Giá trị khổng lồ của nguồn khoáng sản chiến lược tại Ukraine
(Dân trí) - Nghiên cứu năm 2023 của tạp chí Forbes Ukraine ước tính, tổng giá trị của nhóm khoáng sản chiến lược và đất hiếm tại nước này có thể lên tới 14,8 nghìn tỷ USD.

Một địa điểm sản xuất muối hồng trên hồ Sasyk-Sivash, gần Yevpatoria, Crimea, Ukraine (Ảnh: Getty).
Mỹ và Ukraine hôm 30/4 đã ký kết một thỏa thuận khoáng sản, vốn là mục tiêu theo đuổi trong suốt thời gian qua của Tổng thống Donald Trump. Theo đó Washington sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên đối với tài nguyên thiên nhiên của Kiev để đổi lấy việc thành lập một quỹ đầu tư tái thiết.
Ông Trump cho rằng khoáng sản nằm sâu dưới lòng đất Ukraine có thể tạo ra một "thỏa thuận nghìn tỷ USD" nhằm củng cố chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ. Trong khi đó, người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky gọi tài nguyên của đất nước mình là "vô giá".
Một nghiên cứu năm 2023 của tạp chí Forbes Ukraine ước tính, tổng giá trị của nhóm khoáng sản chiến lược và đất hiếm tại nước này có thể lên tới 14,8 nghìn tỷ USD. Chính phủ Ukraine cũng tuyên bố tài nguyên thiên nhiên nước này trị giá hàng "nghìn tỷ USD".
Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành, giá trị và trữ lượng chính xác của tài nguyên khoáng sản tại Ukraine vẫn chưa được xác định rõ ràng. Việc khai thác các khoáng sản này đòi hỏi đầu tư quy mô lớn và có thể mất nhiều năm mới mang lại kết quả, tức là vượt xa thời gian tại nhiệm của Tổng thống Trump.
Ukraine sở hữu những loại khoáng sản chiến lược nào?
Đất hiếm, một nhánh của nhóm khoáng sản chiến lược, gồm 17 nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau. Dù được gọi là "hiếm", những nguyên tố này lại khá phổ biến trên khắp thế giới.
Nhu cầu đối với đất hiếm tăng cao nhờ ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ, bao gồm chế tạo laser, tên lửa, xe tăng, máy tính, tivi, điện thoại thông minh và công nghệ năng lượng sạch.
Tại Ukraine, số lượng và giá trị các nguyên tố đất hiếm vẫn chưa rõ ràng, một phần vì chưa có các khảo sát địa chất cập nhật. Nhiều bản đồ khoáng sản có từ thời Liên Xô và không còn đáng tin cậy, các chuyên gia nhận định.
Dù vậy, Ukraine vẫn được cho là có trữ lượng lớn scandium, một nguyên tố đất hiếm, song thông tin chi tiết về các mỏ lại đang được chính phủ nước này bảo mật.
Scandium thường được khai thác như sản phẩm phụ trong quá trình xử lý quặng, và được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, từ thiết bị quân sự cho đến dụng cụ thể thao.
Ngoài scandium, Ukraine còn được cho là sở hữu nhiều nguyên tố đất hiếm khác như cerium, dysprosium, erbium, gadolinium, holmium, lanthanum, lutetium, neodymium, praseodymium, samarium, terbium, thulium và yttrium, theo ông Robert Muggah, lãnh đạo cấp cao tại SecDev, một công ty phân tích rủi ro địa chính trị có trụ sở tại Canada.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông chủ Nhà Trắng từng cho biết: "Tôi đã yêu cầu họ cung cấp lượng đất hiếm trị giá khoảng 500 tỷ USD, và về cơ bản họ đã đồng ý".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số 500 tỷ USD mà ông Trump đưa ra đã phóng đại quá mức tiềm năng thực tế của nguồn tài nguyên đất hiếm tại Ukraine. Theo một số ước tính, toàn bộ thị trường đất hiếm toàn cầu hiện chỉ trị giá khoảng 12 tỷ USD.
Bên cạnh đất hiếm, Ukraine còn sở hữu nhiều loại khoáng sản chiến lược khác không nằm trong danh sách đất hiếm nhưng vẫn đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống vũ khí, máy bay và các thiết bị hiện đại khác.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã liệt kê 50 khoáng sản được xem là "chiến lược", có vai trò quan trọng với an ninh quốc gia và nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá "chiến lược" thay đổi tùy theo từng quốc gia, phụ thuộc vào điểm yếu trong chuỗi cung ứng. Một số khoáng sản được xếp loại chiến lược gồm lithium, nhôm, cobalt, than chì và titan.
Theo một số khảo sát và chuyên gia, Ukraine sở hữu trữ lượng đáng kể các khoáng sản như titan, than chì, lithium và uranium. USGS cho biết Ukraine nằm trong nhóm những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất titan xốp, ilmenite và than chì - đều là các khoáng sản chiến lược.
Bên cạnh đó, Ukraine còn nắm giữ trữ lượng hydrocarbon có giá trị, bao gồm than đá, khí tự nhiên và dầu mỏ. Tuy nhiên, một phần đáng kể trong số đó nằm ở các khu vực hiện do Nga kiểm soát, bao gồm các mỏ khí ngoài khơi tại bán đảo Crimea và các mỏ than ở miền đông Ukraine.
Theo thống kê, hơn 50% trữ lượng than và mỏ than, cùng khoảng 20% mỏ và giếng khí đốt tự nhiên của Ukraine đang nằm trong vùng bị chiếm đóng. Ước tính về giá trị của nguồn tài nguyên này cũng rất khác nhau.
Ông Volodymyr Landa, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Chiến lược Kinh tế ở Kiev, cho rằng nguồn hydrocarbon của Ukraine có thể trị giá khoảng 360 tỷ USD.
Tiềm năng khai thác
Ông Robert Muggah, chuyên gia cấp cao tại SecDev, nhận định việc khai thác nhiều khoáng sản quan trọng mà Mỹ đang cần - như lithium, graphite, uranium và titan - sẽ "cần khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD".
Velta, một công ty Ukraine, đang thử nghiệm phương pháp sản xuất hợp kim titan nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn cần vài năm nữa để sẵn sàng áp dụng quy mô lớn.
Cựu quan chức Mỹ Matthew Murray, người đứng đầu hội đồng cố vấn của Velta, hy vọng một thỏa thuận Mỹ - Ukraine sẽ giúp thu hút đầu tư để tăng tốc dự án. "Ông Trump rõ ràng muốn cạnh tranh với Trung Quốc hiệu quả hơn", ông Murray nhận định.
Dù việc khai thác titan đang diễn ra, nhiều nguồn tài nguyên khác của Ukraine vẫn nằm yên dưới lòng đất. Cơ quan Địa chất Ukraine ước tính quốc gia này có trữ lượng lithium lên tới 500.000 tấn, thuộc hàng lớn nhất châu Âu và chiếm khoảng 3% nguồn cung toàn cầu.
Ukraine hiện chưa khai thác loại khoáng sản này. Theo chuyên gia kinh tế Volodymyr Landa từ Trung tâm Chiến lược Kinh tế có trụ sở tại Kiev, nguyên nhân một phần là do các mỏ lithium của Ukraine nằm trong quặng petalite, một loại khoáng khó khai thác và chế biến, dẫn đến chi phí cao hơn.
Chiến dịch quân sự của Nga đã gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ thống điện quốc gia của Ukraine, yếu tố then chốt để khôi phục các hoạt động khai thác tiêu tốn năng lượng.
Giới chức Ukraine thừa nhận phần lớn tài nguyên khoáng sản nằm trong các vùng do Nga kiểm soát, đặc biệt là khu vực Donbass giàu tài nguyên. Ước tính của SecDev, khoảng 40% khoáng sản chiến lược của Ukraine hiện thuộc khu vực do Nga chiếm đóng.
Hiện Trung Quốc kiểm soát phần lớn hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm toàn cầu. Điều này khiến nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm như một công cụ gây sức ép trong khủng hoảng.
Cả Trung Quốc và Nga đều là những cường quốc trong lĩnh vực khoáng sản chiến lược, điều này có thể đặt Mỹ vào thế bị động nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng khi Mỹ tiếp cận được nguồn tài nguyên tại Ukraine, điều đó phần nào sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này.