1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU muốn Thổ Nhĩ Kỳ “có qua có lại”

Gạt qua mọi bất đồng, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) – Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc khủng hoảng người di cư đã khai mạc ngày 7-3 tại Brussels, Bỉ với trọng tâm là thảo luận việc Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tiếp nhận trở lại người di cư tới châu Âu vì lý do kinh tế.

Và để đổi lại, EU sẽ quyết định về việc hỗ trợ khẩn cấp cho Ankara nhằm giúp nước này giải quyết tình trạng quá tải người tị nạn hiện nay. Giới phân tích nhận định, đây là một “mặc cả” khó khăn của EU.

Hội nghị thượng đỉnh EU – Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu ngày càng trở nên tồi tệ, khi có tới 1,25 triệu người tìm kiếm tị nạn đổ về các nước châu Âu trong năm 2015, cao gấp đôi so với năm 2014.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, từ tháng 11-2015, EU đã thực hiện kế hoạch cung cấp 3 tỷ euro (3,29 tỷ USD) cho Ankara để tái định cư người tị nạn, giữ chân họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ thay vì để họ cố di chuyển đến châu Âu trong những hành trình nguy hiểm.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được số tiền trên nếu chịu thực hiện một loạt những điều kiện do EU đưa ra, trong đó điều khoản “khó nhằn” nhất là Ankara phải “cải thiện chỗ ở cho những người Syria không ở trong các trại tị nạn, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường lao động cho họ và tạo điều kiện để con em họ được đến trường”, bởi sự khác biệt về lối sống, văn hóa, ngôn ngữ giữa người tị nạn với cộng đồng địa phương.

Người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Macedonia ngày 6-3.
Người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Macedonia ngày 6-3.

Bất chấp khó khăn, từ tháng 2 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu những bước đi đầu tiên bằng cách cấp giấy phép lao động cho người tị nạn Syria. Động thái này được người tị nạn Syria hoan nghênh và các chuyên gia đánh giá là một sự thay đổi lớn và tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện kế hoạch ở 6 lĩnh vực, trong đó có cả chăm sóc sức khỏe, y tế, tôn giáo và nhà ở để thúc đẩy hội nhập người tị nạn Syria.

Ngoài ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng khuyến khích giới chức địa phương tổ chức các khóa đào tạo ngôn ngữ và dạy nghề cho người tị nạn.

Tuy nhiên, để người Syria có thể ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hội nhập ở đây, không chỉ cần có thêm “nơi ăn, chốn ở” mới, mà còn cần nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng miền có người nhập cư và số tiền 3 tỉ euro kia là quá ít ỏi để làm những việc này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chỉ trích châu Âu chưa làm tròn trách nhiệm của họ khi tiếp nhận quá ít người nhập cư và bỏ mặc Ankara với gánh nặng này. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, 135.000 người đến châu Âu, trong đó có 126.000 người đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, trong số này 418 người di cư đã thiệt mạng. Đã nhiều lần Tổng thống Erdogan “dọa” sẽ đẩy thêm người nhập cư tới châu Âu nếu yêu cầu của Ankara không được đáp ứng.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần cho rằng, tại sao họ lại phải gánh những phần thiệt hại hơn so với các nước khác trong cuộc khủng hoảng người di cư. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nêu rõ: “Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Thổ Nhĩ Kỳ đã mang gánh nặng này suốt 5 năm, và châu Âu thì chỉ mới gánh chịu nó từ năm ngoái”.

Giới phân tích chỉ ra rằng, bên cạnh việc muốn được trả giá cao hơn cho sự hợp tác với EU trong chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn tận dụng cuộc khủng hoảng này để gây sức ép buộc EU đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp nước này làm thành viên - điều mà Cộng hòa Cyprus và Pháp chắc chắn sẽ phản đối.

Trong khi đó, EU quan ngại các khoản tài chính hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào các “kênh đen” và khó có thể kiểm soát, đặc biệt khi những lo ngại về mối quan hệ “mờ ám” giữa giới chức Ankara với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chưa được giải tỏa.

Chính những bất đồng này đã khiến thỏa thuận hồi tháng 11 năm ngoái giữa hai bên, sau 3 tháng thực hiện, vẫn chưa mang lại được kết quả như mong muốn, thậm chí còn gây khó khăn cho Hội nghị thượng đỉnh lần này trong việc hàn gắn được những mâu thuẫn để tìm ra một giải pháp chung có thể chấp nhận được cho cuộc khủng hoảng người di cư.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân