1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bầu cử Tổng thống Mỹ:

Giải mã hiện tượng Donald Trump

Trả lời phỏng vấn Fox Business mới đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Madelein Albright nói, người nước ngoài “đang nhìn chúng ta như thể chúng ta bị mất trí”. Bà Albright ám chỉ ứng cử viên được đánh giá là "nhảm nhí", Donald Trump, đang chiến thắng liên tiếp tại các cuộc bầu cử sơ bộ và gần như chắc chắn giành lá phiếu đại diện đảng Cộng hòa.

“Nếu tôi bắn ai đó, tôi cũng sẽ không mất bất kỳ lá phiếu nào, okay?”

Tại sao Donald Trump chiến thắng là câu hỏi nghe nhiều nhất vài tháng qua. Một trong những điều có thể giúp giải thích là chiến thuật tranh cử của Trump. Nó không giống bài bản và kỹ thuật vận động tranh cử quen thuộc chính trường Mỹ. Ăn nói gây sốc, bỗ bã, ngang ngược, Donald Trump gây chú ý như một chính trị gia độc lập dù tranh cử dưới màu áo Cộng hòa.

Trump chỉ trích chính sách Dân chủ lẫn Cộng hòa; lên án một số chính sách Cộng hòa với ngôn ngữ nặng nề hơn cả phe Dân chủ. Ở một góc độ, Trump kêu gọi trục xuất 11 triệu dân nhập cư bất hợp pháp; kêu gọi cấm người Hồi giáo vào Mỹ; ủng hộ mạnh tay với nghi phạm khủng bố.

Kể từ ngày tuyên bố tranh cử (tháng 6-2015) Donald Trump liên tục chiến thắng và mang lại nỗi sợ cho chính nước Mỹ
Kể từ ngày tuyên bố tranh cử (tháng 6-2015) Donald Trump liên tục chiến thắng và mang lại nỗi sợ cho chính nước Mỹ

Tất cả cho thấy Trump là một chính trị gia Cộng hòa truyền thống. Cùng lúc, Trump lại phản đối chính sách can thiệp nước ngoài bằng quân sự, tương tự chủ trương của cánh Dân chủ. Trump lên án gay gắt cuộc chiến Iraq của Tổng thống (Cộng hòa) George W. Bush nhưng ủng hộ việc xây dựng một quân đội hùng mạnh hơn.

Bài xích một số chủ trương của Dân chủ như mở rộng mậu dịch tự do hoặc cắt giảm ngân sách các chương trình y tế cộng đồng và an sinh xã hội, tuy nhiên Trump lại ủng hộ Dân chủ trong việc yêu cầu các hãng dược giảm giá thuốc…

Donald Trump, trên đường đua tranh cử, thể hiện bản năng hơn là một người biết kiểm soát bản thân. Chính xác hơn, Trump để bản năng bùng phát tự nhiên hơn là cố kiểm soát nó. Trump phát biểu bất chấp phản ứng dư luận. Trump không cần lịch sự. Trump không xấu hổ. Không ứng cử viên nào ăn nói thiếu tế nhị bằng Trump.

Ông nói ứng cử viên Cộng hòa Jeb Bush là “người có năng lượng thấp” đến mức “bộ dạng ông ấy trông chán phèo”. Ông nói ứng cử viên Cộng hòa Marco Rubio “ra mồ hôi nhiều quá” và chắc chắn sẽ lúng túng khi gặp “những lãnh đạo mạnh mẽ như Vladimir Putin”.

Nói về đối thủ Dân chủ Hillary Clinton, Trump phát biểu: “Nếu Hillary Clinton không thể thỏa mãn chồng bà ấy thì điều gì khiến bà ấy nghĩ rằng, bà ấy có thể thỏa mãn nước Mỹ?”

Giải mã hiện tượng Donald Trump - 2

Ngổ ngáo, Trump còn nói: “Nếu tôi đứng giữa Đại lộ thứ năm (Fifth Avenue) và bắn ai đó thì tôi cũng sẽ không mất bất kỳ lá phiếu cử tri nào, okay?”. Nếu theo dõi một số cuộc tranh luận truyền hình của Trump với các đối thủ, có thể thấy Trump là người có tài hùng biện. Ông biết cách dẫn đám đông đi theo. Ông nắm vững kỹ thuật thuyết phục đám đông.

Tuy nhiên, những gì ông nói và cách thức thể hiện cho thấy ông là người ít có văn hóa. Michael D'Antonio, người được Donald Trump cho phép tiếp cận sát để viết một quyển tiểu sử về Trump cho biết, trong căn biệt thự khổng lồ của Trump không có quyển sách nào.

Trump, theo D'Antonio, bị chứng vĩ cuồng nặng. Ông ấy luôn cho rằng mình là thượng đẳng.

Những người ủng hộ Trump là ai?

“Hãy tái tạo sự vĩ đại cho nước Mỹ” là phương châm tranh cử của Trump. Ông thực hiện điều đó với chiến dịch vận động hung hăng theo đúng kiểu cách bất chấp của ông. Hầu hết người ủng hộ cũng là thành phần khá thấp trong xã hội Mỹ.

Đầu tháng 1-2016, tại sân vận động Đại học Winthrop ở Rock Hill (South Carolina), nơi có 6.500 người ủng hộ tập trung nghe Trump diễn thuyết, một phụ nữ theo đạo Hồi tên Rose Hamid cùng một số người bạn bày tỏ phản đối. Họ lập tức bị đám đông chửi rủa và vây kín đến mức lực lượng bảo vệ phải giúp họ thoát ra.

Lần khác, khi được một phóng viên truyền hình hỏi rằng, liệu Trump có nghiêm túc khi nói sẽ “xử luôn” vợ lẫn con những kẻ khủng bố, Trump trả lời: “Chúng ta phải cảnh giác hơn và phải dữ dội hơn”.

Đám đông lập tức gào lên thích thú. Và tại một cuộc vận động tranh cử ở Las Vegas, như được thuật từ Der Spiegel (1-2-2016), những người ủng hộ Trump đã tấn công một người phản đối da màu, gào to “Bắn nó đi”, “Sieg Heil” (câu chào của Đức Quốc xã), “Thiêu cháy thằng khốn ấy đi”…

CNN (24-2-2016) cho biết, tại cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada, Trump được 57% số phiếu ủng hộ từ những người chưa học đại học. “Tôi yêu những người thất học” - Trump từng nói. Khảo sát của tờ The Atlantic (1-3-2016) cho thấy rõ hơn. Có vài yếu tố xây dựng và hình thành lực lượng “fan cuồng” của Trump.

Thứ nhất, đó là thành phần chưa học đại học, những người bị “giẫm đạp” bởi toàn cầu hóa vì không theo kịp cơn lốc khoa học - kỹ thuật toàn cầu. Điều này dẫn đến tác nhân thứ hai: họ nghĩ họ không có tiếng nói chính trị. Họ nghĩ họ bị đẩy ra rìa, một phần do cơn lốc dân nhập cư tràn vào, “đe dọa thói quen sinh hoạt và giá trị Mỹ”. Họ cảm thấy họ bất lực.

Trump mang lại cho họ một hy vọng mới về “tái thiết kế nước Mỹ” để họ được quan tâm nhiều hơn. “Tái thiết kế” bằng cách giành lại công ăn việc làm cho người Mỹ, bằng chính sách bảo hộ mậu dịch, bằng cách xây dựng quân đội hiện đại hơn…

Tất cả hứa hẹn trên đã làm thỏa mãn tâm lý nhiều người Mỹ sau gần 8 năm chứng kiến hình ảnh nước Mỹ bị xói mòn bởi ông Barack Obama. Tháng 7-2015, tại Sun City (South Carolina), Trump nói: “Chúng ta mệt mỏi vì bị đẩy quanh và bị lãnh đạo bởi những kẻ ngu xuẩn… Chúng ta cần những người lãnh đạo thông minh. Chúng ta cần những người lãnh đạo vĩ đại. Chúng ta cần tái tạo sự vĩ đại cho nước Mỹ!”…

Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, từng yêu cầu Trump giảm nhẹ trong cách “hành ngôn”. Nhiều chính trị gia Cộng hòa không giấu nổi sự xấu hổ vì Trump. Donald Trump là “bi kịch” của phe Cộng hòa mùa tranh cử năm nay.

Reuters (2-3-2016) cho biết, tháng 6-2015, một số những nhà đóng góp tài chính lớn nhất của Cộng hòa đã gặp nhau tại khu nghỉ mát biệt lập ở Deer Valley (Utah) trong 3 ngày, dưới sự chủ trì của Mitt Romney (cựu thống đốc Massachusetts).

Họ bàn về việc ủng hộ như thế nào đối với 6 ứng cử viên Cộng hòa vừa loan bố tranh cử. Không ai nhắc đến Trump dù nhân vật này từng úp mở tranh cử dưới màu áo Cộng hòa. 4 ngày sau, Donald Trump chính thức tuyên bố tranh cử. Từ đó, Trump liên tiếp hạ gục các ứng cử viên trong đảng mình. Vấn đề của Cộng hòa bây giờ là làm sao chặn đứng Trump!

Tuy nhiên, Trump tranh cử mà không cần ngân sách quyên góp từ các tổ chức ủng hộ đảng. Ông bỏ tiền túi ra xài. Bộ máy đảng Cộng hòa khó có thể chặn Trump bằng “kỹ thuật” tài chính.

Trump sẽ làm gì nếu là tổng thống?

Nếu giành được lá phiếu đại diện Cộng hòa để đấu với Dân chủ trong cuộc bầu cử toàn quốc tháng 11-2016, Trump có thể sẽ đụng với Hillary Clinton, người hiện dẫn đầu trong cuộc giành phiếu bên phe Dân chủ. Hillary làm gì để đánh lại Trump?

Tracy Sefl, nhà tư vấn chính trị Dân chủ, từng là cố vấn cấp cao bộ máy tranh cử Hillary, nói rằng Trump là ứng cử viên Cộng hòa nguy hiểm nhất vì ông ấy “không thể đoán được, không biết xấu hổ, không biết xin lỗi”. Chiến thuật “phi-chiến-thuật” cho đến thời điểm này là tỏ ra hiệu quả đối với Trump.

“Ông ấy không phòng thủ. Ông ấy không sử dụng bất kỳ chiến thuật căn bản nào của chiến dịch vận động” - Tracy Sefl nói (Politico 2-3-2016). “Tôi nghĩ Trump có thể hạ gục bà ấy như một con dê bị trói” - nhận xét của Mudcat Saunders, một nhà chiến lược Dân chủ.

Khó có thể hình dung Donald Trump sẽ dẫn nước Mỹ đến đâu nếu đắc cử tổng thống. Một số nhà bình luận nhận xét rằng, Trump dựa vào cảm tính và kinh nghiệm cá nhân hơn là sách vở. Với Triều Tiên, Trump không xem đó là vấn đề của Mỹ mà là vấn đề của Trung Quốc. Không ủng hộ cuộc chiến Mỹ với Syria nhưng Trump muốn “dội bom tan nát bọn IS” và ông “sẽ gửi chiến binh Mỹ đến đá... đám IS”.

Ông nói ông sẽ trao quyền định đoạt cho các tướng Mỹ vì chỉ họ mới biết cần làm gì. Về mậu dịch, Trump nói, Trung Quốc, Nhật, Mexico, Việt Nam và Ấn Độ đang “xé nát chúng ta” bằng cách làm mất giá tiền tệ và chặn hàng nhập khẩu Mỹ. Trump sẽ không ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ tái đàm phán Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada.

Về quốc phòng, Trump sẽ phát triển quân đội Mỹ sao cho nó trở nên “hùng mạnh đến mức không ai dám loạng quạng với chúng ta”. Ông muốn Nhật, Đức, Hàn Quốc và Arập Xêút chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ. Ông muốn tăng cường sự hiện diện quân đội Mỹ tại Biển Đông để “làm nản lòng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc”…

Cần nói thêm, dư luận Trung Quốc đang theo dõi rất sát chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ. “Hillary và Trump, bạn chọn ai?” - kênh truyền hình Phượng Hoàng (Hongkong) đã thực hiện cuộc thăm dò trên mạng Weibo ngày 1-3-2016. Hầu hết ý kiến trả lời rằng họ ghét cả hai nhưng họ sợ Hillary hơn Trump.

Trên Washington Post (1-3-2016), Giáo sư Đại học Harvard, Lawrence H. Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính, cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia thuộc Nhà Trắng) viết rằng, hiện tượng Trump cho thấy “tiến trình dân chủ đã mất phương hướng và trở nên độc hại một cách nguy hiểm” và “khả năng bầu Trump làm tổng thống là mối hiểm họa lớn nhất cho sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ”.

Có cách nào để “loại” Trump? New York Times (2-3-2016) cho biết, một số chính trị gia Cộng hòa đang nghĩ đến giải pháp không bầu Trump tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa tổ chức vào tháng 7 và sẽ tìm một ứng cử viên Cộng hòa độc lập.

Theo

PetroTimes