1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Gần 200 quốc gia ký thỏa thuận khí hậu lịch sử tại COP 21

(Dân trí) - Một thỏa thuận lịch sử nhằm giới hạn sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C đã được gần 200 quốc gia thông qua tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc COP 21 ở Paris, Pháp sau gần 2 tuần đàm phán.

Gần 200 quốc gia ký thỏa thuận khí hậu lịch sử tại COP 21

 


Lãnh đạo thế giới ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo thế giới ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP)

Thỏa thuận đạt được sau 13 ngày đàm phán tích cực tại Paris, đặc biệt trong 48 giờ đàm phán cuối cùng gần như không ngừng nghỉ. Thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020, kết thúc tranh cãi nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Theo thỏa thuận, các nước thành viên cam kết sẽ cắt giảm hoặc hạn chế lượng phát thải từ đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trong khuôn khổ các quy tắc về giám sát và xác minh việc tuân thủ cắt giảm khí thải cũng như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các nước phát triển cho các nước đang phát triển. Cụ thể, các nước nhất trí từ nay đến năm 2025 sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho chiến dịch chống biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD/năm.

Mục tiêu đề ra là ngăn trái đất không nóng thêm quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100, và thậm chí tham vọng hơn, các nước hy vọng có thể hạn chế nhiệt độ không tăng quá  1,5 độ C.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: “Lịch sử sẽ nhớ ngày hôm nay. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là thành công vĩ đại cho cả hành tinh và con người”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius - chủ trì cuộc họp - cho rằng thỏa thuận này là một bước ngoặt lịch sử có thể giúp 7,3 tỷ người trên trái đất hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng trái đất ấm lên trong những thập kỷ tới.

Đây là thỏa thuận đầu tiên kêu gọi tất cả các nước trên thế giới gồm cả các nước nghèo và nước giàu chung tay hành động để hạn chế lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Thỏa thuận sẽ được xem xét đánh giá lại 5 năm 1 lần nhằm khuyến khích các nước cắt giảm khí thải hơn nữa. Mục đích chính là nhằm thúc đẩy chính phủ và các ngành công nghiệp tư nhân các nước nhanh chóng phát triển công nghệ mới giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm