1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Khủng hoảng người nhập cư: Lỗ hổng trong nền dân chủ phương Tây?

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu ngày càng trầm trọng với những cái chết thương tâm gây chấn động thế giới. Dư luận không khỏi suy ngẫm về những lỗ hổng trong nền dân chủ phương Tây, lâu nay vẫn được coi là hình mẫu mà thế giới cần phải noi theo.

 

Khủng hoảng người nhập cư: Lỗ hổng trong nền dân chủ phương Tây? - 1

(Ảnh: AFP)

Vấn nạn di cư khó bề kiểm soát

Theo thống kê của Cơ quan biên giới EU, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 102.000 người di cư vào khu vực này qua Macedonia, Serbia, Bosnia-Herzegovina, Albania, Montenegro, Kosovo, Hungary, cao hơn nhiều so với con số 8.000 người cùng kỳ năm trước.

Hungary đang trở thành điểm đến số một của những người di cư qua vùng Balkan. Tại đây đã thực sự trở thành “điểm nóng” mới trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, hàng ngày phải tiếp nhận hàng chục ngàn người.

Là các thành viên Hiệp ước Schengen (đi lại tự do) của 26 nước không cần thị thực. Nhưng cảnh sát các nước “cửa ngõ” đã phải dùng các biện pháp mạnh như: ban bố tình trạng khẩn cấp, tăng cường quân đội, cảnh sát; đóng cửa biên giới, dựng hàng rào dây thép gai, bắn hơi cay… để ngăn chặn dòng người di cư.

Vấn đề càng tôi tệ hơn, khi bức ảnh chụp thi thể bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, nằm trên bãi cát tràn ngập mạng lưới truyền thông, khiến dư luận và các nhà lãnh đạo EU bàng hoàng, cư dân mạng giận dữ, kêu gọi những người có thẩm quyền sớm tìm giải pháp cho làn sóng người nhập cư này.

Sự kiện chuyến tàu bị chặn tại thị trấn Bicske, cách Budapest khoảng 40 km, người tị nạn cho rằng họ đã bị cảnh sát Hungary “gài bẫy”, khiến hàng trăm người giận dữ không chịu xuống tàu do lo ngại đăng ký tị nạn tại đây thì sẽ khó xin tị nạn tại Đức.

Ngày 4/9, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande đã kêu gọi các thành viên EU chấp nhận hạn ngạch bắt buộc về tiếp nhận người tị nạn, còn Thủ tướng Anh Cameron lại thông báo nước này sẽ tiếp nhận thêm “hàng ngàn người tị nạn Syria”.

Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia EU vẫn xử lý tình trạng người nhập cư trái phép theo phương thức “mạnh ai, nấy làm”, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình mẫu tự do của phương Tây và đe dọa đến Hiệp định Schengen - niềm tự hào bấy lâu nay của EU.

Đâu là nguyên nhân gốc gác

Theo giới phân tích, nguyên nhân khủng hoảng di cư được cho là do tình trạng nghèo đói ở các quốc gia Tây Balkan. Tuy nhiên, nguyên nhân gốc gác phải kể đến là các cuộc “cách mạng mầu” mà Mỹ và phương Tây nhiệt liệt ủng hộ.

Phiên bản “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông - Bắc Phi, nhất là ở các quốc gia Lybia, Ai Cập, Syria... Các cuộc cách mạng này đã đẩy nhiều nước vào cảnh bạo loạn và tạo nên làn sóng di cư ồ ạt.

Với Lybia, cách mạng đã “thành công” nhờ hỏa lực của các nước thành viên NATO; với Syria phe đối lập cũng được phương Tây ủng hội nhiệt tình; còn Iraq và Afghanistan, Mỹ và NATO đã xây dựng xong chính quyền mới… thế mà làn sóng di cư sang châu Âu vẫn ngày càng gia tăng.

Ngoài tuyến đường biển nguy hiểm đang diễn ra, trong năm nay còn có hơn 240 người thiệt mạng ở Biển Đỏ và Vịnh Aden trong số hơn 82 nghìn người di cư qua tuyến hải vận này, họ đều xuất phát từ các nước Vùng Vịnh, ít nhiều được cơn lốc “mùa xuân Arab” đi qua.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, còn phải kể đến nguyên nhân trực tiếp là tình trạng kinh tế sa sút, vi phạm nhân quyền, mất an ninh tại các quốc gia có chính quyền do Mỹ và phương Tây tạo dựng, khiến họ phải tìm cách tha hương để đến với “quê hương của nền tự do đích thực”.

Mọi hy vọng giờ đây đang hướng về hội nghị khẩn cấp các bộ trưởng nội vụ và tư pháp của EU sẽ diễn ra vào ngày 14/9 tới.

Hệ lụy vẫn khó lường

Vấn nạn di cư trái phép đang đặt ra thách thức to lớn không chỉ cho mỗi nước mà cả khu vực. EU đang cùng lúc đối mặt với các cuộc khủng hoảng. Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ tạm lắng, khủng hoảng nợ Hy Lạp còn đang phải tháo gỡ, thì cuộc khủng hoảng nhập cư lại bồi thêm, khiến gánh nặng kinh tế - xã hội của khu vực càng gia tăng.

Để cứu danh dự của “tự do” phương Tây, Đức và Pháp đã kêu gọi thống nhất lập trường chung trong EU về người tị nạn. Ủy Ban châu Âu (EC) đã phải đưa ra một đề xuất gây tranh cãi là các nước thành viên của khối phải tiếp nhận người tị nạn theo quy chế phân bổ “hạn ngạch”.

Tuy nhiên, những bước leo thang ngày càng nghiêm trọng, con số người tị nạn liên tục tăng lên theo cấp số nhân. Dòng người tị nạn tràn qua biên giới đã khiến nhiều quốc gia bất lực và EU thực sự đang “bối rối”, không biết nên giải quyết vấn đề như thế nào.

Trong khi Anh và một số quốc gia thành viên vẫn phản đối “hạn ngạch”, thì  Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban tuyên bố: “Vấn đề nhập cư là chuyện của người Đức”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan, nước chủ nhà Áo đề xuất kế hoạch hành động gồm 5 điểm: (1) triệt phá các băng nhóm buôn người, (2) phân bổ công bằng hạn ngạch, (3) hợp tác an ninh rộng rãi, (4) hỗ trợ những nước là điểm xuất phát của người di cư, (5) xây dựng một “chiến lược tị nạn của châu Âu”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, với EU bài toán nhập cư không chỉ nan giải ở góc độ kinh tế, việc làm và an ninh, mà còn đặt ra những vấn đề thuộc về thể chế và tìm ra, “lỗ hổng” trong nền dân chủ phương Tây là điều cần thiết.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cần xem xét lại từ cái gốc của mọi vấn đề, đó là “Chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ” được các thành viên NATO ủng hộ và chung tay thực hiện.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, hồi kết của vấn đề nhập cư trái phép ở châu Âu còn khó tìm ra lời giải, khi “Chiến lược Đại Trung Đông”  vẫn còn hiệu lực.

Nguyễn Nhâm

 

Khủng hoảng người nhập cư: Lỗ hổng trong nền dân chủ phương Tây? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm