1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU: "Chiến tranh cường độ cao ở châu Âu" không còn là viển vông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức EU bày tỏ lo ngại rằng chiếc ô an ninh của Mỹ có thể khó bảo vệ cho khu vực mọi lúc, đồng thời cảnh báo về kịch bản "chiến tranh cường độ cao ở châu Âu".

EU: Chiến tranh cường độ cao ở châu Âu không còn là viển vông - 1

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell (Ảnh: Reuters).

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cảnh báo kịch bản một cuộc xung đột quân sự toàn diện ở châu Âu có nhiều khả năng xảy ra do căng thẳng với Nga.

Ông đồng thời cho rằng các quốc gia thành viên không chỉ nên dựa vào Mỹ để bảo vệ an ninh cho chính họ.

Một số quan chức châu Âu khác đã cảnh báo về mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps tuần trước nói rằng thế giới đang chuyển từ trạng thái "hậu chiến sang tiền chiến".

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hồi tháng 3 cảnh báo châu Âu đang trong thời kỳ "trước cuộc chiến tranh".

Phát biểu tại một cuộc họp ở Bỉ ngày 9/4, ông Borrell nói rằng "khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thông thường cường độ cao ở châu Âu không còn là điều viển vông" và EU phải "làm mọi cách để tránh kịch bản đó".

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cáo buộc Nga đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với lục địa này, viện dẫn cuộc xung đột với Ukraine, đồng thời cáo buộc Moscow đang tìm cách gây bất ổn cho liên minh.

Theo ông Borrell, mặc dù xung đột quân sự ở châu Âu chưa thể xảy ra "vào ngày mai", nhưng người dân ở lục địa này nên hiểu rằng "chiếc ô an ninh của Mỹ từng bảo vệ chúng ta trong Chiến tranh Lạnh và sau đó, giờ đây có thể không phải lúc nào cũng mở ra".

Ông nói: "Nó có thể, nhưng tùy thuộc vào người đứng đầu chính quyền Washington. Chúng ta không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ của người Mỹ và khả năng của Mỹ để bảo vệ cho chúng ta".

Ông cho rằng EU đang bị bao quanh bởi một "vòng lửa" và sự bất ổn. Ông Borrell kêu gọi các quốc gia thành viên tự chủ hơn về an ninh và tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Ông nói thêm rằng mặc dù NATO là "không thể thay thế", nhưng châu Âu nên bắt đầu xây dựng "cột trụ" của riêng mình trong liên minh do Mỹ lãnh đạo.

Trong thời gian qua, giới chức NATO nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Nga mở cuộc tấn công các thành viên trong khối. Nga nhiều lần bác bỏ điều này, nhấn mạnh kịch bản Moscow tấn công NATO sẽ không mang lại bất cứ lợi ích gì.

Trong khi đó, vào tháng trước, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, cho biết liên minh đã chuẩn bị cho kịch bản một cuộc đụng độ trực tiếp tiềm tàng với Nga.

Đô đốc Bauer cho biết NATO đã ý thức được sự thay đổi trong tình hình an ninh năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Năm 2019, NATO bắt đầu thay đổi chiến lược phòng thủ, kế hoạch tác chiến và lực lượng cần thiết để thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan tới an ninh tập thể.

Mặt khác, Moscow cho rằng các hoạt động của NATO ở Đông Âu và khu vực Biển Đen tạo thêm mối đe dọa đối với an ninh của nước này. Nga nhận định, diễn biến cho thấy NATO đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Moscow. 

Theo RT