FBI cũng bị tin tặc "hỏi thăm"
(Dân trí) - Nhóm tin tặc "Anonymous" (Ẩn danh) một lần nữa gây xôn xao cư dân mạng khi đăng tải trên mạng YouTube đoạn trao đổi trong một cuộc họp trực tuyến mật giữa các quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và cảnh sát Anh về các cuộc điều tra tội phạm mạng.
Trụ sở Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại thủ đô Washington (Mỹ)
Đoạn hội thoại ghi âm dài 17 phút cho thấy các nhà thực thi pháp luật Mỹ và Anh đã thảo luận về các cuộc điều tra đang tiến hành đối với một số tin tặc và kế hoạch đưa số tin tặc này ra tòa.
Cuộc họp trực tuyến diễn ra vào ngày 17/1 với sự tham dự của các quan chức từ London, Los Angeles và Washington.
Ngoài ra, nhóm "Anomymous" cũng công bố một bức thư điện tử của FBI mang tựa đề "Cuộc đàm thoại phối hợp quốc tế Anon - Lulz". Bức thư được gửi tới hơn 40 sở cảnh sát ở Mỹ, Anh, Ireland, Hà Lan, Pháp và Thụy Điển, để mời các quan chức này tham gia vào cuộc thảo luận điều tra liên quan đến nhóm Anonymous, Lulzec, AntiSec cùng một số nhóm tin tặc khác.
FBI và sở cảnh sát Scotland xác nhận cuộc họp trực tuyến cũng như bức thư điện tử nói về kế hoạch tổ chức cuộc họp đã bị đánh cắp bất hợp pháp.
Một quan chức giấu tên của FBI cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ vỡ lở thông tin xuất phát từ hành động bất cẩn của một số người được mời tham gia cuộc họp, khi những người này vô tình chuyển tiếp thư nhận được sang địa chỉ hòm thư cá nhân.
Trong thông cáo gửi báo chí Mỹ, FBI khẳng định đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự để truy tìm thủ phạm đánh cắp các thông tin trên. Trong khi đó, đơn vị chống tin tặc của sở cảnh sát London cũng đã mở ngay cuộc điều tra.
“Những thông tin của cuộc họp trực tuyến chỉ được sử dụng cho công tác thi hành pháp luật. Việc đánh cắp những thông tin này là hành động phạm pháp. FBI đang tiến hành cuộc điều tra hình sự về vụ việc này”, người phát ngôn của FBI Peter Donald cho biết.
Trước đó, "Anomymous" và Lulzec từng tiến hành một số vụ tấn công tinh vi nhằm vào một số tổ chức và công ty trên toàn cầu như Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan phòng chống tội phạm có tổ chức của Anh, tập đoàn Sony Corp của Nhật Bản và các trang web của chính phủ Mexico.