1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Elysée thâm cung bí sử

11g trưa 16/5, tân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bước chân qua cánh cổng lớn của điện Elysée. Không biết có nằm trên “long mạch” hay không mà lâu đài Elysée, ban đầu là một “phòng nhì” của các hoàng đế Pháp, sau này trở thành nơi tập trung quyền lực.

Khi bá tước Evreux cho xây dựng dinh thự lộng lẫy này, ông hoàn toàn không ngờ rằng nó sẽ trở thành chỗ ở và làm việc của nhiều đời hoàng đế và tổng thống về sau. Công trình kiến trúc tuyệt đẹp này do kiến trúc sư Armand-Claude Mollet thiết kế, nằm không xa hoàng cung là bao.

Năm 1753, sau khi bá tước Evreux qua đời, vua Louis XV vì say mê một phụ nữ thông minh, quyến rũ tên là Jeanne Antoinette Poisson, đã mua tặng nàng tòa nhà này và phong cho tước hiệu hầu tước để mỹ nhân có thể bước lên hàng quí tộc cùng vua vui vầy. Người đời gọi bà là nữ hầu tước Pompadour hay bà Pompadour (1721-1764), một gương mặt phụ nữ quyền thế đã từng khuynh loát cả một triều đại.

Tương truyền khi Jeanne Antoinette Poisson mới lên chín tuổi, một nhà tiên tri đã tiên đoán ngày sau bà sẽ được một vị hoàng đế sủng ái. Vì vậy, cha nuôi của bà, một nhà tài phiệt có tên Le Normant de Tournehem, đã đặt cho bà một biệt danh trong nhà là “Reinette” có nghĩa “hoàng hậu bé”. Để nâng cánh cho cô con nuôi bay thẳng vào tương lai, ông De Tournehem không tiếc công huấn luyện bà về âm nhạc, khiêu vũ, hội họa, học vấn, cách giao tiếp và Jeanne Antoinette cũng tỏ ra thông minh xuất sắc trong việc lĩnh hội.

Năm 1741, khi “hoàng hậu bé” 20 tuổi, cô kết hôn với một người si mê cô điên cuồng là cháu trai của ông De Tournehem. “Hoàng hậu nhỏ” nổi danh trong giới tài chính Paris như là một “nữ hoàng thời trang”. Nhưng “hoàng hậu nhỏ” luôn nhớ lời tiên tri ngày nào. Vì lẽ đó, bà đã dụng công nhiều phen để được gặp vua và cuối cùng vua Louis XV bị “sét đánh” trong một dạ tiệc khiêu vũ do chính bà sắp xếp. Người cháu trai của ông De Tournehem phải lập tức ly dị vợ theo yêu cầu của vua, còn tân nữ hầu tước Pompadour dọn vào sống trong tòa nhà của cố bá tước Evreux mà nhà vua vừa tậu cho.

Vốn là một người say mê thời trang và nội thất theo kiểu “Niềm vui của tôi không phải là ngắm vàng trong rương của mình, mà là làm cho nó nhiều hơn lên”, nên bà Pompadour cho tân trang dinh thự vốn đã rất nguy nga càng phải lộng lẫy hơn..., tất nhiên là bằng ngân khố quốc gia do nhà vua phê duyệt.

Thời đó tư tưởng “quay về với thiên nhiên” của Jean-Jacques Rousseau rất được ưa chuộng. Bà Pompadour cho người mang về một bầy cừu, dát vàng quanh sừng, thắt nơ quanh cổ chúng rồi thả trong vườn. Ngày ngày, bà thường ra vườn đóng vai “cô gái chăn cừu”. Một hôm, trong lúc quá hứng khởi, bà đã đưa bầy cừu của mình vào phòng ngủ dành cho khách làm náo loạn tòa nhà.

