1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giải mã “tam giác rồng” nơi nhiều con tàu ngang qua mãi mãi không về

Tam Giác Rồng hay còn được gọi “Biển Quỷ”, được hình thành từ 3 điểm, giữa bờ biển Nhật Bản, (khu vực cách Tokyo chừng 100km về hướng Nam), bờ biển phía Tây của Philippines và bờ biển phía Tây đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ.

Bí ẩn nghìn năm

Cái tên Tam Giác Rồng bắt nguồn từ truyền thuyết có từ 1.000 năm trước. Người Trung Quốc tin rằng dưới vùng biển này có một con rồng khổng lồ. Nó đã nuốt mọi tàu bè qua lại mỗi khi lên cơn đói.

Từ thời cổ xưa, người ta đã kể rằng, rất nhiều tàu thuyền đi vào vùng biển này đều mất tích không để lại bất kỳ một dấu vết. Nhiều người còn nhìn thấy các con tàu ma lang thang trong khu vực này.

Vào những năm 1200, Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) đã nhiều lần cố gắng đi qua Biển Quỷ và kết quả là nhiều tàu trong đội quân của ông đã bị mất tích một cách bí ẩn, kéo theo sự “bốc hơi” của hơn 40.000 quân lính.

Người Nhật tin rằng các trận cuồng phong đã được những vị thần tạo ra nhấn chìm tàu giặc để bảo vệ sự an toàn cho họ. Ngày nay, các thợ lặn vẫn đang thu thập những tàn tích từ các chiến thuyền Mông Cổ bị đắm trong chuyến vượt qua Biển Quỷ. Tuy nhiên, thi thể của hàng ngàn chiến binh bỏ mạng đã biến mất không còn dấu vết gì.

Ngày 19/4/1957, khi chiếc tàu “Kichisenkan” của Nhật Bản đi dọc theo tuyến “Tam Giác Rồng” và từ Thái Bình Dương trở về, thuyền trưởng và các thủy thủ bỗng gặp 1 chuyện hy hữu. Họ nhìn thấy “hai vật thể bay lấp lánh ánh bạc, không có cánh bay, đường kính dài hơn 10m hình như cái đĩa, bằng kim loại, từ trên trời rơi xuống, và rơi ngay xuống nước cách con tàu không xa. Theo sau đó trên biển bỗng nổi sóng lớn”. Từ đó người ta đặt ra nhiều giả thuyết đưa ra nhằm giải thích cho những điều kỳ lạ.

Vùng Biển Quỷ cũng nổi tiếng là một trong 12 “cơn lốc xoáy ghê gớm” nhất trên hành tinh, thuật ngữ được đặt ra bởi nhà sinh vật học Scotland, Ivan T. Sanderson. 12 cơn lốc xoáy này được định vị trong một mô hình quanh Trái Đất, ở cùng vĩ độ Bắc và Nam xích đạo, nổi tiếng nhất là Tam giác Bermuda.

Ông Sanderson thừa nhận hiện tượng nhiễu loạn điện từ ở những nơi này gây ra bởi những dòng hải lưu lạnh và nóng và được cho là thủ phạm gây ra những vụ mất tích của tàu thuyền, máy bay cùng các hiện tượng bí ẩn khác.


Hình minh họa

Hình minh họa

Vào tháng 5/1945, nhằm giành ưu thế trên biển, hạm đội đặc biệt thứ 38 của Hải quân Mỹ bao gồm cả tàu sân bay và các tàu khu trục oanh kích dữ dội đội biệt kích thần phong của Nhật Bản liên tục suốt ba ngày đêm.

Sau đó tạm ngừng để bổ sung nhiên liệu chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo. Bỗng nhiên, cả hạm đội phải gồng mình chống chọi sống còn với một thảm họa thiên tai khốc liệt ngay tại vùng biển này. Hơn 200 chiếc chiến đấu cơ bị quét khỏi mặt boong tàu sân bay cùng 765 thủy thủ chết và mất tích. Đây là thảm họa thiên nhiên lớn nhất mà Hải quân Mỹ phải hứng chịu trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong cuốn sách phát hành năm 1989 “The Dragon's Triangle” của tác giả Charles Berlitz chỉ ra rằng, từ năm 1952 đến 1954, Nhật Bản đã bị mất 5 tàu chiến và 700 người ở vùng biển này.

Trong số đó có tàu nghiên cứu Kaio Maru số 5 của chính phủ Nhật Bản cử đi để tiến hành nghiên cứu, điều tra vùng biển này. Tuy nhiên, con tàu và 31 thủy thủ đoàn đã mãi mãi không trở về sau chuyến đi đó. Sau đó chính phủ Nhật Bản buộc phải tuyên bố Tam Giác Rồng là vùng đất không an toàn và cảnh báo những người đi biển.

Theo thống kê của phòng an ninh hàng hải thuộc Ban an ninh biển Nhật Bản, chỉ trong vòng 9 năm từ 1963 đến 1972, đã có 161 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ bị mất tích ở vùng biển này. Biển Quỷ từ lâu dần trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh của người đi biển ở Nhật Bản và trên thế giới.

Năm 1980, con tàu Derbyshire - tàu thủy lớn nhất của hàng hải Anh, thậm chí còn được mệnh danh là “chiếc tàu không thể chìm” vì sở hữu những tính chất ưu việt: Nặng tới 91,655 tấn (lớn gấp 3 lần tàu Titanic huyền thoại), dài 289m và rộng 43,5m, cùng với thủy thủ đoàn gồm 42 thành viên dày dạn kinh nghiệm. Thế nhưng nó đã biến mất vào ngày 9/9/1980 tại khu vực Tam Giác Rồng.

Với những trang bị hệ thống báo động điện tử tiên tiến nhất thời bấy giờ, tàu Derbyshire cùng với kinh nghiệm dày dạn của các thuyền viên thì việc con tàu mất tích là điều hết sức kỳ lạ.

Thảm họa khủng khiếp ập đến quá nhanh. Trung tâm chỉ huy trên bờ chỉ nhận được một đoạn thông tin cuối cùng của thuyền trưởng “Chúng tôi đang gặp phải trận bão với sức gió 100km/h và những đợt sóng cao tới 9m”, rồi con tàu Derbyshire từ thời điểm đó cũng bặt vô âm tín. Sáu tuần sau khi tàu Derbyshire mất tích, máy bay trinh sát Nhật Bản phát hiện ra vết dầu loang dài 2km, rộng 1km cách nơi tàu chìm 40km.

Lý giải khoa học

Sự việc bị quên lãng cho tới hơn 40 năm sau, vào tháng 9/1994, đội thám hiểm đại dương do Tiến sĩ David Mone, chuyên gia tìm kiếm cứu hộ trên biển giàu kinh nghiệm của Mỹ, chỉ huy đã tiến thẳng vào vùng biển ma quỷ này để khám phá ra sự thật.

Đội thám hiểm dùng máy quét dò âm thanh mặt phẳng, robot lặn sâu… dò tìm trong một thời gian khá lâu, cuối cùng tại một địa điểm đáy biển sâu 4.000m người ta đã phát hiện cả một “núi” sắt thép đã biến dạng; tiếp đó, tại vùng đáy biển gần đó có khá nhiều quặng sắt phát sáng.


Hình minh họa

Hình minh họa

Bởi họ đã biết, nhiều năm trước, khi bị đắm, con tàu Derbyshire từng chở quặng sắt nên thông qua manh mối này mà người ta suy đoán rằng núi sắt vụn phát hiện ra dưới đáy biển kia chính là xác con tàu khổng lồ Derbyshire.

Thông qua phân tích hình ảnh do camera thăm dò quan sát truyền về Trung tâm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên do chìm tàu năm xưa: Khi gặp một trận bão mạnh, thường thì với một con tàu biển khổng lồ như Derbyshire, nó sẽ dễ dàng chống chọi, an toàn vượt qua giông bão.

Nhưng bất ngờ thay, một đợt sóng cực lớn xuất hiện, đã “bốc” toàn bộ con tàu lên không trung rồi quật xuống, tạo nên sức ép khủng khiếp, bẻ gãy thân tàu làm 3 đoạn tách rời nhau.

Chiếc tàu hàng khổng lồ “lớn gấp đôi con tàu Titanic” nhanh chóng chìm xuống đáy biển sâu. Toàn bộ thủy thủ đoàn không ai kịp thoát ra khỏi khoang tàu để nổi lên mặt nước. Bên cạnh đó, trong quá trình chìm dần, các khoang rỗng của con tàu còn bị chịu áp lực lớn dần của nước (cứ xuống sâu thêm 10m thì áp suất nước tăng thêm 1kg/cm2) thế nên khi rơi xuống độ sâu 4.000m, toàn bộ con tàu bị bóp bẹp, trong tích tắc đã biến thành một đống sắt vụn.

Năm 1995, Larry Kusche xuất bản quyển sách tên là “Bí ẩn tam giác Bermuda đã được giải mã”. Theo Kusche, một số tàu đánh cá biến mất bên ngoài Tam Giác Rồng và số khác thật sự không có gì bí ẩn, đánh cá biển sâu là một nghề vô cùng nguy hiểm và tàu cá bị chìm không phải là chuyện lạ.

Ông cũng cho biết rằng, các sự kiện được cho là bí ẩn quanh tàu Kaio Maru số 5 có thể dễ dàng giải thích. Đó là con tàu bị tàn phá bởi hoạt động gây ra từ núi lửa dưới đáy biển. Khu vực trong và quanh Biển Quỷ là một vùng hoạt động của núi lửa… Nơi đây đã từng biến mất các đảo nhỏ đồng thời xuất hiện các đảo mới như là kết quả của hoạt động địa chấn.

Theo Kusche và các nhà điều tra khác, những núi lửa và các sự kiện địa chấn có thể là nguyên nhân của nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở Biển Quỷ bao gồm thời tiết khắc nghiệt, tàu thuyền mất tích, nhìn thấy “đảo ma” và nhiễu loạn điện từ. Những con quái vật thở ra lửa trong truyền thuyết có thể là hình ảnh về sự phun trào của núi lửa từ đáy biển.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khám phá những sự thay đổi môi trường tự nhiên như là nguyên nhân gây ra những hiện tượng bất thường gây tranh cãi ở Tam giác Rồng. Một trong những giải thích này là ở đáy biển khu vực này có sự hiện diện mỏ methane hydrates.

Khí methane hydrates được mô tả như các trầm tích băng từ đáy biển vỡ ra và bốc hơi lên, hình thành những bọt khí trên bề mặt nước và sẽ “bùng nổ” khi nhiệt độ trong nó tăng đến 18 độ C.

Hiện tại, Tam Giác Rồng không được vẽ chính thức trên bất kỳ bản đồ toàn cầu nào về kích thước hay chu vi chính xác. Dù đã có những lý luận khoa học, nhưng những vụ tai nạn hay hiện tượng bí ẩn trong hàng ngàn năm qua vẫn khiến nhiều người cho rằng nơi đây cất giấu bí mật siêu nhiên nào đó.

Theo Bùi Mến

Pháp luật Việt Nam