1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Em bé" gốc Việt tại Anh luôn mong mỏi tìm về cội nguồn

(Dân trí) - Viktoria Cowley được đánh dấu bằng con số 10 trong tổng số 99 đứa bé được đưa ra khỏi Việt Nam đến Anh trong chiến dịch Không vận Trẻ em năm 1975. Cô bé, khi đó 18 tháng tuổi, đã khóc cho đến khi chìm vào giấc ngủ trên chuyến bay rời xa quê hương.

Viktoria Cowley và hình ảnh trên máy bay đến Anh trong chiến dịch Không vận Trẻ em năm 1975. (Ảnh:

Viktoria Cowley và hình ảnh trên máy bay đến Anh trong chiến dịch Không vận Trẻ em năm 1975. (Ảnh: Mirror)

Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, Viktoria Cowley là trẻ mồ côi, được chọn ngẫu nhiên và đưa ra Việt Nam trên chuyến bay đến Anh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đối với cô, quá khứ như một tờ giấy trắng. 

Khi nhìn vào bức ảnh của chính mình ngày đó, cô thực sự xúc động. “Nhìn tôi này, một sinh linh bé nhỏ, có thể kiệt sức vì sợ hãi. Trong mọi bức hình tôi đang mở mắt, tôi đều đang khóc”.

Không vận Trẻ em là một nhiệm vụ được Mỹ tổ chức trước khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Chiến dịch đã vận chuyển hơn 2.000 trẻ em Việt Nam đến Mỹ, Úc và Canada. Còn 99 đứa trẻ, một số mới chỉ vài tháng tuổi, đã đến sân bay Heathrow của Anh.

Viktoria đã tìm được 30 đứa trẻ khác cùng đi trên chuyến bay ngày đó. “Chúng tôi là những đứa trẻ vô tội… Tôi không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của mình như thế nào nếu tôi ở lại quê hương…”.

“Khi chiếc máy bay hạ cánh tại Anh, giống như tấm kính vỡ tan, chúng tôi là từng mảnh bé nhỏ chia tách ra mọi hướng, và giờ chúng tôi đã tìm lại nhau”, cô nói.

Nhịp cầu kết nối tìm lại người thân

 

Theo đề nghị của bạn đọc, báo Dân Trí sẽ làm cầu nối để đăng tải thông tin nhằm giúp những người con Việt Nam trong “chiến dịch không vận trẻ em” năm 1975 tìm lại thân nhân. Độc giả trong và ngoài nước quan tâm, có những thông tin hay câu chuyện về chiến dịch này, hãy chia sẻ với chúng tôi. Thư xin gửi về địa chỉ thegioi@dantri.com.vn. Chân thành cảm ơn! (Thư có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh).

Từ những bức hình cô tải lên mạng, Viktoria đã nhanh chóng nhận được phản hồi. Tin tức lan rộng giữa những con người, giống như cô, đang khao khát tìm hiểu về một phần tuổi thơ trước khi được các gia đình Anh nhận nuôi.

Trong số các bức ảnh này, có một bức hình chụp 2 cậu bé đang ngủ bên cạnh Viktoria trên ghế. Bên trái là Le Than, hiện đang là cố vấn công nghệ thông tin tại Wales. Anh nhận ra mình từ cách nằm ngủ, miệng ngậm ngón tay. Đứa trẻ bên phải là Chris Law. 

Cô còn tìm được một người bạn tên Dang trên chuyến bay năm xưa nhờ những bức ảnh. Khi liên lạc được với nhau, hóa ra anh Dang đã lớn lên chỉ cách nhà của Viktoria tại Eastborne, miền đông Sussex, Anh vài km.

Gần chục năm trước, Viktoria đã tìm về Việt Nam cùng một đoàn quay phim tài liệu của hãng thông tấn BBC của Anh. “Điều tôi hối tiếc là đã bắt đầu tìm kiếm quá muộn”, Viktoria nói. 

“Cha nuôi tôi mất 12 năm trước và tôi đã chẳng bao giờ hỏi ông. Đây từng là toàn bộ thế giới tôi biết. Tôi là một cô con gái người Anh trong một gia đình người Anh, lớn lên trong một thị trấn của Anh”.

“Ngày đầu tiên tại trường trung học, bài học lịch sử đầu tiên của tôi là Chiến tranh Việt Nam. Thật tàn nhẫn! Tôi đã chẳng hề muốn biết gì hết. Nhưng giờ tôi rất thoải mái. Tôi muốn biết những phần đã mất về bản thân mình”, Viktoria tâm sự.

Viktorria chia sẻ rằng nếu không có sự động viên của chồng và mẹ nuôi, “có lẽ tôi đã chẳng bao giờ làm được việc này. Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về những đứa trẻ tìm kiếm cha mẹ đẻ và chẳng tìm được gì ngoài nỗi đau”.

Trong lần trở về này, Viktoria  biết rằng khi ở trại trẻ mồ côi, cô đã được đặt cho cái tên Lam Yen Hang. Nhưng danh tính thật sự của cô, nơi cô sinh ra, thậm chí ngày sinh tháng đẻ, đã không được làm rõ. Bởi trong cảnh chiến tranh tàn khốc, mọi giấy tờ đã biến mất. 

Cô được kể lại rằng khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, ông Douglas Viktoria, một quản lý tại Nhà máy Thuốc lá Anh-Mỹ trong thành phố, đã đưa vợ Jennifer và con trai Jonathan trở lại Anh. Cặp vợ chồng muốn một cô con gái. Sau khi đến trại trẻ, Douglas bị mê hoặc bởi Lam Yen Hang và tiếng khóc của cô bé. 

Viktoria đã tìm thấy một người làm việc tại trại trẻ trước kia, người này nói từng nhìn thấy ông Douglas lái xe đến trại trẻ. Cô cũng tìm được một người khác kể rằng người mẹ đã đưa cô đến đây vì chồng của bà đã chết và bà quá nghèo không thể lo cho gia đình. Viktoria cho hay cha đẻ của cô có thể là một lính ngụy phục vụ cho quân đội Mỹ. 

“Ngày trở về Việt Nam, tôi thức dậy vào một buổi sáng và có cảm xúc kỳ lạ, như thể tôi đang rất bình yên, như thể phần bị mất trong cuộc đời phức tạp của tôi đã trở lại đúng chỗ”, cô bé gốc Việt nói.
 
Viktoria chia sẻ rằng khi cô tìm đến trại trẻ mồ côi năm xưa, nơi đó đã được thay bằng một trường học.

Một buổi sáng trước khi rời đi quê hương, cô nhìn thấy 750 học sinh của ngôi trường tập hợp dưới sân và hát vang Quốc ca Việt Nam. “Đó là trải nghiệm cảm động nhất. Tôi đã khóc”. 

Thoa Phạm
Theo Mirror