1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU thông qua hợp đồng vũ khí tỷ "đô" giữa lúc căng thẳng với Nga

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu mới đây đã đồng ý phê duyệt kế hoạch phòng thủ đầy tham vọng bao gồm một thỏa thuận vũ khí tỷ đô, hỗ trợ tài chính cho các nhóm chiến đấu và xây dựng một liên minh quân sự sẵn sàng tham chiến ở nước ngoài.

Các lãnh đạo EU trong Hội nghị Thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu tổ chức tại Bỉ. (Ảnh: Reuters)
Các lãnh đạo EU trong Hội nghị Thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu tổ chức tại Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức tại Bỉ vào ngày 22/6, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua việc đầu tư vào cơ chế phòng thủ chung cho khối. Tuy con số chính xác không được công bố, nhưng Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ chi trả 1,69 tỷ USD mỗi năm cho việc nghiên cứu và mua thêm vũ khí mới. Hệ thống vũ khí được mua sắm thêm có thể bao gồm máy bay trực thăng, máy bay không người lái và hệ thống vũ khí khác.

Tính đến năm 2020, tổng giá trị của khoản đầu tư sẽ lên tới 6,13 tỷ USD. Các quan chức châu Âu đồng thời nhấn mạnh vũ khí quốc gia nào đầu tư mua vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu của quốc gia đó.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło nhấn mạnh: “Châu Âu cần chung tay bảo vệ an ninh khu vực. Đây là thời điểm thích hợp để chống lại chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng”.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo đưa ra thời hạn 3 tháng với các quốc gia để quyết định xem họ có sẵn sàng tham gia vào liên minh quân sự để thực hiện các nhiệm vụ trong tương lai. “Chúng tôi đã đưa một hạn chót đầy tham vọng. Ba tháng không phải là quá dài. Tuy nhiên điều này sẽ mang lại giá trị cho chúng tôi khi thực hiện các nhiệm vụ. Hãy xem nước nào sẽ tham gia vào liên minh này”, Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời báo chí.

Đây là quyết định được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa EU cùng đồng minh Mỹ với Nga liên quan tới các vấn đề an ninh trong khu vực. Đồng thời động thái nhằm gây dựng lại nền tảng phòng thủ của EU vốn bị Mỹ cho là kém hiệu quả. Nhờ việc đầu tư mới vào vũ khí, EU có thể đưa các lực lượng gìn giữ hòa bình tới những điểm nóng trên thế giới xử lý xung đột cũng như gửi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng EU có thể tự chi trả cho chương trình an ninh của chính mình.

Sau gần 2 thập kỷ kể từ khi Chính sách đối ngoại chung của châu Âu ra đời, liên minh này đang chịu nhiều rủi ro về mặt an ninh liên quan tới hoạt động khủng bố hay tình hình bất ổn giữa Nga - Ukraine. Tuy vậy ngân sách phòng thủ của Châu Âu đã giảm tới 1 phần 3 so với năm 2006.

Đức Hoàng

Theo BI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm