1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Giải mã" cảnh báo cứng rắn của em gái ông Kim Jong-un

Thành Đạt

(Dân trí) - Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phản ứng giận dữ trước việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung, bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng.

Giải mã cảnh báo cứng rắn của em gái ông Kim Jong-un - 1

Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul năm 2018 (Ảnh: AP).

Bà Kim Yo-jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 10/8 đã chỉ trích chính quyền Hàn Quốc "phản bội" khi tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ. Trước đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc huấn luyện sơ bộ kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 10/8, trước khi tổ chức tập trận giả lập trên máy tính từ ngày 16-26/8.

Tuyên bố của bà Kim Yo-jong - Phó chủ nhiệm thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên - được đưa ra bất chấp sự tan băng gần đây trong quan hệ Hàn - Triều, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in liên tục trao đổi thư cá nhân.

Tháng trước, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí khôi phục đường dây liên lạc xuyên biên giới, vốn bị cắt đứt từ hơn một năm trước, đồng thời thông báo các nhà lãnh đạo của hai nước đã đồng ý cải thiện quan hệ.

Bà Kim Yo-jong, cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là quan chức cấp cao trong chính quyền Triều Tiên, đã lên án quốc gia phía Nam tổ chức các cuộc tập trận chung "nguy hiểm" với Washington trong tháng này. Bình Nhưỡng từ lâu vẫn cho rằng việc Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung nhằm chuẩn bị cho kịch bản xâm chiếm Triều Tiên.

"Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng hơn khi phớt lờ những cảnh báo liên tục của chúng tôi để thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự nguy hiểm", bà Kim Yo-jong cho biết.

Bà Kim Yo-jong cũng chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" khi một mặt đề xuất nối lại đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mặt khác lại tập trận chung với Hàn Quốc. Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng sẽ không thể có hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên trừ khi Mỹ rút binh sĩ và vũ khí khỏi Hàn Quốc.

"Để duy trì hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ buộc phải rút quân và khí tài chiến tranh được triển khai ở Hàn Quốc. Chừng nào lực lượng Mỹ còn ở lại Hàn Quốc, nguyên nhân sâu xa khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng sẽ không bao giờ biến mất", bà Kim Yo-jong cho biết.

Theo giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, tuyên bố của bà Kim Yo-jong cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ rút quân, nhưng sẽ không thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào để trả đũa các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.

"Đánh giá từ tuyên bố này cho thấy, Triều Tiên có khả năng sẽ kêu gọi mạnh mẽ việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu đối thoại mở lại", chuyên gia Yang nhận định.

Trong tuyên bố mới nhất, bà Kim Yo-jong cho biết Triều Tiên sẽ "thúc đẩy các nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa năng lực phòng thủ quốc gia và khả năng tấn công phủ đầu mạnh mẽ" để có thể nhanh chóng đáp trả bất kỳ hành động quân sự nào.

"Thực tế đã chứng minh rằng chỉ có sự răn đe thực tế, chứ không phải lời nói, mới có thể đảm bảo hòa bình và an ninh cho bán đảo Triều Tiên và chúng ta phải tăng cường sức mạnh để đáp trả mạnh mẽ các mối đe dọa từ bên ngoài", bà Kim Yo-jong nhấn mạnh.

Trước đó, hồi tháng 1, ông Kim Jong-un đã tuyên bố tại một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên rằng, Bình Nhưỡng sẽ "tăng cường hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân" và liệt kê một loạt vũ khí mà Triều Tiên đang phát triển, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật tối tân, tên lửa đa đầu đạn, vệ tinh trinh sát quân sự, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm và đất liền.

Triều Tiên muốn giữ ưu thế đàm phán?

Theo giới phân tích, hiện vẫn chưa rõ liệu việc bà Kim Yo-jong đe dọa nâng cao năng lực tấn công phủ đầu có báo hiệu việc Triều Tiên nối lại hoạt động thử nghiệm vũ khí hay không.

Vào tháng 3, Triều Tiên đã chấm dứt một năm tạm dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo bằng việc bắn 2 tên lửa tầm ngắn xuống biển. Triều Tiên có truyền thống "nắn gân" các chính quyền mới của Mỹ bằng các cuộc thử nghiệm vũ khí và các hành động khiêu khích nhằm "đo đếm" phản ứng của Washington và đạt được nhượng bộ.

Tuy nhiên Triều Tiên không thực hiện bất kỳ vụ thử vũ khí nào kể từ đó, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tập trung mọi nỗ lực vào việc đối phó với đại dịch Covid-19 và cứu vãn nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng do đóng cửa biên giới để chống dịch.

Phản ứng giận dữ của bà Kim Yo-jong, một quan chức Triều Tiên, đối với cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn càng làm tiêu tan hy vọng của Hàn Quốc về việc cải thiện quan hệ song phương, dù hai nước đã nhất trí nối lại đường dây liên lạc hồi tháng 7.

Một số nhà phân tích cho rằng quyết định khôi phục đường dây liên lạc của Triều Tiên chủ yếu nhằm thúc đẩy Seoul thuyết phục Washington nhượng bộ trong khi chính sách ngoại giao hạt nhân vẫn còn bế tắc.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Martin Meiners từ chối bình luận về tuyên bố của bà Kim Yo-jong. "Hoạt động huấn luyện kết hợp là quyết định song phương của Mỹ - Hàn và bất kỳ quyết định nào được đưa ra cũng dựa trên một thỏa thuận chung", ông Meiners nói.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang thảo luận về thời gian, quy mô và phương thức của cuộc tập trận thường kỳ. Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách các mối quan hệ với Triều Tiên, cho biết họ sẽ không suy đoán về ý định của Triều Tiên mà sẽ chuẩn bị cho mọi khả năng có thể xảy ra.

Chuyên gia Yang Moo-jin cho biết Bình Nhưỡng có thể đang cố gắng đảm bảo duy trì được ưu thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Hàn Quốc và Mỹ.

"Mặc dù Kim Yo-jong đề cập đến hành vi "phản bội", nhưng giọng điệu của cô ấy có vẻ tương đối kiềm chế vì không đe dọa những hành động cụ thể mà Triều Tiên có thể thực hiện như những lần trước đây", ông Yang nhận định.

Mỹ hiện duy trì khoảng 28.500 quân tại Hàn Quốc. Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã được thu hẹp lại trong những năm gần đây để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào năm 2019. Mặc dù cả Triều Tiên và Mỹ đều khẳng định sẵn sàng đối thoại, song cả hai nước cũng nói rằng hành động của bên này sẽ phụ thuộc vào thiện chí của phía bên kia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm