1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU khẳng định độ an toàn cao của vắc xin AstraZeneca

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ EU khẳng định nỗ lực đưa vắc xin Covid-19 tới Việt Nam sớm nhất theo cơ chế cung ứng vắc xin toàn cầu (COVAX).

EU khẳng định độ an toàn cao của vắc xin AstraZeneca - 1

Đại sứ các nước thành viên EU tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 23/3 (Ảnh: Thành Đạt)

Tại cuộc gặp gỡ báo chí vào chiều 23/3 với sự tham dự của Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cùng đại sứ các nước Đức, Séc, Phần Lan, Italy, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Thụy Điển, đại diện của EU đã khẳng định mức độ an toàn của vắc xin AstraZeneca sau khi một số nước ghi nhận các trường hợp tiêm vắc xin và gặp tác dụng phụ như đông máu.

"Chúng tôi muốn đặt ưu tiên hàng đầu đối với vấn đề an toàn của vắc xin cũng như sự minh bạch trong quá trình phát triển, nghiên cứu và điều tra vắc xin. Do đó, những nỗ lực cao nhất, mạnh mẽ nhất đã được tiến hành để đưa ra những chứng cứ khoa học đối với quá trình điều tra của vắc xin này trước khi đưa ra kết luận. Gần đây cơ quan quản lý dược phẩm của EU đã bật đèn xanh cho việc tiếp tục sử dụng vắc xin này dựa trên chứng cứ khoa học", Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết.

Đại sứ Aliberti khẳng định EU vẫn có những biện pháp thận trọng liên quan tới vắc xin AstraZeneca. Sau quá trình điều tra sơ bộ ban đầu, ngày 18/3 cơ quan đánh giá của EU đã đưa ra kết luận về sự an toàn để tiếp tục sử dụng vắc xin này. Đại sứ EU khẳng định tỷ lệ rủi ro rất nhỏ so với lợi ích to lớn mà việc tiêm chủng vắc xin AstraZeneca mang lại cho cộng đồng.

Theo Đại sứ Aliberti, EU luôn tuân theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và dựa trên bằng chứng khoa học, duy trì tính minh bạch để đảm bảo sự an toàn của vắc xin. EU vẫn tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới để đảm bảo sự an toàn của vắc xin dựa trên trên cơ sở khoa học.

EU khẳng định độ an toàn cao của vắc xin AstraZeneca - 2

Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner (ngoài cùng bên trái) tại cuộc họp báo ngày 23/3 (Ảnh: Thành Đạt)

Liên quan tới một số lo ngại về vắc xin AstraZeneca, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho hay, sau quá trình điều tra về một số trường hợp đông máu và 3 ngày tạm ngừng sử dụng để tiến hành các biện pháp thận trọng đối với vắc xin này, theo ý kiến của cơ quan dược phẩm EU, Đức quyết định sẽ tiếp tục sử dụng lại vắc xin này.

Theo Đại sứ Hildner, các đội ngũ y tế khác nhau của Đức điều tra nguồn gốc dẫn tới hiện tượng đông máu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca và phát hiện ra rằng, đây là những trường hợp rất hiếm gặp đối với những bệnh nhân cụ thể. Đại sứ Đức nhận định điều quan trọng là sau khi tiêm, người được tiêm phải được theo dõi sát sao để theo dõi bất kỳ sự bất thường nào và cần gặp bác sĩ ngay lập tức.

"Chúng tôi đánh giá đó là hiện tượng bình thường, có thể chấp nhận được. Đức kết luận có thể yên tâm sử dụng vắc xin AstraZeneca với lợi ích tích cực mà nó mang lại", Đại sứ Đức nói.

Ngoài AstraZeneca, EU cũng đang xem xét vắc xin từ một loạt nhà sản xuất ở các quốc gia khác, trong đó có Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) và sẽ đánh giá cụ thể từng loại vắc xin.

Chương trình vắc xin toàn cầu

EU khẳng định độ an toàn cao của vắc xin AstraZeneca - 3

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại họp báo (Ảnh: Thành Đạt)

Hãng dược phẩm AstraZeneca là một trong những nhà cung cấp vắc xin Covid-19 chính cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX). Đại sứ EU cho biết COVAX là cơ chế với sự tham gia của nhiều bên với mục tiêu tập hợp 2 tỷ liều vắc xin và có thể cung ứng cho một phần dân số thế giới vào cuối năm 2021.

Theo Đại sứ Aliberti, EU là nhà tài trợ đầu tiên và đáng kể của cơ chế COVAX. Đóng góp của EU trị giá khoảng 2,6 tỷ Euro, chiếm trên 40% ngân sách của cơ chế COVAX hiện nay. Thông qua cơ chế này, EU có thể thúc đẩy việc thu mua vắc xin để cung ứng toàn cầu.

Đại sứ Aliberti cho biết EU đã lựa chọn 92 quốc gia có mức thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam, để cung ứng vắc xin trong giai đoạn đầu. Đại sứ EU cũng cho biết có khoảng 4.176.000 liều vắc xin theo cơ chế COVAX được phân bổ cho Việt Nam và lô vắc xin đầu tiên dự kiến đến Việt Nam vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới.

Gần đây, tại khu vực Đông Nam Á, EU đã cung cấp 324.000 nghìn liều vắc xin theo cơ chế COVAX cho Campuchia. Tiếp đó, EU cung cấp nửa triệu liều vắc xin cho Philippines.

"Thông qua cơ chế COVAX, chúng tôi đặt mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, và chúng tôi muốn thúc đẩy tinh thần đoàn kết toàn cầu, coi vắc xin là hàng hóa công cộng để ứng phó với đại dịch cũng như biến chủng có nguy cơ xuất hiện trong thời gian tới. Việc tiêm chủng không phải cuộc đua giữa các quốc gia, mà là cuộc đua với thời gian và chúng tôi muốn nỗ lực để chấm dứt dịch bệnh vĩnh viễn", Đại sứ EU nhấn mạnh.

Theo Đại sứ EU, số lượng vắc xin mà Việt Nam tiếp nhận từ cơ chế COVAX được quyết định dựa trên đề xuất của chính phủ Việt Nam, sự khan hiếm của vắc xin trong nước và nhu cầu của các quốc gia khác.

"Chúng tôi đánh giá Việt Nam không phải ở trong tình trạng quá khẩn cấp, dựa trên số lượng người bị nhiễm ở Việt Nam không cao, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực đưa vắc xin đến Việt Nam càng sớm càng tốt", Đại sứ EU nói thêm.

"Hộ chiếu vắc xin" mới chỉ là ý tưởng

Ý tưởng "hộ chiếu vắc xin" được EU gọi là "Giấy chứng nhận xanh điện tử" (Digital Green Certificate). Tuy nhiên, Đại sứ EU cho biết đây mới chỉ là đề xuất được Ủy ban châu Âu thông báo cho các quốc gia thành viên để cùng xem xét trước khi đi đến kết luận cuối cùng. Ý tưởng này nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho những người đã tiêm vắc xin và bình phục sau khi bị nhiễm hay có kết quả xét nghiệm âm tính.

Phía EU cho biết nếu Việt Nam có loại giấy tờ như vậy, Việt Nam cũng có thể gửi thông tin cho các quốc gia thành viên EU có đại sứ quán tại Việt Nam để xem xét. Nếu được, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm