“Giải mã” sự im lặng bất thường của Triều Tiên sau vụ đột nhập sứ quán
(Dân trí) - Triều Tiên đã “im hơi lặng tiếng” trong suốt một tháng trước khi đưa ra tuyên bố chính thức về vụ đột nhập xảy ra tại đại sứ quán của nước này tại Tây Ban Nha hồi tháng 2.
Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ đột nhập tại đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha vào ngày 22/2, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án vụ việc này là một vụ “tấn công khủng bố nghiêm trọng”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 31/3 đã kêu gọi các nhà chức trách Tây Ban Nha tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vụ việc và “đưa những kẻ khủng bố cùng những kẻ giật dây ra trước công lý, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Triều Tiên được đưa ra sau khi Free Joseon, một tổ chức với mưu đồ lật đổ chính quyền Triều Tiên, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đột nhập. Tổ chức này còn tiết lộ đã chia sẻ một số thông tin liên quan tới vụ đột nhập cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) theo yêu cầu của phía FBI.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng “đang theo dõi mọi thông tin đồn thổi về việc FBI và một nhóm nhỏ thuộc tổ chức chống Triều Tiên có liên quan tới vụ tấn công khủng bố nói trên”.
Nghi vấn liên quan tới Mỹ
Mỹ đã bác bỏ tin đồn cho rằng nước này có liên quan tới vụ đột nhập đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, hãng tin NBC ngày 30/3 cho biết FBI đã nhận được thông tin bị đánh cắp sau vụ đột nhập.
Theo NBC, việc FBI nhận tin tình báo bị đánh cắp từ một đại sứ quán nước ngoài tại một nước NATO sẽ đặt cơ quan này vào “vị thế nhạy cảm”.
Các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra về vụ đột nhập được cho là đã tiết lộ với báo El Pais của Tây Ban Nha rằng, vụ việc này được lên kế hoạch hoàn hảo như thể phía sau đó là một “đơn vị quân đội”.
Các nhà chức trách Tây Ban Nha nghi ngờ các cơ quan tình báo Mỹ và đồng minh có thể đã nhúng tay vào vụ đột nhập này. El Pais thậm chí còn đưa tin hai thành viên trong nhóm đột nhập có liên hệ với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Một số nguồn tin cho biết những kẻ tấn công dường như muốn tìm kiếm thông tin về cựu đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha Kim Hyok-chol, người bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha từ tháng 9/2017 như một biện pháp trừng phạt các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Kim Hyok-chol hiện là đặc phái viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán của Triều Tiên với Mỹ. Ông cũng là người tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam hồi tháng 2. Ông cũng từng đi cùng ông Kim Yong-chol, cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tới Washington (Mỹ) hồi tháng 1.
Một nhân viên Triều Tiên đứng tại lối ra vào đại sứ quán ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)
Điều đáng lưu ý là vụ đột nhập đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha xảy ra chỉ 5 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai khai mạc.
Trong số những đồ đạc bị nhóm đột nhập đánh cắp từ đại sứ quán Triều Tiên có các điện thoại, máy tính và tài liệu. Giới chuyên gia nghi ngờ những món đồ này có thể chứa nhiều thông tin quan trọng, bao gồm thông tin về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Tòa án tại Tây Ban Nha xác định kẻ chủ mưu vụ đột nhập là Adrian Hong Chang, một người mang quốc tịch Mexico nhưng sống ở Mỹ. Chang được cho là đã liên hệ với FBI tại New York 5 ngày sau vụ đột nhập để cung cấp các thông tin liên quan tới vụ việc.
Trong khi đó, Park Sang-hak, một người đào tẩu và là nhà hoạt động Triều Tiên tại Hàn Quốc, nói rằng hầu hết thành viên của nhóm tự nhận đứng sau vụ đột nhập là người đào tẩu đang sống tại Mỹ.
Đòn bẩy của Triều Tiên?
Các chuyên gia tại Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán của nước này tại Tây Ban Nha như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Điều này cũng phụ thuộc vào việc tiến trình đàm phán sẽ diễn ra như thế nào.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên gần như bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
“Việc Triều Tiên đưa ra tuyên bố sau một tháng im lặng có nghĩa rằng họ rất cẩn trọng trong việc tiếp cận vụ việc này. Họ dường như theo dõi chặt chẽ phản ứng từ cộng đồng quốc tế, cũng như cách thông tin bị đánh cắp được loan báo như thế nào”, giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc nhận định.
“Bởi vì họ chính thức coi vụ việc này là một vụ tấn công khủng bố, nên họ có thể sử dụng vụ việc như một nhân tố để gây sức ép với Mỹ, phụ thuộc vào diễn biến tình hình như thế nào”, ông Yang nói thêm.
Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc đại học Kyungnam, cho biết Triều Tiên có thể sử dụng vụ việc xảy ra tại Tây Ban Nha để công kích Mỹ khi các cuộc đàm phán đổ vỡ.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, giọng điệu kiềm chế trong tuyên bố chính thức của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng vẫn có ý định duy trì các cuộc đàm phán với Mỹ và không đẩy vấn đề này đi quá xa.
“Triều Tiên phản ứng với một tuyên bố rất kiềm chế. Họ sẽ không làm vậy nếu họ muốn đối đầu với Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán sẽ vẫn tiếp tục diễn ra”, giáo sư Lim nhận định.
Thành Đạt
Theo Yonhap, BBC