1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

150 nguyên thủ thế giới họp bàn chống biến đổi khí hậu tại COP 21

(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu COP 21, quy tụ nguyên thủ hơn 150 quốc gia sẽ khai mạc hôm nay (30/11) tại Paris. An ninh được nước chủ nhà Pháp đặc biệt chú trọng, sau loạt vụ khủng bố diễn ra cách đây 2 tuần.

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ bước vào hội nghị với nỗ lực đầy tham vọng nhằm ngăn chặn quá trình nóng lên của trái đất, hối thúc lẫn nhau tìm kiếm sự đồng thuận trong hai tuần đàm phán, nhằm đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

2800 cảnh sát và lực lượng hiến binh đã được huy động tới bảo vệ địa điểm diễn ra hội nghị (Ảnh: AP)
2800 cảnh sát và lực lượng hiến binh đã được huy động tới bảo vệ địa điểm diễn ra hội nghị (Ảnh: AP)

Kỳ vọng tại hội nghị lần này là rất lớn, sau hàng thập niên thương thảo khó khăn, mà đỉnh điểm là thất bại của hội nghị thượng đỉnh 6 năm trước tại Copenhagen, Đan Mạch. Dự kiến sẽ có những thỏa thuận mang tính cột mốc được thông qua.

Cảnh báo từ các nhà khoa học, áp lực từ các nhà hoạt động môi trường cũng như kêu gọi từ các lãnh đạo tôn giáo, như giáo hoàng Francis, cộng với những tiến bộ lớn trong công nghệ năng lượng sạch hơn, đang khiến nhiệm vụ cắt giảm phát thải khí các-bon trở nên cấp thiết.

Hầu hết các nhà khoa học đều nhấn mạnh rằng, nếu thế giới không thông qua được những giải pháp mạnh mẽ tại Paris, trái đất sẽ nóng lên hơn bao giờ hết, gây ra những cơn bão chết chóc hơn, hạn hán thường xuyên hơn và mực nước biển tiếp tục dâng cao do băng ở hai cực tan chảy.

Trước ngày khai mạc, hàng trăm nghìn người từ Úc tới Paraguay đã tham dự sự kiện ngày biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử, với thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo rằng “Không có hành tinh B” trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên của trái đất.

Cảnh sát Pháp đã phải bắt giữ hàng chục người biểu tình sau khi xảy ra xô xát tại trung tâm Paris. Hơi cay đã được sử dụng để giải tán khoảng 200 người biểu tình, những người ném gạch đá về phía cảnh sát.

Cảnh sát Paris đụng độ với người biểu tình chống biến đổi khí hậu hôm 29/11 (Ảnh: SIPA)
Cảnh sát Paris đụng độ với người biểu tình chống biến đổi khí hậu hôm 29/11 (Ảnh: SIPA)

Nỗ lực gần nhất để đạt được một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu đã kết thúc trong hỗn loạn tại Copenhagen năm 2009. Ngày cuối hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama đã phải nhóm họp kín với Trung Quốc và một số nước khác. Nhưng sau đó, các bên chỉ đạt được một nhượng bộ khiêm tốn về hạn chế sự gia tăng phát thải khí nhà kính tới năm 2020, vốn là nội dung dự kiến được áp dụng cho toàn thế giới.

Nhằm tránh lặp lại một thất bại bẽ bàng như vậy, lần này các cường quốc đã cố gắng loại bỏ những bất đồng  trước khi hội nghị diễn ra.

Một thay đổi đáng chú ý đó là lãnh đạo các quốc gia sẽ tham dự ngay ngày khai mạc, thay vì xuất hiện ở ngày cuối như trước đây. Mỗi người sẽ được phép phát biểu trong vài phút, nhằm tạo động lực cho việc đạt được sự đồng thuận, và tránh những rắc rối từng xảy ra. Tại Copenhagen, các nhà ngoại giao đã để lại những lựa chọn chính trị khó khăn cho tới khi các nhà lãnh đạo tới tham dự.

Một cách tiếp cận mới nữa, đó là thay đổi mục tiêu từ tìm kiếm một hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc pháp lý, sang hệ thống cam kết của mỗi quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính. Điều này giúp tránh nguy cơ thỏa thuận không được quốc hội các nước phê chuẩn sau khi ký kết.

Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính nhất - đến nay đã đồng thuận trong việc khởi động tiến trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, sang các nhiên liệu khác sạch hơn. Đây được xem như tín hiệu tốt, bởi lâu nay bất đồng giữa hai nước vẫn là nguồn gốc chính của những căng thẳng trong đàm phán.

Bắc Kinh đã đồng ý đóng góp vào Quỹ Khí Hậu xanh do quốc tế quản lý, với hy vọng giải ngân 100 tỷ USD mỗi năm, kể từ sau năm 2020, nhằm tài trợ cho các quốc gia đang phát triển chuyển sang sử dụng nhiên liệu có thể tái tạo.

Trước ngày khai mạc, Mỹ và 18 quốc gia khác, trong đó có Anh, Canada, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, đã cam kết tăng gấp đôi quỹ dành cho nghiên cứu năng lượng sạch, lên mức 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, theo tờ Guardian.

Cùng lúc đó, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trên thế giới, cùng các doanh nhân nổi tiếng trong đó có tỷ phú Mỹ Bill Gates và Mark Zuckerberg, cũng sẽ đưa ra cam kết trong ngày 30/11, về việc tăng đầu tư, để giúp các công nghệ thân thiện với môi trường nhanh chóng được đưa ra thị trường.

 

Người biểu tình phản đối biến đổi khí hậu tại Paris, Pháp (Ảnh: AP)
Người biểu tình phản đối biến đổi khí hậu tại Paris, Pháp (Ảnh: AP)

An ninh thắt chặt tại Paris

Để đảm bảo an ninh cho hội nghị, nước chủ nhà Pháp đã huy động lực lượng an ninh hùng hậu, triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Nhiều tuyến đường chính tại Paris đã bị phong tỏa từ 29/11 tới 1/12, để dành riêng cho các phái đoàn tới dự COP 21. Ước tính sẽ có 40.000 quan khách tới dự sự kiện này, kênh RFI đưa tin. Trong đó, có 147 nguyên thủ quốc gia, với phái đoàn tháp tùng 2.000 người. Ngoài ra còn có 10.000 đại biểu từ 195 quốc gia. 14.000 đại diện các tổ chức xã hội và 3.000 phóng viên sẽ đổ về trung tâm hội nghị Le Bourget, ngoại ô Paris.

Tổng cộng 2.800 cảnh sát và lực lượng hiến binh đã được huy động tới bảo vệ Le Bourget, cùng với 6.300 cảnh sát làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh tại Paris.

Người dân địa phương quanh địa điểm diễn ra hội nghị đã được khuyên hạn chế ra ngoài, trong khi các nhà hoạt động môi trường bị quản thúc tại nhà, theo ABC News.

Dự kiến sẽ có 412.00 bữa ăn được phục vụ tại COP 21, với lượng khí CO2 phát thải khoảng 21.000 tấn, và được bù đắp bằng khoản chi phí 170 - 186 triệu euro. 50 công ty sẽ tài trợ 25 triệu euro, chủ yếu bằng cách không tính phí dịch vụ. Kinh tế khu vực Paris sẽ được hưởng lợi khoảng 100 triệu euro.

Thanh Tùng

Tổng hợp