Giải mã cơn “cuồng” hoa hậu của người Philippines
(Dân trí) - Các chuyên gia xã hội học cho rằng dù vẫn đang sống trong hoàn cảnh kinh tế có nhiều khó khăn với tệ nạn ma túy và bạo lực, nhưng người dân Philippines vẫn coi các hoa hậu đạt giải cao là niềm tự hào dân tộc và từ đó dần “phát cuồng” với các cuộc thi hoa hậu.
Trong bộ váy màu đỏ gợi nhắc tới ngọn núi lửa ở quê nhà, cô Catriona Gray diễn thuyết về các dự án liên quan tới trẻ em ở những khu ổ chuột Manila và việc vận động hợp pháp hóa cần sa y tế. Cô đã trở thành người Philippines thứ 4 dành danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ vào ngày 17/12 trong cuộc thi tổ chức tại Thái Lan.
Với một quốc gia vẫn còn nhiều người sống trong cảnh nghèo đói, đang chống chọi quyết liệt với cuộc chiến ma túy đẫm máu và tình trạng bạo lực, giây phút đăng quang của Gray giống như một chiến thắng vẻ vang và vinh quang với cả những người Philippines trên toàn thế giới.
Philippines là một trong những quốc gia “cuồng” hoa hậu nhất thế giới. Từ năm 2010 tới nay, chưa năm nào họ không lọt vào top 10 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Các cuộc thi hoa hậu được tổ chức khắp mọi nơi từ cộng đồng nghèo đói cho tới những khu vực xa hoa, giàu có, tại trường học, tại các lễ hội trong thị trấn, thậm chí ở cả nước ngoài. Tại các thành phố như Hong Kong, nơi tập trung của cộng đồng hàng nghìn người xuất khẩu lao động Philippines, họ có thể tổ chức cuộc thi hoa hậu vào chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất trong tuần.
Bà J. Pilapil Jacobo, nhà nghiên cứu về văn học và giới tính tại Đại học Ateneo de Manila cho rằng sự yêu thích các cuộc thi sắc đẹp ở Philippines dường như là sản phẩm của lịch sử sau nhiều năm quốc gia này bị Tây Ban Nha và Mỹ đô hộ.
“Chủ nghĩa thực dân đã khiến chúng tôi mất đi những tiêu chuẩn riêng biệt về vẻ đẹp, hình thể, tính cách, nghệ thuật. Tôi cảm thấy các cuộc thi sắc đẹp giúp chúng tôi lấy lại được những cảm xúc ấy. Thông qua các cuộc thi, chúng tôi cảm nhân và khẳng định được tiêu chuẩn về vẻ đẹp của riêng người Philippines”, bà Jacobo nói.
Bà cho rằng với một quốc gia có khoảng 20% dân số vẫn đang sống trong đói nghèo như Philippines, các cuộc thi sắc đẹp cho phép họ cảm nhận được “chiến thắng mà họ không có được thường ngày”.
“Những hình mẫu về vẻ đẹp hình thể và tâm hồn, về nhận thức văn hóa đã khiến người Philippines tăng thêm lòng tự hào dân tộc”, bà Jacobo lý giải.
Chiến thắng của cô Gray trước 93 thí sinh còn lại đã khiến cho cả nước Philippines hạnh phúc. Ngay cả phủ tổng thống nước này cũng gửi lời chúc mừng tới cô gái 24 tuổi.
“Chiến thắng của cô Gray đã truyền sức mạnh cho nhiều phụ nữ Philippines tin tưởng vào bản thân họ và nỗ lực khẳng định vị thế của họ trên thế giới”, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết.
Tuy nhiên, tại Philippines cũng có những ý kiến trái chiều về các cuộc thi hoa hậu. Tổng thư ký của Gabriela Alliance of Women, tổ chức đấu tranh cho phụ nữ Philippines, cô Joms Salvador hy vọng rằng những cuộc thi sắc đẹp không làm ảnh hưởng tiêu cực tới cách nhìn nhận phụ nữ.
Cô Salvador quan ngại rằng cấu trúc của các cuộc thi sắc đẹp có thể làm nảy sinh những quan điểm rằng phụ nữ phải có diện mạo theo một tiêu chuẩn nhất định mới được coi là đẹp.
“Không dễ để trở thành nữ hoàng sắc đẹp. Bạn phải trang điểm đẹp, có thân hình đẹp. Để có được điều đó, cần có cả một ngành công nghiệp hoa hậu đứng sau. Cuối cùng, sẽ có một ai đó chiến thắng vương miện, nhưng "giải thưởng" lớn nhất sẽ thuộc về những người thu lợi từ ngành làm đẹp”, cô Salvador lý giải.
Đức Hoàng
Theo Straits Times