1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất nhằm vào Nga

(Dân trí) - Liên minh châu Âu đã chính thức công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc chưa từng có nhằm vào Nga, vốn sẽ hạn chế các vụ bán vũ khí cho Mátxcơva và cấm giao dịch với 5 ngân hàng lớn của Nga, vì sự ủng hộ của Mátxcơva cho phe ly khai ở Ukraine.

Lãnh đạo các quốc gia thành viên EU. (Ảnh minh họa)
Lãnh đạo các quốc gia thành viên EU. (Ảnh minh họa)

Các lệnh trừng phạt đã được công bố trên tạp chí chính thức của EU hôm qua, điều đó có nghĩa là chúng sẽ có hiệu lực bắt đầu vào hôm nay 1/8.

Các biện pháp mới, vốn được 28 quốc gia thành viên EU thống nhất hôm 29/7 sau nhiều tháng lưỡng lự, nhằm vào ngành ngân hàng, quốc phòng và năng lượng của Nga vì "các hành động của Mátxcơva làm mất ổn định tình hình ở đông Ukraine.

Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt là "thiển cận và không mang tính xây dựng", trong khi giao tranh giữa các lực lượng Kiev và phe ly khai thân Nga ở đông Ukraine vẫn tiếp diễn.

Giới chức EU cho hay các lệnh trừng phạt nhằm gây tổn thất lớn nhất cho Nga nhưng thiệt hại thấp nhất cho EU.

Các biện pháp cứng rắn nhất nhằm ngăn cản các ngân hàng Nga huy động vốn tại các thị trường tài chính phương Tây, trong khi cũng hạn chế bán vũ khí và xuất khẩu thiết bị công nghệ cao phục vụ lĩnh vực dầu mỏ.

5 ngân hàng nằm trong "danh sách đen" gồm Sberbank, VTB Bank, Gazprombank, Vnesheconombank (VEB) và Rosselkhozbank.

Ngoài ra, cũng có một lệnh cấm về xuất khẩu hoặc nhẩu vũ khí từ Nga, và các quốc gia thành viên cần phải có sự phê chuẩn của khối nếu muốn xuất khẩu thiết bị liên quan tới năng lượng.

Các giấy phép xuất khẩu cũng bị từ chối nếu các sản xuất phục vụ thăm dò và sản xuất dầu khí nước sâu, thăm dò hoặc sản xuất dầu khí ở Bắc Cực và các dự án đá dầu tại Nga.

"Con dao hai lưỡi"

Một số quốc gia thành viên EU vẫn lo ngại về ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mới đối với nền kinh tế yếu ớt của chính họ.

Các nhà phân tích cho hay EU cũng hứng chịu thiệt hại từ các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga.

Nga là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về khí tự nhiên và thứ 2 thế giới về dầu mỏ và doanh thu từ năng lượng đóng góp tới một nửa ngân sách của Nga. Tuy nhiên, EU cũng nhập khẩu 1/3 nhu cầu năng lượng từ Nga.

Trên thị trường dầu mỏ, dầu thô nhập khẩu từ Nga có thể dễ dàng được thay thế, nhưng khí đối của Nga được vận chuyển qua các đường ống ít linh hoạt hơn.

Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Gunther Oettinger đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Đức hôm 31/7 rằng Nga và châu Âu có lợi ích ngang nhau trong việc duy trì nguồn cung khí đốt cho EU.

Cho tới nay, Nga đã đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây với các lệnh cấm nhập khẩu một số thực phẩm. Mátxcơva có thể hạ chế nhập hoa quả từ Hy Lạp và ngừng nhập khẩu gia cầm từ Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của EU sẽ được xem xét trong 3 tháng để đánh giá xem liệu có đạt được mục đích là buộc Tổng thống Vladimir Putin giảm căng thẳng tại đông Ukraine hay không.

Giới chức EU cho biết các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng hoặc thắt chặt bất kỳ lúc nào, phụ thuộc vào Nga.

EU, vốn có các mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Nga, trước đây vẫn miễn cưỡng áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm nhắc đối với Mátxcơva vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Tuy nhiên, thái độ dè chứng của EU đã thay đổi sau vụ một máy bay dân sự của Malaysia bị rơi ở miền đông Ukraine hồi giữa tháng 7. Các quốc gia phương Tây tin rằng phe ly khai đã bắn tên lửa đất đối không, khiến máy bay bị rơi.

Cho tới tận tuần này, EU mới chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức bị cáo buộc có liên quan trực tiếp tới việc đe dọa Ukraine.

An Bình
Theo AFP, AP