1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Nhật dự báo "mùa hè nóng nhất trên Biển Đông"

(Dân trí) - Tờ Diplomat của Nhật cho rằng năm 2015 có thể sẽ chứng kiến “mùa hè nóng nhất” trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lúc cả thế giới đang dõi theo từng biến động dù là nhỏ nhất trên Biển Đông.

Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. (Ảnh:

Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. (Ảnh: China News)

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) tối 25/6 ngang nhiên thông báo: Giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) sẽ "tiến hành tác nghiệp" tại mỏ Lăng Thủy 25-1S-1, có tọa độ 17°03′45″N/109°59′03″E.: từ ngày 25/6 đến 20/8, trong thời gian gần 2 tháng. Vị trí này thuộc vùng biển phía nam của vịnh Bắc Bộ và phía tây tây bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

MSA ngang ngược yêu cầu các tàu thuyền qua lại trên biển không vào khu vực giàn khoan HD-981 tác nghiệp 2.000 m nhằm tránh “mất an toàn”. Các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng được yêu cầu nâng cao chế độ trực ban, bảo đảm an toàn cho giàn khoan HD-981 tác nghiệp.
Báo Diplomat của Nhật ngày 27/6 nhận định hành động của Trung Quốc làm bùng lên căng thẳng gần một năm trước với Việt Nam. Chuyên gia Ankit Panda của tờ Diplomat nhắc lại rằng hồi năm ngoái, một làn sóng phản đối Trung Quốc tại Việt Nam đã nổi lên sau động thái đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. 

Hồi tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam, đi cùng với nhiều tàu bảo vệ, đâm húc các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây căng thẳng cho cả khu vực. Mãi gần 2 tháng sau (25/7), Trung Quốc mới chịu rút giàn khoan này ra khỏi vùng biển Việt Nam. Sau sự lên án của cộng đồng quốc tế và những va chạm trong quan hệ Việt-Trung, Trung Quốc mới rút giàn khoan về với lý do tránh bão. 

Trong bài viết ngày 27/6, ông Panda nhận định Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan vào thời điểm này khiến giới chuyên gia phải nhìn nhận lại tình hình Biển Đông. 

Chuyên gia của Diplomat phân tích, tính đến ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan lần 2 mới chỉ chưa đầy hai tuần kể từ khi Bắc Kinh tiến hành chiến dịch “tấn công hấp dẫn” trước thềm đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung tại Washington. Để mở màn cho chiến dịch này, Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn tất việc cải tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong những ngày tới (dù sẽ vẫn tiếp tục xây cơ sở hạ tầng). 

Nhóm chuyên gia của tờ Diplomat  trước đó từng cho rằng đến trước phiên điều trần về vụ kiện trên Biển Đông do Philippines làm nguyên đơn tại Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague,  Biển Đông có lẽ sẽ “sóng yên biển lặng”, giúp Trung Quốc có nhiều thuận lợi hơn về mặt dư luận.

Ngoài ra, các chuyên gia của báo Nhật trước đó cũng dự báo rằng Biển Đông càng “yên ả” bao nhiêu thì chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ càng có thể thành công bấy nhiêu. 

Chuyên gia Panda cũng lập luận rằng thời điểm hạ đặt giàn khoan lần 2, có nhiều điểm tương đồng với lần 1, cũng hé lộ phần nào mưu tính của Trung hồi mùa hè năm ngoái. 

Tháng 7/2014, Bắc Kinh quyết định rút giàn khoan HD-981 sớm hơn dự kiến, không lâu sau khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì có chuyến thăm Hà Nội. Giới phân tích từng cho rằng điều này không chứng tỏ Bắc Kinh chấp nhận yêu cầu của Việt Nam về việc rút giàn khoan, hay đồng ý từ bỏ cái mà họ ngang nhiên nhận là “quyền lợi của mình” trong vùng biển tranh chấp. 

Một giả thuyết được đưa ra là Bắc Kinh đã lợi dụng cơn bão đến để rút giàn khoan hòng giảm bớt căng thẳng leo thang trong khu vực. Các chuyên gia Nhật cho rằng Trung Quốc lần này sẽ dựa trên phản ứng của thế giới để quyết định có rút giàn khoan về sớm hơn hạn định 20/8 hay không.

Diplomat nhận định trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép tại Trường Sa, Philippines điều trần trước Tòa Trọng tài quốc tế, những động thái bảo vệ tự do hàng hải mạnh mẽ của Mỹ, Nhật và mới nhất là việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trái phép gần quần đảo Hoàng Sa, 2015 có lẽ sẽ chứng kiến “mùa hè nóng nhất” trên Biển Đông. Đây là lúc cả thế giới đang dõi theo từng biến động trên Biển Đông, dù là nhỏ nhất.

Trong một diễn biến khác, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ ngày 26/6 cho biết ông cảm thấy "bất ngờ" trước động thái hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời cho rằng đây có thể là một dạng "kế hoạch hàng năm" của Bắc Kinh.
 
Trúc Bạch 
Theo Diplomat