1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Giải mã” vụ bắt giữ người sáng lập WikiLeaks

(Dân trí) - Người sáng lập trang web WikiLeaks đã bị tòa án ở London từ chối cho tại ngoại, nhưng Julian Assange tuyên bố sẽ chiến đấu tới cùng nhằm chống lại lệnh dẫn độ ông sang Thụy Điển. Vậy đâu là những vấn đề chính của vụ bắt giữ?

 

“Giải mã” vụ bắt giữ người sáng lập WikiLeaks - 1
Người sáng lập trang web WikiLeaks Julian Assange.

Vì sao Julian Assange bị bắt giữ?

 

Ông Assange bị bắt giữ theo một Lệnh truy nã của châu Âu (EAW) do ông bị cáo buộc phạm các tội nghiêm trọng tại Thụy Điển. Những cáo buộc này bao gồm một cáo buộc áp bức, 2 cáo buộc quấy rối tình dục và một cáo buộc cưỡng hiếp. Bị cáo được cho là đã có liên quan tới 2 phụ nữ và sự việc diễn ra hồi tháng 8/2010. Tuy nhiên, Assange phủ nhận tất cả những cáo buộc này.

 

Chương trình Lệnh truy nã châu Âu được thể theo Luật dẫn độ năm 2003. Luật được hình thành sau các vụ khủng bố 11/9/2001 và trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng ở châu Âu.

 

Chương trình được thiết kế nhằm củng cố sự hợp tác giữa các giới chức pháp lý khắp châu Âu và cung cấp một tiến trình dẫn độ đơn giản hơn nhiều giữa các quốc gia thành viên.

 

Tại sao Assange bị từ chối cho bảo lãnh? Việc này có bình thường không, đặc biệt là khi ông chưa bị buộc tội?

 

Ông chủ WikiLeaks đã bị từ chối cho bảo lãnh tại ngoại do thẩm phán cấp quận Howard Riddle chỉ ra rằng Assange có “phương tiện và khả năng” bỏ trốn và có “cơ sở thực tế để tin rằng nếu tôi cho ông ấy được bảo lãnh, ông ấy sẽ không ra trình diện trước giới chức trách”. Ông Riddle cũng tin rằng Assange “có thể gặp rủi ro từ những người không bình thường”.

 

Thẩm phán cũng xét đến sự nghiêm trọng của những cáo buộc. Và có một thực tế là những cáo buộc càng nghiêm trọng thì càng có nhiều khả năng người bị cáo buộc sẽ bỏ trốn.

 

Không có gì là bất bình thường đối với người không mang quốc tịch Anh bị từ chối được bảo lãnh để chờ cho tới phiên điều trần dẫn độ.

 

Điều gì sẽ xảy ra?

 

Sẽ có một phiên điều trần khác vào ngày 14/12/2010. Đây có vẻ như không phải là phiên điều trần dẫn độ đầy đủ. Phiên đó bình thường sẽ diễn ra trong vòng 21 ngày sau khi bị bắt giữ. Tuy nhiên, trong vụ việc đang thu hút được nhiều sự quan tâm như thế này, cũng có thể một phiên điều trần dẫn độ đầy đủ sẽ không diễn ra trong nhiều tháng.

 

Tại phiên điều trần, ông Assange sẽ có khả năng biện hộ trước lệnh truy nã và đưa ra các bảo vệ trước yêu cầu dẫn độ.

 

Cơ sở chính để tòa án có thể từ chối một yêu cầu dẫn độ theo chương trình EAW chỉ là vấn đề kỹ thuật. Ví dụ, bạn không phải là người bị nêu tên trong EAW, hay giới hạn thời gian để khởi tố đã hết.

 

Anh sẽ xem xét bằng chứng gì? Liệu biện hộ cho rằng các cáo buộc chống lại ông Assange mang động cơ chính trị có được xem xét?

 

Câu trả lời là có. Theo Mục 13 của Luật dẫn độ năm 2003, việc dẫn độ bị ngăn chặn nếu có bằng chứng chứng tỏ lệnh truy nã, mặc dù đề cập đến các cáo buộc tình dục, trên thực tế được đưa ra nhằm mục đích khởi tố hoặc trừng phạt Assange do quan điểm chính trị của ông.

 

Ngoài ra, việc dẫn độ cũng bị ngăn chặn nếu có thể chứng minh Assange có thể bị thành kiến tại tòa hoặc bị trừng phạt, bị bắt giam, bị giới hạn quyền tự do bởi quan điểm chính trị của ông.

 

Luật sư của Assange, ông Mark Stephens, đã khẳng định lệnh dẫn độ là dựa trên động cơ chính trị. Ông cũng cho biết quyết định bỏ cuộc điều tra hãm hiếp ban đầu đã bị đảo ngược sau khi có sự can thiệp của một nhân vật “chính trị”, Claes Borgstrom, người hiện đang đại diện cho 2 người phụ nữ trong vụ kiện.

 

Liệu Assange có chống lại được quyết định dẫn độ? Tiến trình này kéo dài bao lâu?

 

Có thể. Ông Assange có quyền kháng quyết định dẫn độ. Việc kháng cáo này sẽ do Tòa án hành chính Anh tiếp quản. Cũng có thể kháng cáo từ Tòa án hành chính lên Tòa án tối cao, và cũng có khả năng kháng cáo từ Tòa án tối cao lên Tòa án nhân quyền châu Âu ở Strasbourg.

 

Quá trình này tổng cộng có thể mất tới một năm.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ yêu cầu dẫn độ Assange từ Anh?

 

Trong trường hợp có 2 yêu cầu dẫn độ đối với một người, Bộ trưởng nội vụ Anh sẽ phải quyết định ưu tiên lệnh nào. Để đưa ra lựa chọn, Bộ trưởng sẽ phải xem xét đến sự nghiêm trọng của cáo buộc trong lệnh dẫn độ, địa điểm bị cáo buộc phạm tội, cũng như thời gian của yêu cầu dẫn độ.

  

Nếu Assange bị dẫn độ sang Thụy Điển và Mỹ muốn dẫn độ ông ta từ đó, họ sẽ cần sự đồng ý của Anh. Ngoài ra, việc dẫn độ cũng phải tiến hành phù hợp với luật Thụy Điển và thỏa thuận dẫn độ giữa Thụy Điển và Mỹ.

 

Nhiều người cho rằng Mỹ sẽ dễ dẫn độ Assange từ Thụy Điển hơn là từ Anh.

 

Phan Anh

Theo BBC

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm