1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

EU thiệt hại 114 tỷ USD vì cấm vận Nga

(Dân trí) - Giữa tuần qua, EU quyết định sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga thêm 6 tháng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Áo cho thấy chính EU sẽ thiệt hại tới 100 tỷ Euro (114 tỷ USD) nếu các lệnh trừng phạt còn kéo dài.

EU thiệt hại 114 tỷ USD vì cấm vận Nga
Ngành kinh doanh thực phẩm và nông sản tại Nga đang hưởng lợi sau các lệnh cấm vận của phương Tây (Ảnh: AFP)

Thông tin được hãng thông tấn Sputnik News của Nga đăng tải, dẫn kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Áo.
 
Đây là nghiên cứu được Viện này thực hiện riêng cho Liên minh báo chí hàng đầu châu Âu, và đã tính tới tình huống xấu nhất là các lệnh cấm vận tiếp tục còn hiệu lực.

Theo tính toán, tình hình căng thẳng chính trị với Nga hiện nay sẽ ảnh hưởng tới 2 triệu việc làm tại EU, do xuất khẩu suy giảm. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Ủy ban châu Âu trước đó rằng, tổn thất khu vực này phải chịu là “khá nhỏ và kiểm soát được”.

Kể từ tháng 3 năm ngoái, Mỹ và EU cùng một số quốc gia đồng minh khác đã cấm vận các ngành ngân hàng, quốc phòng và năng lượng của Nga sau khi cáo buộc Mátxcơva can dự vào tình hình Đông Ukraine. Kremlin nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Đến tháng 8, Nga đáp trả lệnh cấm vận kéo dài một năm đối với thực phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đã cấm vận mình.

Doanh nghiệp Nga “sống khỏe” nhờ cấm vận

Có một thực tế ít ai ngờ tới đó là các doanh nghiệp Nga dường như không mấy bị ảnh hưởng, thậm chí kinh doanh còn tất bật hơn sau khi bị phương Tây cấm vận. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh tài chính CNBC hôm thứ Năm (18/6), một loạt lãnh đạo các công ty Nga đã xác nhận thực tế này.

Vladimir Tikhomirov, kinh tế gia trưởng tại công ty tài chính BCS Financial Group cho biết, một số doanh nghiệp Nga đang phất lên sau các lệnh trừng phạt. “Rõ ràng có một số công ty đã được hưởng lợi và có thể tiếp tục hưởng lợi khi các lệnh cấm vận được gia hạn. Đó là các công ty trong ngành thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp”, ông Tikhomirov nói.

“Dữ liệu GDP của Nga sau khi bị áp đặt các lệnh cấm vận cho thấy một số ngành đang chứng kiến tăng trưởng sản lượng đáng kể, như sữa và sản phẩm từ sữa và sản xuất thịt”.

Chủ tịch công ty bán lẻ Ulmar Dmitry Kostygin khẳng định với CNBC rằng “các nhà bán lẻ thực phẩm đang kinh doanh rất phát đạt, còn một số khác thì cũng làm ăn tốt”... nhờ cấm vận.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đã có sự dịch chuyển. Mọi người đi nước ngoài ít hơn, ở nhà nhiều hơn do đó họ ít đi ăn nhà hàng, thay vào đó là mua sắm và nấu ăn tại nhà. Nhìn chung đây thực sự là một trải nghiệm thú vị”.

Kostygin còn tuyên bố sẽ thấy thất vọng nếu các lệnh cấm vận, vốn bị EU đồng thuận sẽ bỏ phiếu gia hạn vào thứ Hai tới, bị dỡ bỏ.

“Tôi sẽ thất vọng nếu các lệnh cấm vận bị hủy bỏ và tôi cho rằng đây là một diễn biến hoàn toàn tốt lành cho nước Nga. Tôi thấy nhiều công ty sản xuất chuyển cơ sở từ Ukraine về Nga và chúng trị giá hàng chục tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp cũng đang tăng”.

Thanh Tùng
Theo CNBC, Sputniks

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm