1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Giải mã” cậu bé bí ẩn đánh cắp trái tim của Anne Frank

(Dân trí) - Trong nhật ký của Anne Frank, đó là một cậu bé có đôi mắt nâu tuyệt đẹp và nụ cười mê hồn. Hơn 60 năm trôi qua, không một bức ảnh nào về người yêu thời niên thiếu của Anne Frank được tìm thấy, khiến độc giả trên khắp thế giới vô cùng tò mò.

Nhưng giờ đây, Earnst Michaelis, 81 tuổi, đã nhận ra người bạn thân nhất thời niên thiếu của ông. Đó là Peter Schiff, hay còn được gọi là “Petel” hoặc “Peter” trong cuốn nhật ký… cậu bé bí ẩn đã đánh cắp trái tim của Anne Frank.

 

Dù cuốn “Nhật ký của Anne Frank” đã trở thành một trong những cuốn sách được nhiều người đọc nhất thế giới với số lượng bán ra khoảng 35 triệu bản thì gương mặt thật của Peter Schiff vẫn như một bí mật trường tồn. Peter đã gặp Anne tại Amsterdam vào năm 1940 và họ đã bên nhau suốt một mùa hè.

 

Trong nhật ký, Anne Frank đã âu yếm gọi cậu với cái tên là “Petel”. Cậu đã tặng cô bé một chiếc vòng cổ và Anne đã đem lòng yêu mến cậu, một tình yêu đã mang lại cho Anne hi vọng trong những tháng ngày khốc liệt nhất của Thế chiến II khi gia đình cô phải trốn tránh cảnh sát để khỏi bị bắt, trục xuất hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn.

 

Anne viết trong cuốn nhật ký nổi tiếng thế giới: “Tôi quên đã không nói với bạn câu chuyện về tình yêu đích thực của tôi. Peter là một cậu bé lý tưởng: cao, gầy, đẹp trai với gương mặt nghiêm nghị, ít nói nhưng thông minh”, Anne viết về cậu bé 13 tuổi mà cô đã đem lòng quí mến vào năm 1940 khi cô mới 11 tuổi.

 

 

“Giải mã” cậu bé bí ẩn đánh cắp trái tim của Anne Frank  - 1
 

Anne Frank từng mê mẩn

 nụ cười của Peter Schiff.

 

“Cậu ấy có mái tóc đen, đôi mắt nâu tuyệt đẹp, gò má hồng và chiếc mũi cao rất đẹp. Tôi đã mê mẩn điệu cười của cậu ấy. Điệu cười của Peter khiến cậu trông rất trẻ con và tinh nghịch”.

 

“Tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh cậu ấy rõ ràng trong tâm trí đến vậy. Không cần ảnh tôi cũng nhìn thấy cậu ấy rất rõ”, Anne viết vào ngày 6/1/1944.

 

Bí mật được "giải mã" sau hơn 60 năm

 

Bức ảnh chụp năm 1939 của cậu bé Peter Schiff, người mà Anne Frank gọi là “tình yêu đích thực” trong cuốn nhật ký mà cô bé Do Thái đã viết khi đang ẩn trốn tại Hà Lan, sẽ được mang ra trưng bày lần đầu tiên tại Amsterdam, “giải mã” điều bí ẩn kéo dài nhiều thập kỷ qua.

 

Tấm ảnh chân dung người yêu thời niên thiếu của Anne Frank đã được một người bạn cũ thời thơ ấu của Peter là Ernst Michaelis tặng cho bảo tàng Anne Frank. Michaelis đã liên lạc với bảo tàng Anne Frank sau khi đọc lại cuốn nhật ký của Anne gần đây. Phát ngôn viên của bảo tàng cho biết, đây là bức ảnh duy nhất của Peter Schiff được công bố từ trước tới nay.

 

Đối với những người hâm mộ Anne Frank thì tấm ảnh của Peter Schiff là điều vô cùng quí giá. Bức ảnh sẽ được đăng tải trên trang web của bảo tàng Anne Frank cùng với nhiều thông tin hơn về Peter Schiff.

 

Michaelis từng học một trường Do Thái Holdheim cùng với Peter ở Berlin vào những năm 1930 trước khi cả hai gia đình đều chạy trốn khỏi Đức Quốc xã. Khi chia tay năm cả hai lên 12 tuổi, họ đã trao nhau những tấm ảnh.

 

Ông Michaelis nhớ lại: “Chúng tôi từng là những người bạn rất thân. Tôi rất ngạc nhiên khi chúng tôi thường làm những điều giống nhau. Khi chia tay năm 1939, chúng tôi đã tặng ảnh cho nhau. Peter đã tặng tôi một bức ảnh và một bức thư ngắn trong đó có đề tên cậu.

 

Hai người bạn ấy đã không bao giờ gặp lại nhau. Michaelis được chuyển tới Anh và hiện nay vẫn sống ở đó. Còn Peter thì chạy tới Amsterdam cùng với gia đình, nơi Peter đã gặp Anne.

 

Cho tới nay không nhiều thông tin về nơi ở của Peter được biết đến sau khi cậu và Anne mất liên lạc. Ông Michaelis nói: “Khi tôi trở lại, Peter không còn ở địa chỉ cũ. Anh ấy có thể đã chuyển tới sống cùng một người nhiều tuổi hơn”.

 

Anne Frank viết năm 1944: “Tôi yêu cậu ấy nhiều tới nỗi tôi không muốn đối mặt với sự thật. Tôi cứ bám theo cậu ấy cho tới ngày tôi nhận ra rằng nếu tôi vẫn tiếp tục theo đuổi cậu ấy, mọi người sẽ nói tôi phát điên vì bọn con trai mất”.

 

Gia đình Do Thái của Frank đã chạy trốn khỏi Đức Quốc xã và định cư tại Amsterdam. Trong Chiến tranh Thế giới 2, Đức Quốc xã đã chiếm đóng Hà Lan và bắt đầu đày ải những người Do Thái tới các trại chết năm 1942, khiến gia đình Frank phải đi chạy trốn.

 

Họ sống trên một căn gác mái bí mật trong ngôi nhà cạnh một con kênh trong hơn 2 năm trước khi nơi trú ẩn bị phát hiện và bị bắt giữ ngày 4/8/1945. Một tháng sau đó, gia đình Anne đã bị giải tới các trại tập trung.

 

Anne đã ghi lại những năm tháng cuộc đời cô tại căn gái mái vào những trang nhật ký. Người cha của Anne, ông Otto, đã sống sót sau nạn tàn sát người Do Thái và cho xuất bản cuốn nhật ký. Sau đó, những trang nhật ký đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới và Anne, với quyển nhật ký, đã khiến cô trở thành biểu tượng về nạn tàn sát người Do Thái.

 

Theo các quan chức tại bảo tàng Anne Frank, tài liệu sử sách cho thấy Peter chết ở Auschwitz vào ngày 31/5/1945, 4 tháng trước khi trại này được phóng thích và vài tháng trước khi Anne chết tại trại tập trung Bergen Belsen năm 1945. Peter 18 tuổi và Anne 16 tuổi vào thời điểm đó.

 

Sau chiến tranh, Ernst Michaelis cũng đã đi tìm người bạn xưa mặc dù có rất ít hi vọng. “Tôi đã đưa tên cậu ấy vào danh sách những người tôi muốn tìm. Nhưng tôi gần như chắc chắn rằng cậu ấy đã bị giết trong nạn tàn sát thời Do Thái”.

 

Vì có nhiều người phải tìm kiếm - toàn bộ gia đình của Michaelis đã chết trong chiến tranh, anh không còn tìm kiếm Peter nữa. “Tôi nghĩ nếu anh ấy còn sống, anh ấy chắc cũng là một con người khác hẳn rồi”.

 

Michaelis đã đọc cuốn nhật ký vào những năm 1950 và từng nghi ngờ rằng cái tên Petel trong nhật ký của Anne rất giống bạn ông nhưng rồi Michaelis quên bẵng đi. Năm ngoái khi người vợ qua đời, Michaelis đã thấy quyển sách mà vợ ông thường đọc trong lúc lâm bệnh - cuốn “Nhật ký của Anne Frank”. “Tôi nhận thấy không có bức ảnh nào của Peter trong cuốn sách và tôi đã liên lạc với văn phòng của Anne Frank ở London”, Michaelis nói.

 

Ngày 18/1/2008, Michaelis đã đưa các cháu, chắt tới Amsterdam. Tại đây, họ đã tặng tấm ảnh của Peter cho bảo tàng Anne Frank. “Thông thường, tình bạn thời thơ ấu không phải chuyện để mang ra xuất bản. Nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ điều đó có thể chấp nhận được”.

 

“Nhật ký của Anne Frank” được dịch ra hơn 67 thứ tiếng và trở thành một trong những cuốn sách được nhiều người đọc nhất thế giới. Michaelis hi vọng tấm ảnh Peter, được ông miêu tả người là có trái tim nhân hậu, sẽ được in trong “Nhật ký của Anne Frank” trong tương lai. 

 

VTH

Theo AP