EU, Liên đoàn Ả-rập siết chặt “gọng kìm” đối với Syria
(Dân trí) – Lấy cớ quân đội Syria tấn công phe nổi dậy, Liên minh châu Âu và Liên đoàn Ả-rập (AL) cùng tìm cách siết chặt gọng kìm đối với Syria. Tuy nhiên, Damascus vẫn kiên quyết bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời cam kết không sử dụng vũ khí hóa học chống người dân.
Nghị quyết, được đưa ra sau cuộc họp của các ngoại trưởng AL tại thủ đô Doha của Qatar, cũng hối thúc phe đối lập tại Syria nhanh chóng thành lập chính phủ chuyển tiếp dân tộc.
“Chúng tôi kêu gọi phe đối lập và Quân đội Syria Tự do (FSA) thành lập chính phủ chuyển tiếp thống nhất dân tộc để sớm chấm dứt tình trạng xung đột đẫm máu ở Syria hiện nay”, Thủ tướng Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani phát biểu sau cuộc họp.
Ông al-Thani cũng kêu gọi Tổng thống Syria Assad “dũng cảm” từ chức để đất nước sớm thoát khỏi cảnh “nồi da nấu thịt”.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã gia tăng biện pháp trừng phạt Syria với việc siết chặt lệnh cấm vận vũ khí và tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân quốc gia Trung Đông này.
“Tình hình tại Syria đã trở nên quá tồi tệ. Các biện pháp trừng phạt sẽ góp phần quan trọng gia tăng sức ép lên chính quyền Syria để buộc họ phải chấm dứt bạo lực”, người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Catherin Ashton, phát biếu trước khi bước vào vòng thảo luận thứ 17 của EU về việc trừng phạt Syria kể từ khi bùng phát bạo loạn tại nước này tháng 2 năm ngoái.
Theo kết quả đưa ra sau cuộc họp, các nước EU đã nhất trí phong tỏa tài sản của 26 cá nhân và 3 công ty của Syria, bổ sung vào danh sách 129 cá nhân và 49 thực thể hiện đã nằm trong diện trừng phạt.
Ngoài ra, các ngoại trưởng EU cũng cho phép các nước thành viên được kiểm tra các tàu thuyền và máy bay của Syria nếu tình nghi chuyên chở vũ khí cho Damascus, đồng thời nhất trí viện trợ thêm 100 triệu cho người dân Syria.
LHQ cho biết con số đăng ký tị nạn chính thức ở Syria hiện nay là khoảng 100.000 người, nhưng con số thực tế có thể cao hơn gấp 10 lần.
Trong một diễn biến khác, một quan chức Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã triệu hồi lãnh sự tại thành phố Aleppo của Syria để phản đối các vụ giao tranh tại đây. Lãnh Adnan Kececi về nước sáng 23/7 và sẽ tổ chức tham vấn về tình hình Syria.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút các nhân viên Đại sứ quán ở thủ đô Damascus về nước.
Syria kiên quyết bảo vệ ông Assad
Bất chấp những sức ép mới từ AL và EU, Syria vẫn kiên quyết bác bỏ mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài buộc Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực.
“Syria lấy làm tiếc về việc bị AL cắt quan hệ ngoại giao. Nếu các quốc gia Ảrập thực sự muốn chấm dứt đổ máu ỏ Syria, trước hết họ phải ngừng cung cấp vũ khí, ngừng xúi giục và tuyên truyền chống nhà nước Syria”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngay chiều cùng ngày ở thủ đô Damascus.
Tại cuộc họp báo, ông Makdissi khẳng định việc thành lập chính phủ chuyển tiếp dân tộc phải do người dân Syria quyết định, chứ không phải do phe đối lập chủ trì như tuyên bố của các ngoại trưởng AL
“Quyết định thành lập chính phủ chuyển tiếp chỉ liên quan đến người dân Syria, những người thực sự làm chủ vận mệnh đất nước và chính phủ của họ”, ông nói.
Ngoài ra, người phát ngôn cũng tuyên bố Syria sẽ không sử dụng vũ khí hóa học và các loại vũ khí trái quy ước để chống lại người dân, trừ phi bị nước ngoài tấn công.
“Trong bất kỳ tình huống nào, quân đội Syria sẽ không sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân. Toàn bộ số vũ khí này hiện đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội. Giới tướng lĩnh sẽ quyết định thời điểm cũng như cách thức sử dụng số vũ khí này tùy theo tính chất của các hoạt động gây hấn từ bên ngoài”.
Ông Makdissi đưa ra các tuyên bố trên ngay sau khi các ngoại trưởng AL ra nghị quyết chống Syria và chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ quy trách nhiệm cho bất kỳ quan chức Syria nào liên quan tới việc phát tán hoặc sử dụng các loại vũ khí hóa học.
Mỹ và quốc gia đồng minh Israel lo ngại nguy cơ các kho vũ khí hóa học của Syria sẽ rơi vào tay lực lượng al-Qaeda hoặc Hezbollah, sau khi có tin quân đội Syria đã cho di chuyển một số lượng lớn loại vũ khí chết người này đến nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
Một số nguồn tin không chính thức cho biết Israel đang chuẩn bị, thậm chí đã toàn tất, kế hoạch phá hủy các kho vũ khí hóa học bên trong lãnh thổ Syria để ngăn nguy cơ rơi vào tay lực lượng khủng bố hay cực đoan.
Trong khi đó, dòng người tị nạn Syria tiếp tục đổ sang các nước láng giềng Iraq, Jordani và Lebannon.
Trong động thái đảo ngược tuyên bố đóng cửa biên giới trước đó, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã chỉ thị cho phép tiếp nhận người tị nạn Syria và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho họ.
"Thủ tướng đã chỉ thị các lực lượng, cảnh sát và Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Iraq tiếp nhận và giúp đỡ người tị nạn Syria”, kênh truyền hình nhà nước Iraq đưa tin.
Tại thị trấn biên giới Ramtha (Ramtha) giữa Syria và Jordani, đụng độ đã xảy ra giữa những người tị nạn và người dân bản xứ khi một nhóm thanh niên Jordani tìm cách chụp ảnh những phụ nữ Syria đang tị nạn.