1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU cần dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga nếu thỏa thuận Minsk được thực thi

Các chuyên gia cho rằng, chẳng có lý do gì để tiếp tục các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine nếu thỏa thuận Minsk được tôn trọng.

Theo Sputnik News, ngày 11/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp nhau tại thủ đô Minsk của Belarus trong vòng gần 15 giờ và đã nhất trí về một loạt các biện pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, bao gồm việc các bên ngừng bắn vô điều kiện, chính quyền Kiev phải cải cách Hiến pháp để trao quyền nhiều hơn cho các địa phương và việc rút binh sĩ cũng như các trang thiết bị quân sự khỏi miền Đông Ukraine.
 
Lãnh đạo Pháp, Nga, Đức và Ukraine tại Hội nghị Minsk (Ảnh AP)
Lãnh đạo Pháp, Nga, Đức và Ukraine tại Hội nghị Minsk (Ảnh AP)

Trong trường hợp các biện pháp này được thực thi đầy đủ, thì các lệnh trừng phạt hiện nay của EU nhằm vào Nga phải được chấm dứt ngay lập tức.

Không có lý do gì để tiếp tục các lệnh trừng phạt

Ông Arkady Moshes thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế tại Phần Lan cho rằng: “Dần dần, EU sẽ phải dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận. Các lệnh trừng phạt này được họ đưa ra để buộc các bên phải tuân thủ thỏa thuận Minsk. Vì vậy, nếu mọi điều kiện của thỏa thuận Minsk đều được đáp ứng thì EU không có lý do gì để duy trì các lệnh trừng phạt này”.

“Nếu EU không dỡ bỏ các lệnh cấm vận thì Nga sẽ chẳng còn động lực gì để tham gia vào tiến trình hòa bình tại miền Đông Ukraine. EU sẽ cho thấy họ đang thể hiện một bộ mặt rất tồi tệ nếu như họ không làm như vậy”, ông Richard Sakwa làm việc cho chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House chia sẻ.

EU hiện đang chịu áp lực phải làm rõ quan điểm của mình về việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/2 khẳng định, Mỹ “đã cân nhắc việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga từ thỏa thuận Minsk vào tháng 9/2014 và giờ thỏa thuận này đã được thực thi”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực thi đầy đủ tất cả các biện pháp được nêu ra trong thỏa thuận Minsk sẽ khó có thể đạt được một sớm một chiều.

Thỏa thuận Minsk-2 mới chỉ là bước khởi đầu?

Dù đã đạt được những kết quả khả quan trong cuộc đàm phán tại Minsk vào tháng 2 vừa qua (còn gọi là Minsk-2 để phân biệt với cuộc đàm phán Minsk-1 diễn ra vào tháng 9/2014), các bên vẫn chưa thể đạt được một giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Minsk-2 không mở ra một triển vọng về một nền hòa bình tức thì mà là một tiến trình hòa bình cho miền Đông Ukraine”, ông Sakwa nhận định.

Trong khi đó, ông Arkady Moshes lại cho rằng: “Thỏa thuận Minsk-2 thể hiện sự thống nhất của các bên nhằm chấm dứt tình trạng thù địch vô nghĩa tại miền Đông Ukraine”. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các bên sẽ thực thi ngay mọi điều khoản của thỏa thuận Minsk-2.

“Việc thực thi thỏa thuận này không phải là sự đảm bảo cho bất kỳ điều gì”, ông Moshes nhận định và cảnh báo, việc lệnh ngừng bắn chỉ được thực thi vào ngày 15/2 đồng nghĩa với việc các bên có thêm hai ngày để tiếp tục giao chiến với nhau.

Ông Moshes cũng cho rằng, những rào cản trong việc thực thi thỏa thuận Minsk-2 hầu hết đều là do tác động của “những mưu đồ chính trị”. Ông khẳng định, không có gì bảo đảm rằng phe đối lập có thể đồng thuận với chính quyền Kiev về việc thay đổi Hiến pháp của Ukraine.

Ngoài ra, ông Sakwa cho rằng, một rào cản nữa trong việc thực thi thỏa thuận này là việc “vẫn còn có những đảng phái ưa chuộng chiến tranh và có tiếng nói quyết định tại Kiev”.

Bất chấp những rào cả nói trên, các chuyên gia đều bày tỏ hy vọng rằng sớm hay muộn thì các giải pháp được nêu ra trong thỏa thuận Minsk-2 sẽ được thực thi. Nếu điều này xảy ra, Nga sẽ chờ mong một phản ứng tức thì từ phía EU trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN