Facebook mạnh tay xóa trang của quân đội Myanmar, nhiều nước lên án bạo lực
(Dân trí) - Facebook hôm nay đã xóa trang của quân đội Myanmar vì "vi phạm quy định kích động bạo lực", một ngày sau khi 2 người biểu tình thiệt mạng do cảnh sát nổ súng vào đám đông phản đối cuộc đảo chính.
Trong một thông báo phát đi hôm nay, Facebook cho biết, theo c ác chính sách toàn cầu của hãng, mạng xã hội này đã gỡ bỏ trang của quân đội Myanmar vì "liên tục vi phạm các quy chuẩn cộng đồng cấm kích động bạo lực và gây tổn hại".
Trang Facebook của quân đội Myanmar đã không còn truy cập được vào hôm nay. Lực lượng này chưa đưa ra bình luận về động thái của hãng công nghệ Mỹ.
Động thái trên của Facebook diễn ra trong bối cảnh internet bị chặn tại Myanmar trong đêm thứ 7 liên tiếp.
Trước đó, vào ngày hôm qua, 2 người biểu tình đã bị bắn chết tại thành phố lớn thứ 2 của Myanmar là Mandalay khi cảnh sát nổ súng vào đám đông phản đối cuộc đảo chính của quân đội hồi đầu tháng này nhằm lật đổ chính quyền dân sự của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Trong những năm gần đây, Facebook đã tham gia cùng các nhà hoạt động quyền dân sự, các đảng chính trị dân chủ tại Myanmar và cứng rắn quân đội nước này, sau khi bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ là không hành động để kiểm soát các chiến dịch thù ghét trên mạng.
Vào năm 2018, Facebook đã "cấm cửa" lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, hiện là lãnh đạo cầm quyền của nước này, và 19 tổ chức cùng các quan chức quân đội cấp cao, và xóa hàng trăm trang và tài khoản do các thành viên quân đội vận hành.
Trước cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, Facebook cũng tuyên bố xóa một mạng lưới gồm 70 trang và tài khoản giả do các thành viên của quân đội quản lý từng đăng tải nội dung hoặc là tích cực về quân đội hoặc là chỉ trích bà Aung Suu Kyi cũng như đảng của bà.
Bất chấp các vụ nổ súng vào hôm qua, người biểu tình hôm nay vẫn tập trung tại 2 thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon và Mandalay để phản đối cuộc đảo chính. Tại thành phố Yangon, vài nghìn người trẻ đã tập hợp tại 2 địa điểm và hô lớn các khẩu hiệu, trong khi hàng trăm người tuần hành hòa bình tại Mandalay.
Người biểu tình cũng tuần hành tại các thành phố ở miền trung như Monywa và Bagan và các thành phố miền nam Dawei và Myeik.
Các nước lên án bạo lực
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 21/2 đã lên án tình trạng bạo lực chết người ở Myanmar hôm qua.
"Việc sử dụng vũ lực gây chết người, sự hăm dọa và tấn công nhằm vào người biểu tình hòa bình là không thể chấp nhận được", ông Guterres viết trên Twitter.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Mỹ "lo ngại sâu sắc" về các thông tin rằng lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình và tiếp tục bắt giữ và tấn công người biểu tình và những người khác".
Pháp, Anh và Singapore cũng lên án bạo lực ở Myanmar. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố việc nổ súng nhằm vào người biểu tình hòa bình là "không thể chấp nhận được".
Mỹ, Anh, Canada và New Zealand trước đó đã bông bố các biện pháp trừng phạt, chủ yếu nhằm vào các lãnh đạo quân đội, sau cuộc đảo chính.
Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày mai 22/2 để thảo luận các biện pháp riêng của khối này nhằm vào quân đội Myanmar.
Quân đội đã giành lại quyền lực trong cuộc chính biến hồi đầu tháng này sau khi cáo buộc gian lận lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 mà đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đáo. Quân đội đã bắt giữ bà và những người khác. Trong khi đó, ủy ban bầu cử đã bác bỏ các cáo buộc gian lận.
Bà Aung San Suu Kyi đang đối mặt với cáo buộc vi phạm Luật quản lý thảm họa quốc gia, sau tội danh thứ nhất là tàng trữ thiết bị điện tử trái phép. Bà dự kiến sẽ ra tòa lần tới vào ngày 1/3.