1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Em ruột Thủ tướng Lý Hiển Long phản pháo về nghi vấn can thiệp di chúc của cha

(Dân trí) - Tranh cãi giữa ba người con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, trong đó có đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, về bản di chúc cuối cùng liên quan tới “số phận” của ngôi nhà của cha họ tiếp tục bị đẩy lên cao khi em trai và em gái của nhà lãnh đạo Singapore đồng loạt lên tiếng “phản pháo” anh trai mình.

Từ trái qua phải: Ông Lý Hiển Dương, Thủ tướng Lý Hiển Long và bà Lý Vỹ Linh (Ảnh: Straitstimes)
Từ trái qua phải: Ông Lý Hiển Dương, Thủ tướng Lý Hiển Long và bà Lý Vỹ Linh (Ảnh: Straitstimes)

Ngày 15/6, Thủ tướng Lý Hiển Long, thông qua luật sư của mình, đã công bố nội dung tóm tắt của một bản khai mà ông đã nộp lên một ủy ban cấp bộ. Ủy ban này do nội các Singapore lập ra để xem xét tương lai ngôi nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu - cha của Thủ tướng Lý Hiển Long - tại số 38 đường Oxley.

Trong bản tóm tắt của Thủ tướng Lý Hiển Long, ông đã tỏ ra nghi ngờ về một số diễn biến xung quanh quá trình lập bản di chúc cuối cùng của cha ông, và muốn xem xét thêm các chi tiết ngoài bản di chúc để đảm bảo rằng đây là ý nguyện thực sự của ông Lý Quang Diệu.

Nội dung bản di chúc cũng là căn cứ để quyết định “số phận” của ngôi nhà số 38 đường Oxley - chủ đề tranh cãi giữa ông Lý Hiển Long với hai người em ruột là ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vỹ Linh trong suốt những ngày vừa qua.

Trong bản di chúc cuối cùng, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nói rằng ông muốn ngôi nhà số 38 đường Oxley phải được dỡ bỏ. Một trong những lý do mà ông Lý Quang Diệu đưa ra cho quyết định này của mình là vì ông không muốn chi phí bảo quản ngôi nhà cổ trở thành gánh nặng cho chính phủ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long lại phản đối việc này và bà Lý Vỹ Linh cùng ông Lý Hiển Dương cho rằng anh trai họ đã phớt lờ mong muốn của cha khi không đồng ý phá dỡ căn nhà. Theo các em của Thủ tướng Lý Hiển Long, việc duy trì sự tồn tại của ngôi nhà sẽ cho phép thủ tướng và gia đình “kế thừa một tượng đài hữu hình về quyền lực Lý Quang Diệu”.

Bản tóm tắt của Thủ tướng Lý Hiển Long đặt câu hỏi về việc liệu cha ông có biết nội dung về việc phá bỏ căn nhà đã được đưa vào bản di chúc thứ 7, cũng đồng thời là bản di chúc cuối cùng, hay không. Theo ông Lý, nội dung này đã bị gạch đi trong bản thứ 5 và thứ 6 và bằng cách nào đó, “nó lại xuất hiện trong bản di chúc cuối cùng”.

Ngoài ra, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nghi ngờ về việc liệu có xảy ra xung đột lợi ích không khi bà Lee Suet Fern, vợ của ông Lý Hiển Dương, can thiệp vào việc chuẩn bị di chúc của bố chồng. Theo đó, ông Lý Hiển Long bày tỏ quan ngại rằng cha ông có thể chưa được tư vấn một cách độc lập và đúng đắn về nội dung bản di chúc trước khi đặt bút ký.

Sự ngờ vực của ông Lý Hiển Dương

Căn nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tại số 30 đường Oxley (Ảnh: Straitstimes)
Căn nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tại số 30 đường Oxley (Ảnh: Straitstimes)

Ngay sau khi bản tóm tắt của Thủ tướng Lý Hiển Long được công bố, ông Lý Hiển Dương đã lên tiếng đáp trả trên trang Facebook cá nhân về vấn đề này.

Theo ông Lý Hiển Dương, trong nhiều tháng từ sau khi bản di chúc của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được đọc công khai trước tất cả các người con của ông, ông Lý Hiển Long không hề “chỉ ra bất kỳ vấn đề nào về pháp lý liên quan tới di chúc”.

Trong khi đó, mãi tới gần đây, bản tóm tắt gần đây của ông Lý Hiển Long mới đặt ra một loạt nghi vấn về tính xác thực của bản di chúc này.

