1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giai đoạn lịch sử trong quan hệ Mỹ - Ấn

(Dân trí) - Ngày 27/7, ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tuyên bố, Mỹ và Ấn Độ đã bước sang một giai đoạn lịch sử khi thông qua hiệp định hợp tác về hạt nhân dân sự.

Trong thông cáo, bà Rice nhấn mạnh: “Hai nước Mỹ và Ấn Độ đã bước qua một giai đoạn lịch sử trong hợp tác chiến lược bằng việc hoàn tất  thương lượng về hiệp định song phương trong hợp tác hạt nhân dân sự”. Điều đó cho phép hai nước tiến tới một hiệp định hạt nhân đã được Tổng thống Bush và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhất trí cách đây 2 năm. Được công bố tháng 7/2005 và ký kết hồi tháng 12/2006, hiệp định này được ví như viên gạch nền giúp Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau, đến nay chính thức được thi hành. 

Các nghị sĩ Mỹ đe dọa sẽ không thông qua văn bản trên nếu không áp đặt với Ấn Độ những giới hạn nhằm ngăn việc nước này có thể sử dụng công nghệ hạt nhân do Mỹ cung cấp vào các mục đích quân sự. Theo tờ New York Times, Washington sẽ bắt đầu giúp Ấn Độ xây dựng một kho nhiên liệu hạt nhân và tìm kiếm các nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân khác, một cách “ lách luật” để lấn tránh một số điều khoản luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

Tháng 12/2006, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cho phép Mỹ xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự sang Ấn Độ, các công ty Mỹ được phép bán nhiên liệu, xây dựng các lò phản ứng hạt nhân và đầu tư vào lĩnh vực này tại quốc gia Nam Á. Đổi lại, Ấn Độ chấp nhận ngay lập tức để một phần trong số các lò phản ứng hạt nhân nằm dưới sự giám sát của quốc tế, kết thúc những cô lập ngoại giao kể từ khi nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân năm 1974 và 1998.

 

Hai vụ thử này đã khiến quan hệ Mỹ - Ấn Độ trở nên căng thẳng do Washington lo ngại khả năng có thể New Dehli tiếp tục tiến hành các vụ thử mới. Ấn Độ từ chối ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Giai đoạn tiếp theo trong thỏa thuận giữa hai nước liên quan đến việc Ấn Độ thương lượng về cơ chế thanh sát đối với cơ sở hạt nhân của nước này với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và giành được sự ủng hộ của Nhóm các nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân (NSG) gồm 45 nước. Hiệp định này còn phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

 

Hành động trên cho thấy sự không nhất quán trong chính sách hạt nhân của Mỹ. Trong khi Ấn Độ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tuy đã ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng luôn vấp phải thái độ phản đối mạnh mẽ của Washington, gây áp lực buộc nước này từ bỏ chương trình làm giàu uranium. Các nhà phân tích cho rằng, hiệp định trên có thể thúc đẩy sự phố biến vũ khí hạt nhân và đảo ngược chính sách chống phổ biến hạt nhân của Mỹ.

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP, AP