1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Giấc mơ châu Âu” đang bị đe dọa

Những "cơn bão" khủng khiếp đang đe dọa châu Âu thay vì đưa các nước thành viên xích lại gần nhau hơn để cùng hiện thực hóa "giấc mơ" hội nhập châu Âu toàn diện.

Đó là nhận định của các chuyên gia sau khi Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố báo cáo cho biết, châu Âu sẽ đón “cơn bão” di cư vào năm tới khá mạnh với khoảng 700.000 người di cư và tị nạn đến châu Âu thông qua các tuyến đường biển trên Địa Trung Hải...

Người phát ngôn UNHCR Adrian Edwards khẳng định, các số liệu này dựa trên số người đang mong muốn tị nạn tại châu Âu bằng cách vượt Địa Trung Hải. Cơ quan này từng lên kế hoạch đón nhận khoảng 350.000 người trong năm 2015, song số liệu trên đã không được cập nhật trong nhiều tháng qua.

Dự báo mới nhất của UNHCR được đưa ra trong bối cảnh làn sóng tị nạn và nhập cư từ các khu vực đang xảy ra xung đột ở Trung Đông và châu Phi chưa có dấu hiệu suy giảm.

“Giấc mơ châu Âu” đang bị đe dọa - 1

Làn sóng người di cư đang đe dọa “giấc mơ châu Âu” đoàn kết và thống nhất. (Ảnh: AP)

Trước đó, UNHCR cho biết, 520.000 người đã cập bến châu Âu kể từ đầu năm 2015, trong khi gần 3.000 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong các nỗ lực vượt biển. Hơn một nửa trong số những người tìm cách đến châu Âu năm nay là các nạn nhân của cuộc nội chiến tại Syria, vốn đã làm ít nhất 4 triệu người phải rời bỏ quê hương và 7,6 triệu người mất nhà cửa.

Như vậy, sau những thách thức như nguy cơ Khu vực đồng euro (Eurozone) sụp đổ, cho tới cuộc chiến phức tạp ở Ukraina, giờ đây các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã và đang phải vật lộn với làn sóng người nhập cư khổng lồ.

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể thấy EU đang trải qua một cuộc khủng hoảng liên quan đến người di cư lớn chưa từng có với hàng loạt vấn đề nan giải kéo theo. Thậm chí, không ít chuyên gia cho rằng, EU đang trải qua "cơn sốc" di cư mà chưa tìm được "thuốc chống sốc" hiệu quả.

Nếu các nước thành viên EU không thể giải quyết vấn đề này, những nguyên tắc được đề ra nhằm xây dựng một châu Âu mới từ đống tro tàn sau Chiến tranh thế giới thứ hai chắc chắn sẽ bị phá vỡ.

Thực tế cho thấy, hàng loạt cuộc khủng hoảng trầm trọng trong thời gian qua đã khoét sâu thêm chia rẽ giữa các nước thành viên EU, điều vốn luôn âm thầm tồn tại trong liên minh gồm 28 quốc gia, với tổng dân số vào khoảng 500 triệu người, và cùng cấu thành nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Bất đồng sâu sắc giữa các nước ở khu vực Đông và Tây Âu về vấn đề người di cư càng nới rộng hơn khoảng cách trong quan điểm của phương Bắc và phương Nam trong cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.

Thay vì được thấy một tinh thần đoàn kết và lấy nhân đạo làm đầu của EU trong việc giải quyết thách thức từ làn sóng di cư ồ ạt, kéo theo hệ quả là hàng nghìn người thiệt mạng khi cố gắng chạy trốn khỏi Syria, Afghanistan và Iraq, điều mà thế giới chứng kiến chỉ là các cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên về việc phân chia hạn ngạch người tị nạn, con số chỉ bằng 0,032% tổng dân số của liên minh này.

Kết quả là một trong những ý tưởng được tán dương nhiều nhất của EU, khu vực Schengen phi biên giới, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi nhiều nước EU triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới và cho dựng hàng rào dây thép gai để ngăn chặn dòng người di cư.

Câu chuyện người di cư giờ đây đang là một thử thách thực sự đối với châu Âu. Các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế ngày một leo thang. Khối “ung nhọt” bất ổn ở Ukraina đã phá hủy hy vọng về một không gian an ninh chung ở châu Âu.

Những ngọn gió của "Mùa xuân A-rập", và sau đó là sự xuất hiện của cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) đã một lần nữa làm tan vỡ sự yên tĩnh mỏng manh ở biên giới phía nam và đông nam các nước châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker gần đây yêu cầu các nước phải hành động "vì châu Âu" hơn nữa, nhắc lại lời kêu gọi của Brussels về mục tiêu hội nhập châu Âu sâu sắc hơn để giữ vững những lý tưởng và trọng tâm của liên minh này.

Còn ông Janis Emmanouilidis, làm việc tại Trung tâm Chính sách châu Âu có trụ sở ở Brussels cho rằng, EU vẫn chưa chạm đến "thời điểm Titanic", và lịch sử 60 năm hội nhập đã giúp lục địa từng bị chia rẽ này sản sinh ra mô hình liên kết mới.

"Có thể, EU sẽ bị mất đi một vài nước thành viên, song tôi nghĩ liên minh này sẽ tự mình vượt qua được", ông Janis nói.

Theo Bình Nguyên

Quân đội Nhân dân

“Giấc mơ châu Âu” đang bị đe dọa - 2