1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU mạnh đến đâu trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Những sự kiện đầy kịch tính trong thời gian gần đây tại Ukraine diễn ra ngay trước “cửa” của "ngôi nhà" Liên minh châu Âu (EU) dường như đang làm xói mòn các giá trị của liên minh này. Ngay cả khi tình hình ở Ukraine dịu xuống, EU chủ yếu sẽ vẫn là một người quan sát thụ động.

Dù EU cũng có những nỗ lực ban đầu nhằm giúp ổn định tình hình sau khi Tổng thống bị phế truất của Ukraine, ông Victor Yanukovych đề nghị Nga giúp đỡ. Nhưng kết quả phiên họp khẩn cấp của các ngoại trưởng EU ngày 3/3 chỉ đưa ra một tuyên bố nhạt nhẽo lên án hành động của Nga và đơn thuần ám chỉ những hành động này sẽ gây ra một hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng.

Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang nhóm họp khẩn cấp để thảo luận các lựa chọn liên quan đến vấn đề Ukraine, nhưng có rất ít người dự đoán rằng EU sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc khủng hoảng này. Tờ Wall Street Journal đã khéo léo tóm tắt sự đồng thuận của liên minh này với tiêu đề: "Một EU ‘rệu rã’ sẽ không đủ khả năng để đối đầu với Nga về vấn đề Ukraine”.

 
EU mạnh đến đâu trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Từ trái sang phải: Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Matteo Renzi tại cuộc họp bất thường về tình hình Ukraine tại trụ sở EU ở thủ đô Brussels, Bỉ ngày 6/3. Ảnh: AFP-TTXVN

Nếu tạm gác cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro sang một bên, thì trong trong vòng thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến một Liên minh châu Âu phát triển tuy chậm, nhưng khá ổn định và đã kết nạp thêm 11 quốc gia ở trung và đông Âu vào hệ thống thị trường tự do của mình. Với hiệp ước Lisbon có hiệu lực từ năm 2009, EU cuối cùng đã có thể trả lời cho câu hỏi đầy nghi ngờ của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger: "Khi tôi muốn nói chuyện với châu Âu, tôi gọi cho ai?".

Dĩ nhiên, về vấn đề đối ngoại hiện nay, người ta phải gọi cho bà Catherine Ashton, hiện đang là đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU. Mặc dù ban đầu rất nhiều người hoài nghi, nhưng những nỗ lực của bà về giải pháp hòa bình Bosnia- Kosovo cũng như những đề xuất của bà cho các lãnh đạo EU trong các cuộc đàm phán gần đây với Iran đã có kết quả. Ngoài ra, bà còn giúp thành lập Cơ quan Hành động Đối Ngoại Liên minh châu Âu mới giống như một "lữ đoàn ngoại giao" EU nhằm tăng cường chính sách quốc phòng và an ninh của liên minh này.
 
Nhưng sau tất cả những điều trên lại là một EU rụt rè trong vấn đề Ukraine. Nó cũng đặt ra câu hỏi là liệu EU sẽ chỉ là cầu thủ “trên ghế dự bị” trong các cuộc khủng hoảng tương lai? (Mặc dù EU vẫn còn sức hấp dẫn khi làm dấy lên phong trào “Euro-maiden” ở Ukraine).

Hiện nay, EU hòa giải những căng thẳng trong khu vực thông qua một chính sách ngoại giao rất đặc biệt, dựa trên hai yếu tố. Đầu tiên, đó là sự nhấn mạnh về "an ninh con người" thay vì địa chính trị truyền thống. EU thiết lập sự ổn định của khu vực thông qua các hiệp định kinh tế và khuyến khích chính trị - cụ thể là, hỗ trợ thể chế, giám sát bầu cử… Nói rộng hơn, "an ninh con người" của EU có nghĩa là một loạt nỗ lực nhằm hạn chế tốc độ biến đổi khí hậu, quản lý các cuộc khủng hoảng tài chính và mặt trái của toàn cầu hóa kinh tế, nhân quyền và an ninh mạng. Với EU, những vấn đề như cân bằng quyền lực và can thiệp vũ trang rất ít khi được bàn đến, mặc dù quốc gia thành viên như Pháp vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp can thiệp quân sự của riêng mình.

Yếu tố quan trọng thứ hai trong chính sách đối ngoại của EU là sự nhấn mạnh việc tự lồng ghép vào trong những thể chế chính trị lớn hơn (như NATO và Liên Hợp Quốc). Ví dụ, sự can thiệp của EU ở Libya được tiến hành dưới sự bảo trợ của NATO, để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, để cùng với P5 +1 đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran…Do đó, EU đã nhiều lần tránh được việc tạo ra một "đội quân châu Âu" – điều mà EU không thể chấp nhận về mặt chính trị.

Nhận định về khả năng gia nhập EU của Ukraine, chuyên gia Nancy Popson cho rằng: “Đối với châu Âu, Ukraine vẫn còn có nhiều hạn chế về các thiết chế chính trị và kinh tế (đặc biệt là hệ thống pháp lý) và đều có khoảng cách rất xa với tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, EU có phản ứng tiêu cực khi sản phẩm xuất khẩu chính của Ukraine lại là những thứ mà các nước EU đang dư thừa, như nông sản và thép. Các quan chức EU vẫn khuyến khích Ukraine hợp tác và tuân theo các chuẩn mực pháp lý, kinh tế, dân chủ của EU nhưng lại phớt lờ những lời đề nghị từ Kiev".

Trong khi đó, Nga và Ukraine vẫn được coi là ràng buộc nhau nhiều về kinh tế, chưa nói đến các mối liên hệ lịch sử văn hóa tộc người gắn bó. Mặt khác, việc Ukraine mong muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và giữ định hướng thân phương Tây khiến nhiều người lo ngại cho sự đúng đắn của chiến lược đối ngoại của quốc gia này.

Nhiều chuyên gia cho rằng Kiev không nên xích lại gần EU bởi Ukraine và Nga vốn là một khối liên kết hữu cơ mang tính lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội. Ukraine và Nga mang nhiều nét chung về tâm lý, tôn giáo, ngôn ngữ. Trong khi đó, quan hệ giữa Ukraine và châu Âu đã bị phá vỡ trong một thời gian dài và khó có thể hàn gắn ngay. Nhà nghiên cứu Lieven cho rằng, nếu quan hệ Ukraine- Nga bị phá vỡ thì chưa chắc Ukraine sẽ có lợi. Thêm vào đó, nếu Ukraine một mực chỉ chú trọng tới hội nhập với châu Âu thì bản thân Ukraine đã mất đi một lợi thế trong việc kế thừa truyền thống hợp tác với Nga để tạo ra sức mạnh cho mình.

Theo CT