"Giấc mộng Trung Hoa" đốt nóng nguy cơ chiến tranh
(Dân trí) - Tờ Diplomat của Nhật đầu tuần này nhận định châu Á - Thái Bình Dương đang tiềm ẩn nguy cơ trở thành chảo lửa chiến tranh, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa".
Trung Quốc đang tăng cường tiềm lực quân sự trong quá trình được Bắc Kinh cho là "trỗi dậy hòa bình". (Ảnh: Chinese Internet)
Suốt hai thập niên qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có được hình ảnh tích cực trong các vấn đề địa chính trị nổi bật của thế giới, ít nhất là so sánh với Trung Đông thường xuyên bất ổn.
Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quá trình hội nhập kinh tế thành công ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Thế nhưng, kỷ nguyên ổn định và thành công đó của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chấm dứt. Ở thế kỷ 21, khu vực này trở thành trọng tâm hoạt động địa chính trị thế giới với nhiều biến động lớn, Diplomat viết.
Trong khu vực, Trung Quốc là nước phát triển mạnh mẽ cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Có thể nhận định sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế ở thế kỷ 21 này. Nhưng vấn đề lớn ở đây là sự trỗi dậy của Bắc Kinh kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Trung Quốc gây tranh chấp biển đảo với tất cả các quốc gia chung bờ biển và tranh chấp trên bộ với nhiều quốc gia láng giềng khác. Tranh chấp ở Biển Đông đang làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới trong toàn khu vực. Các tranh chấp này có tầm vóc địa chính trị lớn và tập trung vào một điểm là Bắc Kinh muốn vươn lên làm thế lực lãnh đạo toàn cầu ở thế kỷ 21.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã lưu ý trong một báo cáo công bố năm 2012 rằng mối quan hệ Mỹ - Trung từ lâu vẫn “đối đầu chứ không phải hợp tác.” Sự đối đầu này là có chủ đích chứ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
Theo học giả Trung Quốc Liu Ming Fu, “giấc mơ Trung Hoa” giờ đang thành hiện thực, Bắc Kinh đang vươn lên vị trí “cường quốc mạnh nhất trên thế giới”. Ông Liu cũng cho rằng đó chính là một thế giới mới, thuộc thời “hậu Mỹ” (?)
Đây không phải đơn thuần là lý luận cường điệu, mà chính quyền Bắc Kinh đã chủ ý cổ vũ công chúng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa nhiều hơn để phù hợp với tham vọng này. Theo một khảo sát điều tra, hơn 80% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc cần quay trở lại là cường quốc mạnh nhất thế giới cả về chính trị và quân sự. Ở Trung Quốc, có một sự nhất quán trong kết hợp bề dày lịch sử Trung Hoa và tham vọng thế kỷ 21 mà lãnh đạo nước này đôn lên nhằm lồng ghép chiến lược của họ với khát khao của nhân dân.
Tháng 9/2014, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng đăng một bài xã luận với tiêu đề: “Đối phó khả năng nổ ra chiến tranh thế giới thứ ba, Trung Quốc cần chuẩn bị”, do một giáo sư Đại học Quân sự PLA chấp bút. Xã luận có đoạn viết: “Không có sức mạnh quân sự quy mô lớn thì việc bảo vệ lợi ích ngoài lãnh thổ của Trung Quốc chỉ giống như là một khẩu hiệu suông.”
Báo Nhật nhận định, nguy cơ ở châu Á-Thái Bình Dương là rất rõ ràng, bởi một khi cố ấp ủ kiểu chiến tranh lạnh giữa các cường quốc thì có ngày nó sẽ trở thành chiến tranh nóng thực sự.
Thái Bình Dương, đại dương có diện tích bao phủ gần 1/3 bề mặt Trái Đất, có thể sẽ là phần chính của cuộc chiến tranh thế giới đầu tiên trong thời đại kỹ thuật số. Các điểm nóng tiềm tàng chính là eo biển Đài Loan hoặc các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà quân Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp.
Diplomat còn cho rằng ngọn lửa của một cuộc xung đột như vậy có thể lan ra khắp thế giới, theo từng bước hiện diện chiến lược của Trung Quốc ở các khu vực từ Trung Đông đến châu Phi…
Báo trên lập luận rằng, cũng như ông Henry Kissinger đã lo lắng, thời gian này rất giống với thời điểm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914), khi có hàng loạt khủng hoảng và xa cách giữa các nước Anh, Pháp và Đức, với các điểm xung đột ở Nam Phi, Algeria kéo dài đến Thái Bình Dương.
Vào thời điểm đó, vụ ám sát Thái tử Áo-Hung ở Sarajevo, một trung tâm chính trị khác, bên cạnh Berlin và London, đã đưa lãnh đạo thế giới và công chúng đến nhận thức chiến tranh là hợp lý, cho dù trước đó họ từng nghĩ chiến tranh là không tốt ở thời đại tiến bộ và toàn cầu hóa.
Hoài My
Theo Diplomat