1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU duy trì trừng phạt Nga khi xung đột leo thang tại Ukraine

(Dân trí) - Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/1 đã bác bỏ mọi khả năng nới lỏng ngay lập tức các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, do giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở miền đông Ukraine.

EU duy trì trừng phạt Nga khi xung đột leo thang tại Ukraine

Ngoại trưởng các nước EU Âu tuyên bố "không nới lỏng chính sách trừng phạt Nga" khi căng thẳng đang leo thang tại đông Ukraine. (Ảnh: US Position)

Trong cuộc họp các ngoại trưởng EU lần thứ 28 tại Brussel (Bỉ) hôm qua 19/1, bà Federica Mogherini, Cao ủy  phụ trách chính sách đối ngoại  EU, đã yêu cầu xem xét lại chính sách hành xử với Mátxcơva của Liên minh châu Âu.

Bà Mogherini cũng yêu cầu các vị ngoại trưởng cùng nhìn xa hơn cuộc khủng khoảng Ukraine, xem xét liệu EU và Mátxcơva có thể hợp tác nhiều hơn trong những vấn đề cùng quan tâm như Syria, Iraq và chủ nghĩa khủng bố.

Bất chấp yêu cầu đó, các ngoại trưởng châu Âu ngày 19/1 vẫn khẳng định chỉ thay đổi các lệnh trừng phạt với Nga khi nước này thực thi triệt để các thỏa thuận về Ukraine đã ký hồi tháng 9/2014.

Báo US Position ngày 19/1 dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders nêu rõ do chiến sự quanh sân bay Donetsk ở miền Đông Ukraine đang leo thang nên "hiện không phải thời điểm bàn tới việc nới lỏng trừng phạt".

Về phần mình, Ngoại trưởng Lithuania Linas Antanas Linkevicius cho rằng Nga đã không thể hiện quyết tâm chính trị, không có động thái nào trên thực địa, nên không có lý do gì để thay đổi chính sách cấm vận nước này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã yêu cầu nhanh chóng quyết định liệu hội nghị thượng đỉnh 4 bên giữa Đức, Nga, Ukraine và Pháp bàn về giải pháp cho khủng hoảng Ukraine còn có thể diễn ra hay không. Trong bối cảnh chiến sự tái leo thang ở đông Ukraine, ông cho rằng các bên liên quan phải quyết định trong tuần này liệu có tiếp tục công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh 4 bên nêu trên hay không.

Các lệnh trừng phạt kinh tế của 28 nước thành viên EU áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014. Hồi tháng 7 năm ngoái, các lệnh trừng phạt trên tiếp tục được tăng cường sau khi chiếc máy bay MH17 của hàng không Malaysia bị bắn rơi trên không phận Ukraine.

Tuy nhiên, EU lâu nay vẫn không hoàn toàn đồng thuận trong các lệnh trừng phạt. Các quốc gia có những mối liên hệ mật thiết về chính trị và thương mại với Nga như Đức và Italy đều tỏ ra miễn cưỡng thực thi các lệnh trừng phạt sau khi máy bay MH17 bị bắn rơi.

Thoa Phạm
Tổng hợp