Giải mã chiến thuật "mưa hỏa lực" giúp Nga áp đảo trong chiến sự ở Donbass
(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, chiến thuật pháo binh của Nga trong giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự tại Ukraine đã phát huy tác dụng, giúp Moscow có những bước tiến đáng kể trên chiến trường.
Viện RUSI (Anh), một tổ chức nghiên cứu về an ninh và quốc phòng, đã công bố một báo cáo do 2 chuyên gia Jack Watling và Nick Reynolds thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các quân nhân Ukraine.
Bản báo cáo đã tiết lộ những chi tiết đặc biệt trong chiến thuật hỏa lực của Nga ở Donbass trong giai đoạn 2 và tầm quan trọng của nó trong việc giúp Nga đạt được thế áp đảo ở Đông Ukraine.
Theo ông Watling, về cơ bản các trận địa pháo hàng loạt của Nga đã được duy trì với tốc độ dồn dập vào các mục tiêu, gây áp lực khiến quân đội Ukraine phải rút khỏi vị trí để tránh thương vong lớn hơn, ví dụ như trường hợp ở 2 thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở tỉnh Lugansk.
Hỏa lực được bắn ra với số lượng lớn cũng khiến phía Ukraine không thể tập hợp đủ lực lượng kịp thời để phản công.
Theo báo cáo, Nga sở hữu lượng đạn pháo và hỏa lực áp đảo Ukraine. Trong khi đó, Ukraine đang dần cạn kho đạn 152mm từ thời Liên Xô và phải trông chờ vào viện trợ của phương Tây với loại đạn 155mm. Ukraine từng thừa nhận Nga phóng ra lượng hỏa lực gấp 10 lần Kiev và việc chống đỡ trước "mưa" đạn pháo và tên lửa từ Moscow khiến cho Ukraine thiệt hại rất nhiều về nhân lực.
Một điểm lưu ý mà các chuyên gia liệt kê trong báo cáo của RUSI là Nga đã tận dụng hiệu quả máy bay không người lái (UAV) trong chiến thuật hỏa lực của họ.
Quân đội Nga được cho là đã phát triển một "tổ hợp trinh sát - hỏa lực" nơi các thiết bị giám sát bằng UAV (đặc biệt dòng Orlan-10) có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác và kịp thời, với công nghệ định hướng hỏa lực kỹ thuật số.
Ngoài ra, UAV cũng làm tốt nhiệm vụ trinh sát, truyền thông tin về vị trí của đối thủ tới cho hệ thống hỏa lực trong thời gian thực, tăng tính chính xác của vũ khí lên một mức độ cao hơn.
Theo chuyên gia Watling, Nga có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng từng loại đạn pháo nào cho mục tiêu nào. Ví dụ, Nga dùng lựu pháo để nhằm vào các mục tiêu đơn lẻ, rời rạc, trong khi các hệ thống rocket phóng loạt sẽ được sử dụng để ngăn chặn sự di chuyển của các lực lượng Ukraine.
Trong các đòn phản pháo nhằm vào hệ thống hỏa lực của Ukraine, cũng như đơn vị vận hành UAV của Kiev, Nga sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo Tochka-U và các pháo có tầm bắn xa như 2A65 Msta, 2A36 Giatsint, 2S19, 2S5 cũng như 2S7M Malka.
Về chiến thuật triển khai đội hình hỏa lực, nguồn tin từ Ukraine cho biết, pháo binh Nga thường được đặt ở khoảng cách bằng với 1/3 tầm bắn tối đa của từng hệ thống để giảm thiểu nguy cơ bị Kiev nhằm mục tiêu.
Mặt khác, bản báo cáo nhắc tới chiến thuật "nhử mồi" của Nga thông báo việc đưa các hệ thống pháo bị hỏng của Moscow lên tiền tuyến nhằm đánh lạc hướng đồng thời tiêu hao hỏa lực của Ukraine.
Ukraine tìm cách đối phó
Các chuyên gia nhận định, thời gian Nga tiến hành tấn công phản pháo còn khá dài. Phản pháo là quá trình tấn công ngược lại vào vị trí hỏa lực của đối phương sử dụng radar và cảm biến. Quy trình này càng nhanh, pháo binh của đối thủ càng có nguy cơ cao bị phá hủy.
Tuy nhiên, theo báo cáo của RUSI, Nga thực hiện việc phản pháo khá chậm, trung bình trong 30 phút. Khoảng thời gian này có thể đủ để phía Ukraine đưa pháo của họ ra vị trí khác sau khi bắn về phía Nga.
Tuy nhiên, khi Nga kết hợp UAV trinh thám với pháo binh, tốc độ của các vụ phản pháo rút ngắn xuống còn 3-5 phút, một con số ấn tượng. Chính vì vậy, Ukraine cũng đã triển khai song song các tên lửa phòng không di động để nhắm bắn UAV Nga.
Nga nắm được ưu thế trước Ukraine nhờ hỏa lực áp đảo, nhưng nguồn cung đạn pháo có thể cũng trở thành điểm yếu của Nga, theo các chuyên gia.
Với việc phương Tây chuyển cho Ukraine các vũ khí rocket phóng loạt với tầm chính xác cao, Kiev có thể dùng chúng nhằm mục tiêu vào các kho đạn pháo của Nga cũng như làm ảnh hưởng tới chiến thuật "mưa hỏa lực" của Moscow trong tương lai.