1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giấc mơ xa vời về đế quốc Hồi giáo của Bin Laden

(Dân trí) - Trước khi phải đi lẩn trốn, Osama Bin Laden luôn nói về việc hạ bệ những người đứng đầu các quốc gia Hồi giáo bị coi là quỳ gối trước Phương Tây và xóa bỏ các đường biên giới quốc gia hiện đại để thống nhất tất cả nước Hồi giáo thành một đế quốc thống nhất.

Việc thiết lập một đế quốc Hồi giáo do một hoàng đế Hồi giáo hay "người kế nhiệm" Đấng Tiên tri Mohammad cai trị, nơi lời nói của Thánh Alah là luật, từ lâu đã là một phần trong quan điểm toàn cầu của al-Qaeda. Quan điểm này đã và đang khiến Mỹ lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ước mơ này sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ mà thôi.

 

Ngày nay, al-Qaeda đang nói về việc thiết lập một đế chế ở phía Tây Iraq và các tay súng tự phong mình là al-Qaeda ở Yemen gần đây cũng cho biết việc lập một đế chế Hồi giáo cũng nằm trong mục tiêu của họ.

 

Kể từ tháng 9/2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã liên tục cảnh báo rằng al-Qaeda đang muốn thiết lập một đế quốc Hồi giáo bạo lực và cực đoan tại Iraq, để đoàn kết người Hồi giáo dưới một mặt trận.

 

Baghda một thời từng là trung tâm của một đế quốc Hồi giáo kéo dài trong bốn thế kỷ - nhưng các chuyên gia cho rằng cơ hội để khôi phục đế quốc Hồi giáo cổ đại này hãy còn rất xa vời.

 

Nhà phân tích Arập Xêut Faris bin Houzam nói: "Al-Qaeda có thể thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở phía Tây Irắc, nếu quân đội Mỹ không có mặt tại đó. Nhưng nhóm này sẽ gặp khó khăn trong việc thâm nhập bất cứ quốc gia nào khác nơi đã có một bộ máy nhà nước và quân đội. Giấc mơ lớn của họ là thiết lập một nhà nước Hồi giáo, nhưng chẳng có gì cho thấy điều đó có thể xảy ra".

 

Tính đa dạng của đạo Hồi

 

Một trong những vấn đề mà họ sẽ phải đối mặt đó là tính hết sức đa dạng của đạo Hồi và các hệ thống chính trị tại Trung Đông ngày nay, đặc biệt là sự đối đầu giữa người Hồi giáo dòng Sunni và người Hồi giáo dòng Shiite, hai nhóm đã tranh cãi gay gắt với nhau về bốn nhà Vua Hồi giáo đầu tiên (năm 632-661 sau công nguyên)  về việc ai sẽ để trở thành người kế nhiệm nhà Tiên tri.

 

Người Shiite tại Iran đã tự phát triển hình thức chính phủ Hồi giáo riêng của mình nơi quyền lực tối cao nằm trong tay một luật gia Hồi giáo do một cơ quan gồm các giáo sĩ cao cấp lựa chọn để điều hành tại một khu vực không có các hậu duệ của nhà Tiên tri.

 

Tại Arập Xêút, các môn đồ của một chi phái Hồi giáo dòng Sunni có tên gọi là Wahhabism lại tỏ lòng trung thành với gia đình Hoàng tộc để đổi lấy việc được trao quyền rộng rãi trong việc áp dụng luật Hồi giáo.

 

Đề cập tới các căng thẳng giữa người Shiite và Sunni tại Libanon và Iraq, nhà nhân loại học Madawi al-Rasheed tại Luân Đôn nói: "Tôi chỉ có thể thấy toàn bộ thế giới Arập đang rơi vào một cuộc bạo lực phe phái, ngoài ra tôi chẳng thấy có chút hy vọng nào cho một đế chế Hồi giáo. Đây chỉ là một phần trong cuộc chiến tranh tâm l‎ý của al-Qaeda".

 

Nhà sử học người Libanon, Kamal Salibi cho biết sau Thế chiến II, khu vực này đã thất bại trong việc đoàn kết dưới một ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Arập. Ông này nói: "Khu vực này đã không đi đến được với nhau theo chủ nghĩa dân tộc Arập và với chủ nghĩa liên Hồi giáo, nó lại càng khó đến được với nhau hơn. Khả năng về việc các quốc gia từ bỏ chủ quyền của mình chưa bao giờ lại xa vời như lúc này".

 

Ông As'ad AbuKhalil, người đang dạy môn chính trị tại Trường Đại học California, Mỹ nói: "Đối với hầu hết các đảng phái chính trị Hồi giáo lớn, nhỏ, các đường biên giới hiện tại đã được chấp nhận. Không hề có niềm tin nào vào khái niệm cho rằng việc tìm kiếm một đế chế Hồi giáo đang là một mục tiêu quan trọng nhất của các phong trào Hồi giáo trong khu vực này".

 

Năm 2007 nhiều rủi ro

 

Các chuyên gia cho biết mặc dù al-Qaeda đã không tiến hành được bất cứ cuộc tấn công lớn nào nhằm vào Phương Tây trong năm 2006, nhưng một cuộc tấn công lớn tiếp theo chỉ còn là vấn đề thời gian và Bin Laden và những người ủng hộ của hắn đang bước vào năm 2007 với sức mạnh lớn hơn bao giờ hết.

 

Michael Scheuer, người từng phụ trách đơn vị truy lùng bin Laden thuộc Trung tâm chống khủng bố của CIA, cảnh báo al Qaeda và các đồng minh của nhóm này "đang giành chiến thắng trong cuộc xung đột lớn hơn" và các sự kiện gần đây đã chứng tỏ khả năng tồn tại mạnh mẽ của al-Qaeda và phong trào Jihad.

 

Không mối nguy hiểm nào rõ ràng hơn âm mưu sử dụng chất nổ lỏng tự tạo nhằm đánh bom hàng chục máy bay qua Đại Tây Dương bị cảnh sát Anh phát hiện vào tháng 8/2006. Một vụ việc nếu thông đồng bén giọt thì thậm chí sẽ vượt qua cả vụ 11/9/2001 về cả quy mô và mức độ táo tợn. Và việc khoảng 30 người bị bắt trong vụ trên đều là những người trẻ tuổi sinh ra tại Anh và đã hòa nhập vào xã hội Anh cho thấy nhiệm vụ hết sức nặng nề mà các chính phủ Phương Tây đang phải đối mặt khi đối phó với mối đe dọa này.

 

Trong phát biểu hồi tháng 11/2006, Tổng giám đốc Cơ quan tình báo Nội địa Anh (MI5) Dame Eliza Manningham-Buller cảnh báo: "Hôm nay chúng ta chứng kiến bọn khủng bố sử dụng các thiết bị nổ tự tạo, ngày mai mối đe dọa có thể bao gồm việc sử dụng các tác nhân sinh hóa, vật liệu phóng xạ và thậm chí là cả công nghệ hạt nhân. Mối đe dọa này là rất nghiêm trọng, đang ngày một lớn lên và sẽ còn tồn tại cùng chúng ta trong một thế hệ".

 

Bà Manningham-Buller còn cho biết MI5 đã nắm được khoảng 30 âm mưu khủng bố lớn đang thành hình và cơ quan này đang giám sát khoảng 200 nhóm hoặc mạng lưới, tổng cộng lên tới hơn 1.600 cá nhân đã bị nhận dạng, đang tích cực tham gia vào việc lên kế hoạch hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các âm mưu tấn công khủng bố tại Anh và ở nước ngoài.

 

Bà Manningham-Buller cũng thừa nhận rằng còn rất nhiều nhóm và mạng lưới khủng bố khác mà cảnh sát Anh chưa biết tới.

 

Theo Cựu quan chức CIA hàng đầu Scheuer, al-Qaeda và các nhóm khác chưa bao giờ mạnh như hiện nay.

 

Ông Scheuer cho biết cùng với các sự kiện tại Anh, al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công liều chết hồi tháng 9/2006, nhằm vào hai công ty dầu khí của Phương Tây. Tại Afghanistan, cuộc nổi dậy do Taliban cầm đầu đang ngày càng mạnh mẽ trong khi tại Iraq, thủ lĩnh của al-Qaeda tại nước này lên tiếng đòi Bin Laden ủng hộ cuộc kháng chiến tại Iraq.

 

Với hầu hết các chuyên gia Phương Tây, al-Qaeda trong những năm tới sẽ là một mối nguy hiểm đến từ hai phía: từ lực lượng "Cận vệ già" và từ những kẻ mới gia nhập nhóm này trên khắp thế giới, chúng ngồi trong nước của mình, truyền giáo thông qua Internet và được truyền cảm hứng bởi những thất bại của Phương Tây tại Afghanistan và Iraq.

 

Theo ông Scheuer, khả năng liên quân do Mỹ cầm đầu tại Iraq bắt đầu các cuộc rút quân từng giai đoạn khỏi nước này sẽ giúp bin Laden "ghi điểm" trong mắt hầu hết người Hồi giáo trên thế giới.

 

Ông Scheuer cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Iraq sẽ cho phép tái bố trí lại các chiến binh nước ngoài đang đóng tại Iraq sang Châu Âu, bán đảo Arập, các khu vực khác ở Trung Đông và vùng Sừng Châu Phi, điều này sẽ làm tăng đang kể vị thế lãnh đạo của Bin Laden. Và theo ông Scheuer, điểm quan trọng nhất là việc rút quân này sẽ dẫn tới nhận thức rằng siêu cường duy nhất hiện nay của thế giới đã bị đánh bại, vượt xa rất nhiều so với thất bại của Liên Xô trước đây trước những người Hồi giáo Afghanistan.

Điều này cho thấy, mặc dù viễn cảnh về việc thiết lập một đế chế Hồi giáo vẫn còn rất xa vời, nhưng những gì mà các phong trào Hồi giáo cấp tiến đang tiến hành hiện nay trên khắp thế giới đang đặt Phương Tây, đứng đầu là Mỹ vào một tình huống hết sức nan giải. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được câu hỏi Phương Tây hay các phong trào Hồi giáo cực đoan, ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến này.

Kiên Văn
(Tổng hợp)