Mười năm sau khi hầu tước Pompadour qua đời, dinh thự này rơi vào tay một ông trùm trong giới ngân hàng tên Nicolas Beaujon. Ông này đã cho nới rộng và chỉnh trang nội thất. Năm 1787, tòa nhà lại thuộc về nữ công tước Bourbon, tức Louise Marie Bathilde d'Orleans, cô của vua Louis Philippe (cầm quyền từ 1830-1848). Bà Bourbon là một người đồng bóng nên tòa nhà cũng theo sở thích của bà mà trở thành một chốn âm u - nơi nữ chủ nhân thường tiếp đãi khách trong ánh đèn mờ ảo, bên bộ bài hay quả cầu chiêm tinh. Thời gian này, tòa nhà cũng được đổi tên thành điện Elysée, lấy tên đại lộ trước cửa.

Khi Cách mạng Pháp bùng nổ, bà công tước hiến tòa nhà cho chính phủ Cộng hòa. Năm 1793, vua Louis Philippe chạy sang Áo nên chính quyền bấy giờ cho tống giam tất cả những người thuộc hoàng tộc còn ở lại. Nữ công tước đã phải sống một năm rưỡi trong tù trước khi được trả tự do vào năm 1795. Bà quay về nơi ở của mình tại Paris. Trong thời gian bà vắng mặt, điện Elysée được sử dụng làm nơi đặt nhà in và phục vụ nhiều yêu cầu khác của nhà cầm quyền.

Ngày trở về, bà công tước không còn tiền của rủng rỉnh như trước để bảo dưỡng tòa nhà và tự nuôi sống. Vì vậy, bà cho một người Bỉ tên Hovyn thuê tầng trệt của tòa nhà để tổ chức các loại hình giải trí. Tòa nhà lúc này náo nhiệt chưa từng thấy. Sau cơn khủng hoảng, người Paris muốn cởi bỏ những u sầu phiền muộn nên lao vào các cuộc chơi. Ở điện Elysée, họ có thể nhấm nháp cà phê ở quán cà phê hòa nhạc rồi ra vườn xem một con cừu vừa tiếp đất bằng dù. Họ cũng có thể xem kịch, triển lãm, nghe diễn thuyết, khiêu vũ, kể cả mướn “phòng riêng” để làm tình nhân một đêm.

Năm 1805, một người em rể của Napoleon là Johachim Murat đã mua lại điện Elysée và cho sửa chữa lớn tòa nhà. Sau nhiều năm sống chung với hoàng hậu Joséphine de Beauharmais không con nối dõi, lại thêm cái tính không chung thủy của Joséphine đã làm Napoleon mệt mỏi. Ông bắt đầu có nhiều tình nhân và đã lấy điện Elysée làm nơi hẹn hò, vì tòa nhà nằm cách hoàng cung chỉ một khu vườn Tuileries.

Từ những mối tình đó, ông đã có một con trai là bá tước Leon với một cô giáo riêng của em gái mình. Sau khi ông Murat được tấn phong làm vua xứ Naples và lên đường về nơi trị vì, Napoleon đến sống hẳn ở điện Elysée. Cũng tại nơi này, ông tuyên bố ly dị hoàng hậu Joséphine sau 15 năm chung sống. Hoàng đế tặng điện Elysée cho bà nhưng cựu hoàng hậu chẳng thể nào đành lòng ở lại. Elysée trở thành nơi Napoleon sống những năm tháng sau cùng trong cuộc đời trị vì của ông.

Sau khi Pháp bại trận trước nước Nga, điện Elysée đã là nơi ghé chân của Sa hoàng Alexandre đệ nhất. Sau đó, tòa nhà lại trở về tay những người thuộc hoàng tộc cũ, rồi thì chỗ ở của hoàng đế Napoleon Bonaparte. Năm 1852, Louis-Napoleon Bonaparte tuyên bố xóa sổ nền cộng hòa bằng đệ nhị đế chế và trở thành Napoleon đệ tam, tức vị vua cuối cùng của nước Pháp. Cuộc sống hoàng tộc trong cung kết thúc cùng với sự ra đi của Napoleon đệ tam vào năm 1871.

Sau đó, các tổng thống Cộng hòa Pháp luôn chọn nơi này làm chỗ ở và làm việc. Dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle (1958-1969), ông từng dự định chuyển phủ tổng thống sang một địa điểm khác để có được khoảng không gian rộng hơn, an ninh tốt hơn và chỗ đáp cho máy bay trực thăng. Nhưng dự án này chưa bao giờ được thực hiện.

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm