1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã đối đầu Nga-Mỹ trong khủng hoảng Ukraine

Nga và Mỹ đã có xu hướng đối đầu trong một thời gian dài, và chính sách của mỗi bên dựa vào những giả định sai lầm cơ bản, lo sợ về những ý định và khả năng của chính họ đối với nhau.

Hơn 100 năm trước, các vụ ám sát được thực hiện bởi một tên khủng bố người Serbia và tiếp theo đó là tối hậu thư của người Áo gửi cho Serbia đã dẫn đến sự khởi đầu của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tuy nhiên, những sự kiện này có rất ít sự liên hệ với những lý do sâu rộng hơn dẫn đến cuộc chiến này. Những lý do đó bao gồm cuộc đối đầu giữa hải quân giữa Đức và Anh, chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa dân tộc của Đức cũng như mong muốn của người Pháp nhằm trả thù cho các sự kiện diễn ra năm 1870.

Giải mã đối đầu Nga-Mỹ trong khủng hoảng Ukraine

Lực lượng ly khai đi qua một phương tiện bị phá hủy của quân chính phủ gần khu làng Novokaterynivka, ở miền Đông nước này

Ukraine hiện đang ở một hoàn cảnh tương tự trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, một cuộc xung đột vốn đang lôi kéo rất nhiều bên can dự vào. Đó là một phần của hệ thống các cuộc xung đột và khủng hoảng rộng lớn hơn trên khắp hành tinh. Mỹ đã lợi dụng các sự kiện ở Ukraine như một cơ hội để vượt qua cuộc khủng hoảng về vị thế lãnh đạo toàn cầu của chính họ. Cuộc khủng hoảng này của Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn sau những gì mà cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ, và sau khi Nga cùng với Trung Quốc làm trệch hướng những nỗ lực của Mỹ và đồng minh tại Trung Đông trong việc thay đổi chế độ ở Syria.

Sức mạnh Mỹ đang suy giảm

Có thể nói, Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế, nhưng nước này thực sự đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng. Thị phần tương đối của Mỹ trong tỷ lệ GDP toàn cầu đang từng bước suy giảm và xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai gần, trái ngược với sự tăng lên của châu Á. Sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn là số 1 trên thế giới, nhưng Washington cũng đang gặp khó khăn trong việc áp dụng nó.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều quốc gia đòi hỏi có vũ khí hạt nhân nhằm đối phó hiệu quả với sự gây hấn hoặc xâm lược, giống như các thành viên trong “Câu lạc bộ hạt nhân” trước đây. Cùng với đó là sức mạnh quân sự của vài nước châu Á và hiện tại là Nga, đang tăng lên nhanh chóng. Ngoài ra, Washington đang phải đối mặt với những hạn chế về tài chính trong khi công dân Mỹ đã quá mệt mỏi với chiến tranh.

Sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ dựa trên những yếu tố quyền lực mềm và vị thế của nước này như là một kiến trúc sư trong hệ thống kinh tế thế giới cũng như là tác giả của những nguyên tắc trong trò chơi chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ lại không có khả năng cụ thể trong việc bảo đảm những nguyên tắc này được thực hiện trên phạm vi toàn thế giới nếu như nước này chỉ hoàn toàn dựa vào các nguồn lực của chính mình.
 
Giải mã đối đầu Nga-Mỹ trong khủng hoảng Ukraine
Sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn là số 1 trên thế giới, nhưng Washington cũng đang gặp khó khăn trong việc áp dụng nó.

Kết quả là, Mỹ chỉ có thể đóng vai trò đặc biệt trên thế giới khi mà đa số các quốc gia khác vốn "e sợ" hoặc có nhiều lợi ích với nước này đồng ý cho Washington đóng vai trò đó. Đó là lý do tại sao Washington coi bất kỳ thách thức công khai nào, đặc biệt là về quân sự, đối với quyền bá chủ của mình là điều vô cùng nguy hiểm và không thể không đối phó, và bất kỳ một thất bại chủ yếu nào của Washington cũng có thể trở thành sự khởi đầu cho việc chấm dứt một mô hình trật tự thế giới đang tồn tại mà trong đó Mỹ là trung tâm.

Trong một thời gian dài, Nga chỉ là một mối lo ngại xếp hàng thứ 2 đối với Mỹ. Trung Quốc, hiện đang là một nhân tố quan trọng trên vũ đài chính trị thế giới, luôn là một đối thủ số 1 tiềm tàng có thể soán ngôi quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. Nhưng trước mắt, Nga đang đặt ra một mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với vị thế của Washington vì vai trò tích cực của Moskva trong một loạt các vấn đề toàn cầu, các dự án hội nhập Á-Âu và những nỗ lực của Nga trong việc muốn có được những ảnh hưởng lớn hơn về kinh tế ở châu Âu.

Thất bại của Washington

Tuy nhiên, Mỹ đã đánh giá quá thấp về tầm quan trọng của các sự kiện ở Ukraine đối với Moskva. Các cuộc biểu tình Maidan tại Kiev và những hậu quả địa chính trị của nó không chỉ là một sự trêu chọc Moskva, mà còn là một đòn chí tử tiềm tàng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nga.

Trở lại thời điểm tháng 3/2014, việc sáp nhập Crimea vào Nga một lần nữa thách thức vai trò của Mỹ và Washington đã không tìm được một cách thức đơn giản và hiệu quả nào để khôi phục lại vị thế đó. Kết quả là, Mỹ đã giành cả năm 2014 cho một nỗ lực nhằm tạo ra ít nhất một chiến thắng quyết định với Nga. Washington đã tìm các đạt được mục tiêu đó theo 2 cách: tăng cường cô lập Nga trên trường quốc tế và giúp đỡ chính phủ mới của Ukraine thiết lập quyền kiểm soát ở khu vực Donbass. Cả hai sáng kiến này đã bị thất bại bởi vì nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc chỉ trích hành động của Nga về Crimea rất hạn chế và Mỹ đã thiếu tầm ảnh hưởng để kiểm soát mọi tình huống diễn ra sau đó.

Cụ thể, không chỉ tất cả các thành viên của nhóm BRICS mà các nước là đồng minh của Mỹ như Israel, Singapore và Hàn Quốc cũng từ chối tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống Nga. Bắc Kinh còn tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Moskva vượt qua những khó khăn về kinh tế. Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO thậm chí còn ký các thỏa thuận chiến lược mới với Nga. Tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin ước tính rằng các nhân tố địa chính trị chiếm khoảng 25% cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Nga; cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin thì ước lượng là 50%. Nhưng rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã tăng cường sự ủng hộ trong nước đối với giới lãnh đạo Nga.
 
Nga và Mỹ có xu hướng đối đầu nhau trong một thời gian dài
Nga và Mỹ có xu hướng đối đầu nhau trong một thời gian dài

Nghi ngờ lẫn nhau

Nga và Mỹ đã có xu hướng đối đầu trong một thời gian dài, và chính sách của mỗi bên dựa vào những giả định sai lầm cơ bản, lo sợ về những ý định và khả năng của chính họ đối với nhau. Theo ông Vasily Kashin, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moskva và từng là Tùy viên quân sự Nga tại Trung Quốc, Moskva đã “hoang tưởng” về chính sách của Washington và coi các nước cộng hòa hậu Xô-viết như là tiền tuyến phòng thủ cả về quân sự và chính trị. Nhưng trên thực tế, tầm quan trọng của châu Âu và các nước cộng hòa thời hậu Xô-viết trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã suy giảm, trong khi tầm quan trọng của châu Á ngày một tăng lên.

Ngược lại, Mỹ cũng đánh giá quá thấp giải pháp của của Nga, sự ổn định trong hệ thống chính trị, các khả năng chính trị và quân sự của nước này, cũng như những thiệt hại mà Moskva có thể gây ra nếu họ bị dồn vào chân tường. Cả hai bên đã đẩy vấn đề đi quá xa mà khó có thể rút lui khỏi cuộc đối đầu vô ích này trong nhiều năm.

Tuy nhiên, cả Moskva và Washington cuối cùng sẽ phải đối mặt với thực tế. Điều này dựa trên một sự thật là Nga chỉ là một quốc gia lớn có tầm quan trọng thứ hai đối với Mỹ, và rằng Mỹ là một nhà lãnh đạo toàn cầu yếu kém, vốn bằng cách này hay cách khác phải sử dụng các nguồn lực eo hẹp để giải quyết một loạt các cuộc khủng hoảng ngày càng tăng.

Tóm lại, Nga và Mỹ có những nhiệm vụ quốc tế quan trọng hơn nhiều so với việc phải đối phó với những toan tính của nhau.

Theo Công Thuận (theo M.T)