“Quá trình chứng thực đã được hoàn tất từ tháng 10/2015, vì thế bản di chúc này có sự ràng buộc đầy đủ và cuối cùng về mặt pháp lý”, ông Lý Hiển Dương khẳng định.

Cũng theo ông Lý Hiển Dương, anh trai ông đã “tiền hậu bất nhất” khi đưa ra hai quan điểm khác nhau trong cùng một vấn đề liên quan tới số phận của căn nhà số 38 đường Oxley.

Ông Lý Hiển Dương cho biết, trong tuyên bố trước Quốc hội Singapore vào ngày 13/4/2015, tức gần một tháng sau khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời (23/3/2015), chính Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói rằng cha ông kiên quyết muốn phá bỏ căn nhà sau khi mất, chứ không muốn biến nó thành một bảo tàng hay một nhà tưởng niệm.

Trong khi đó, bản khai mới nhất của Thủ tướng Lý Hiển Long gửi lên ủy ban cấp bộ lại nói rằng ông không chắc về việc liệu cha ông có được biết về nội dung phá bỏ căn nhà trong di chúc của mình hay không.

“Ông ấy tin hay không tin rằng cha Lý Quang Diệu luôn kiên định với mong muốn của ông rằng căn nhà cần được phá bỏ? Vậy tuyên bố của ông ấy trước Quốc hội là sai, hay lời khai trước ủy ban là sai?”, ông Lý Hiển Dương đặt câu hỏi.

Bà Lý Vỹ Linh “tố ngược” anh trai

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (ngoài cùng bên trái) và ba người con của ông (Ảnh: Straitstimes)
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (ngoài cùng bên trái) và ba người con của ông (Ảnh: Straitstimes)

Trong bản khai gửi tới ủy ban cấp bộ, ngoài việc ngờ vực về nội dung phá bỏ ngôi nhà được đưa trở lại bản di chúc cuối cùng, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu mong muốn chia đều giá trị ngôi nhà cho 3 người con của mình.

Trong bản di chúc thứ 6, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có sự điều chỉnh và đồng ý chia bà Lý Vỹ Linh, con gái duy nhất của ông, phần nhiều hơn của căn nhà. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, trong bản di chúc cuối cùng, cha ông rốt cuộc lại đổi ý và thống nhất chia đều cho cả 3 con.

Theo tiết lộ của Thủ tướng Lý Hiển Long, em gái ông, bà Lý Vỹ Linh, nghi ngờ về việc ông Lý Hiển Dương và vợ đã cố tình “cướp phần” của bà Lý Vỹ Linh bằng cách gạt bỏ phần chia nhiều hơn mà lẽ ra bà Lý Vỹ Linh đã được nhận từ bản di chúc thứ 6. Và cuối cùng, bà Lý Vỹ Linh cũng chỉ nhận được phần tài sản ngang bằng với hai anh em trai của mình.

Tuy nhiên, bà Lý Vỹ Linh đã đăng đàn trên Facebook để phản bác thông tin trên của ông Lý Hiển Long.

“Tôi đã nhiều lần nói rất rõ với ông Lý Hiển Long và bà Hồ Tinh (vợ ông Lý Hiển Long) sự thật rằng ông Lý Hiển Dương và vợ ông ấy, bà Suet Fern, không phải là những người hai mặt”, bà Lý Vỹ Linh khẳng định.

Thay vào đó, bà Lý Vỹ Linh lại “tố ngược” ông Lý Hiển Long và bà Hồ Tinh. Bà nói rằng chính anh trai Lý Hiển Long và chị dâu bà mới là những người “không vui” khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đồng ý trao quyền cho bà Lý Vỹ Linh được ở trong căn nhà tại 38 đường Oxley như trong bản di chúc cuối cùng.

“Họ (ông Lý Hiển Long và bà Hồ Tinh) đã thúc ép và thuyết phục cha tôi rất nhiều về vấn đề này”, bà Lý Vỹ Linh cho biết, đồng thời khẳng định chính sức ép của anh trai và chị dâu đã khiến bà “mất quyền ở trong ngôi nhà” vào năm 2012 và xảy ra mâu thuẫn với cha của bà.

Bà Lý Vỹ Linh cũng lên tiếng bênh vực em dâu - bà Lee Suet Fern, nói rằng chính bà Fern là người làm trung gian kết nối bà với ông Lý Quang Diệu, đồng thời thuyết phục ông chia tài sản cho con gái.

Thành Đạt

Theo CNA, Straitstimes