được kích nổ ở phía trên mặt nước, nó sẽ chỉ đục thủng một lỗ nhỏ trên thân tàu, do vậy ảnh hưởng rất ít tới tàu cũng như khả năng vận hành của tàu.

Tuy nhiên, nếu được đặt chìm dưới mặt nước, thủy lôi từ trường có thể để lại hậu quả lớn cho tàu đối phương.

Theo chuyên gia quân sự Bryan Clark, xét đến vị trí đặt thủy lôi, mục đích của bên tấn công có thể chỉ nhằm “gửi đi một thông điệp và quấy rối, hơn là gây ra những thiệt hại lớn” cho tàu chở dầu tại vịnh Oman.

Thủy lôi từ trường cũng bị nghi ngờ là loại vũ khí được sử dụng để tấn công 4 tàu chở dầu gần Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất hồi tháng trước. Trong vụ việc này, Mỹ cũng đổ lỗi cho Iran.

Một cuộc điều tra về vụ tấn công trên cho thấy các thiết bị nổ được đặt bên dưới mặt nước, song được tính toán chính xác và có chủ ý để tránh làm chìm, mà chỉ nhằm vô hiệu hóa các tàu chở dầu. Các vụ tấn công như vậy dường như được thực hiện để khiến thủy thủ đoàn sợ hãi và gây tác động tới thị trường dầu mỏ, song không làm kích động một chiến quân sự quy mô lớn.

Thành Đạt

Theo NYT, BI