EU tiếp tục vật lộn với bài toán khủng hoảng và nợ công
(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên trong năm 2012 đã khai mạc tại thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 30/1 nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tài chính và gánh nặng nợ công đang đè nặng lên châu lục già.
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo 27 nước thành viên EU tập trung thảo luận hiệp định mới về thắt chặt kỷ luật ngân sách, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm nhằm vực dậy nền kinh tế EU đang bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Theo Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, nội dung được quan tâm nhất tại hội nghị là làm thế nào giúp các chính phủ khôi phục tăng trưởng và tạo công ăn việc làm trong bối cảnh vẫn phải cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế để giảm bớt các núi nợ khổng lồ.
“Các nước EU đã nỗ lực để vượt qua khủng hoảng và đã có được những bước tiến đáng khích lệ. Tuy nhiên, EU vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi mà các chính phủ vừa phải đảm bảo giảm mức nợ công và ổn định đồng euro, vừa phải tạo ra nhiều việc làm và động lực tăng trưởng cho nền kinh tế”, ông Van Rompuy khẳng định.
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở 17 nước Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) hiện vào khoảng 10%. Để cắt giảm con số này, hầu hết các chính phủ đều lựa chọn cách thức giảm thuế cho các chủ lao động, tạo điều kiện cho thanh niên trong quá trình tìm việc làm, đào tạo và học nghề.
Tại hội nghị, bên cạnh bài toán chung của cả khu vực, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ phải tìm ra phương thức đặc trị cho căn bệnh nợ công của Hy Lạp, nhất là trong việc tái cấu trúc nợ cho Hy Lạp và tính toán những tác động của thoả thuận sẽ được Athens ký kết với các chủ nợ là các nhà đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, ngay từ trước khi phiên họp bắt đầu, những bất đồng về cách thức giải cứu nền kinh tế Hy Lạp đã phủ bóng đen lên hội nghị khi Đức đề xuất đặt ngân sách của Athens dưới sự giám sát của EU, trong khi giới chức lãnh đạo Hy Lạp, Autria và Luxembourg ra sức phản đối.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong bối cảnh nước Bỉ bị tê liệt trong cuộc tổng bãi công kéo dài 24 giờ của nhân viên các ngành giao thông, giáo dục, y tế và xã hội... nhằm phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và cắt giảm các chương trình xã hội mà chính phủ nước này vừa công bố.
Theo đó, toàn bộ các hoạt động giao thông công cộng bị hạn chế đến mức tối đa, các chuyến tàu hỏa liên tỉnh, thậm chí tàu tốc hành từ Brussels đi Paris (Pháp), London (Anh) và Amsterdam (Hà Lan) đều ngừng hoạt động. Hoạt động hàng không cũng bị đảo lộn, trong khi các trường học, công sở, cửa hàng, trung tâm thương mại đều đóng cửa trong ngày 30/1. Tại tất cả các bệnh viện, chỉ duy nhất dịch vụ cấp cứu là có người trực. Cuộc tổng bãi công cũng thu hút các phương tiện thông tin đại chúng tham gia.
Những gì đang diễn ra tại Bỉ cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài 3 năm qua ở Eurozone đang bắt đầu lan sang cả lĩnh vực xã hội.