1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

G20 đạt được thoả thuận lịch sử về cải tổ IMF

(Dân trí) - Ngoài quyết tâm chung tránh một cuộc chiến tranh tiền tệ, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận lịch sử về cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo đó mở rộng quyền biểu quyết trong Hội đồng quản trị IMF cho các nước đang phát triển.

 
G20 đạt được thoả thuận lịch sử về cải tổ IMF - 1
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói hội nghị thượng đỉnh Seoul cần phải tạo sức mạnh cho những gì đã được thỏa thuận tại Gyeongju.

Thoả thuận trên thu được tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 bế mạc hôm qua ở Hàn Quốc. Thỏa thuận giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi sẽ làm thay đổi IMF. Châu Âu sẽ từ bỏ 2 ghế trong số 9 ghế của châu lục này trong Hội đồng Điều hành gồm có 24 người của IMF.

G20 xác định dự án cải tổ này sẽ cho phép IMF hoạt động "một cách có hiệu quả hơn và IMF như vậy sẽ thêm uy tín để hỗ trợ hệ thống tiền tệ và tài chính của thế giới". Dự án cải tổ chủ trương điều chỉnh tỷ lệ biểu quyết của các thành viên trong hội đồng quản trị, theo hướng để cho mọt số các nước đang trỗi dậy tham gia nhiều hơn vào cơ chế này. Nói cụ thể: những nền kinh tế mới nổi năng động và những quốc gia không được đại diện đúng mức như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga sẽ kiểm soát được hơn 6% quyền bầu phiếu của IMF vào năm 2012.

Hiện nay, 10 thành viên lớn trong hội đồng quản trị của IMF là Mỹ, Nhật Bản, bốn nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức và Italia) và bốn nước trong khối BRIC bao gồm 4 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Châu Âu chấp nhận chuyển nhượng lại hai ghế trong hội đồng quản trị của toàn khối cho các nước đang phát trển. Bên cạnh đó, liên quan đến các khoản đóng góp cho Quỹ, các bên dự trù tăng thêm vốn cho IMF.

Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn gọi thỏa thuận này có tính cách lịch sử và là cải cách lớn nhất từ trước đến nay của Quỹ kể từ lúc bắt đầu thành lập vào cuối Chiến tranh Thế giới Thứ II. Ông Olli Rehn, người đứng đầu phụ trách về những vấn đề kinh tế và tiền tệ của Ủy ban châu Âu, nói: “Đây là cột mốc trong việc cải tổ cơ quan quản trị tiền tệ toàn cầu này.”

Tuy nhiên, dự án cải tổ mang tích lịch sử nói trên sẽ còn phải được trình lên hội đồng quản trị của IMF trong phiên họp vào đầu tháng 11 này.

Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách tài chính cũng đồng ý tránh một cuộc chiến tranh về tiền tệ. Trong một nỗ lực tránh được một cuộc chiến về mậu dịch có thể xảy ra làm thiệt hại đến việc phục hồi kinh tế toàn cầu, nhóm G-20 cũng hứa sẽ không tham dự vào những vụ trả đũa trong việc phá giá đồng bạc.

Các viên chức của nước chủ nhà nói thỏa thuận về tiền tệ đạt được sau một phiên họp kéo dài suốt đêm. Theo thỏa thuận này, các nước G20 cam kết tự chế trong việc tranh nhau hạ giá đồng tiền nước mình và để cho thị trường quyết định về tỉ giá đồng bạc. Tình trạng yếu kém của đồng USD do chính sách thả lỏng tiền tệ đã khiến một số quốc gia trong khối G20, đáng chú ý là Brazil, Indonesia và Hàn Quốc, mới đây phải can thiệp vào thị trường hối suất để chặn đứng việc tăng giá đồng tiền của các nước này.

Cuộc họp tại Gyeongju diễn ra chỉ 3 tuần lễ trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính phủ được tổ chức tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói hội nghị thượng đỉnh Seoul cần phải tạo nên sức mạnh cho những gì đã được thỏa thuận tại Gyeongju.


Nguyễn Viết
Tổng hợp